Không thể “bồi” mà không “dưỡng”, hoặc “dưỡng” mà không “bồi”
Từng 9 năm làm hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - một trường tự chủ tài chính toàn phần - và 3 năm làm hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, dù hoạt động bồi dưỡng đội ngũ trong ngành đã được đẩy mạnh nhiều, nhưng về cơ bản vẫn còn tồn tại 3 vấn đề.
Thứ nhất: Nội dung bồi dưỡng không đúng nhu cầu GV, CBQL. Thứ 2 là “bồi” nhưng không “dưỡng”, GV tham dự, đi tập huấn rất hào hứng nhưng khi về trường không được sẻ chia, thiếu bạn đồng hành nên lại quen về cũ, bánh xe tìm những nẻo đường mòn. Thứ 3 là “dưỡng” mà không “bồi” bởi lối tập huấn quen và cũ từ nội dung đến những kêu gọi đổi mới; đôi nơi tổ chức hoành tráng nhưng lại thấp về tính thông tin...
Ở góc độ quản ý, cô Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, hiệu trưởng cần nắm được toàn bộ khung bồi dưỡng GV để hiểu GV được bồi dưỡng gì, từ đó mới có thể quản trị và đồng hành. Đồng thời, mong có một văn bản chỉ đạo để hiệu trưởng nhà trường tạo điều kiện tối đa cho GV cốt cán đi tập huấn.
Với lựa chọn đội ngũ GV cốt cán, theo nữ hiệu trưởng, bên cạnh tiêu chuẩn giỏi chuyên môn cần phải có kĩ năng truyền cảm hứng. Chuyên đề bồi dưỡng rất quan trọng là về xây dựng kế hoạch GD nhà trường. Cách thức bồi dưỡng nên chú trọng hướng dẫn cách làm; đồng thời phải quan tâm đến quản lý, kiểm soát để có thể điều chỉnh ngay cho khóa bồi dưỡng sau được tốt hơn.
Cũng từ thực tế quản lý cơ sở GDPT, thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) - cho rằng: Dạy hình thành phẩm chất, năng lực là rất khó; hiện nhiều GV vẫn chỉ biết dạy theo SGK, nên bồi dưỡng sắp tới phải bồi dưỡng về sự khác biệt cơ bản của Chương trình GDPT mới, đó là bồi dưỡng về mục tiêu chương trình, quan điểm mới của chương trình.
Đề cập đến bộ phận GV khó tiếp thu cái mới, thầy Nguyễn Văn Hòa cho rằng, bồi dưỡng phải đánh bật được cái cũ, quan điểm cũ thì cái mới mới có thể phát triển. “Như một cái cây không thay đổi gốc mà ghép cành mới vào thì có khi cái gốc tiếp tục mọc chồi mới, trong khi nhánh ghép mới lại bị thui chột” - thầy Nguyễn Văn Hòa ví dụ.
Gợi mở, tránh cầm tay chỉ việc
Chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - đối tượng bồi dưỡng đến năm 2021 theo 9 mô-đun cho đội ngũ cốt cán là khoảng 800
giảng viên sư phạm, 1.000 CBQL cấp sở/phòng cốt cán, 4.000 hiệu trưởng và 35.000 GV phổ thông cốt cán. Đối tượng đại trà, đến năm 2021 sẽ bồi dưỡng khoảng 3.500 CBQL cấp sở/phòng; khoảng 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 GV phổ thông.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng GV, CBQL giáo dục cũng như vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng đội ngũ thực hiện Chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh 4 vấn đề: Các nhóm đối tượng bồi dưỡng; chuyên đề bồi dưỡng; phương pháp bồi dưỡng và tổ chức đánh giá; tổ chức thực hiện.
Về đối tượng bồi dưỡng, Bộ trưởng đưa ra 4 nhóm, gồm: Cán bộ lãnh đạo Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; giảng viên cốt cán trường sư phạm; hiệu trưởng cơ sở GDPT và GV phổ thông. Bộ trưởng lưu ý thêm: Cần lựa chọn những GV xuất sắc ở phổ thông để cùng tham gia vào nhóm cốt cán của trường sư phạm để bồi dưỡng chung; nhóm các hiệu trưởng bao gồm cả cơ sở giáo dục công lập và tư thục. Với GV phổ thông, đối tượng GV cốt cán được chọn phải không chỉ nắm vững về chuyên môn, kinh nghiệm mà phải là người tâm huyết đổi mới, nhiệt tình chia sẻ với đồng nghiệp...
Nhấn mạnh chuyên đề bồi dưỡng phải theo hướng gợi mở, hạn chế cầm tay chỉ việc, Bộ trưởng yêu cầu chương trình cho nhóm đối tượng nào cần phải có sự tham gia của nhóm đối tượng đó. Tài liệu được chuyển thành các dạng thức: Văn bản, video, hỏi - đáp, đưa lên mạng để mọi người cùng có thể sử dụng. Việc triển khai ưu tiên theo phương thức trực tuyến. Với phương thức trực tiếp, theo Bộ trưởng, cần theo hướng tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm, hạn chế cầm tay chỉ việc; tăng cường giải đáp, gợi mở để các học viên cùng trao đổi, từ đó quay về hoàn thiện chương trình bồi dưỡng.
Về đánh giá, Bộ trưởng nhấn mạnh tính nghiêm túc, xong đến đâu cấp chứng chỉ đến đó; tránh tình trạng đánh trống ghi tên. “Trường nào tổ chức không nghiêm túc có thể thu giấy phép; trường nào làm tốt thì khuyến khích, hỗ trợ” - Bộ trưởng cho hay.