Cải thiện năng lực cốt lõi
* Trên thực tế, năng lực của hiệu trưởng ở không ít trường phổ thông còn nhiều bất cập. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trong nhà trường như thế nào?
- Đội ngũ hiệu trưởng cơ sở GDPT của 3 cấp học hiện đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu cơ bản về chất lượng, đã hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao với cương vị là người đứng đầu nhà trường. Song, hầu hết các hiệu trưởng trường phổ thông đều trưởng thành từ giáo viên, nên hạn chế về năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường là không tránh khỏi.
Trong một nghiên cứu đề tài cấp Bộ (2017), chúng tôi tiến hành khảo sát năng lực của hiệu trưởng/phó hiệu trưởng trường THPT đại diện các vùng miền (105 trường), kết quả khảo sát cho thấy: “Năng lực xây dựng chiến lược phát triển nhà trường để hoàn thành mục tiêu và sứ mệnh nhà trường” còn hạn chế (khoảng 78% được đánh giá mức trung bình); và “Năng lực quản lý phát triển chương trình giáo dục nhà trường, chương trình môn học, triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường” (khoảng 70% được đánh giá ở mức trung bình, yếu kém).
Ngoài ra, còn một số điểm hạn chế khác của đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở GDPT như năng lực sử dụng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong quản lý các hoạt động của nhà trường. Đây là những năng lực cốt lõi của hiệu trưởng cơ sở GDPT, song còn hạn chế. Điều này dẫn tới những bất cập trong quản trị con người và hành chính cũng như xây dựng thương hiệu trong mỗi cơ sở GD.
*Từ hạn chế trên, theo PGS, người đứng đầu cơ sở GD cần bồi dưỡng những gì?
Nội dung chương trình bồi dưỡng các đối tượng CBQL được xây dựng bám sát yêu cầu đạt chuẩn hiệu trưởng phổ thông và CBQL sở, phòng GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, theo nguyên tắc tăng tính thực hành, thực thi chương trình theo cách “cầm tay chỉ việc”. Chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng tập trung vào năng lực quản trị nhà trường, quản trị các hoạt động của nhà trường, hướng tới khắc phục các điểm hạn chế trong lãnh đạo, quản lý của đội ngũ hiệu trưởng trường phổ thông.
- Khắc phục hạn chế về năng lực quản lý và lãnh đạo, tôi cho rằng đội ngũ hiệu trưởng trường phổ thông hiện nay cần được bồi dưỡng đó là: Năng lực quản trị chiến lược phát triển nhà trường; Năng lực quản lý phát triển chương trình giáo dục nhà trường, chương trình môn học; Quản trị hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục, hoạt động kiểm tra đánh giá thành quả học tập rèn luyện của học sinh; Quản trị chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục.
Bên cạnh việc bồi dưỡng, để phát huy được các năng lực này cần tạo cho hiệu trưởng trường phổ thông cơ chế quản lý theo hướng tự chủ, trách nhiệm và giải trình xã hội.
PGS.TS Trần Hữu Hoan. |
*Trong bối cảnh chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới, PGS nhận định thế nào về vai trò đội ngũ hiệu trưởng cơ sở GDPT?
-Hiệu trưởng cơ sở GDPT là người đứng đầu nhà trường, người triển khai thực thi các chủ trương, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới giáo dục tới từng cán bộ, giáo viên, học sinh và các bên liên quan của nhà trường. Hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong quá trình thiết lập những định hướng phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác tạo sự thành công cho ngành Giáo dục nói chung, nhà trường nói riêng.
Quản lý nhà trường trong giai đoạn hiện nay là việc tổ chức điều hành các hoạt động dạy học, GD-ĐT, nhằm GD-ĐT những con người đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động và nghề nghiệp cũng như cuộc sống, có khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Yêu cầu phát triển nhà trường trong thời kỳ mới đòi hỏi hiệu trưởng những yêu cầu về hiểu biết, phẩm chất và năng lực hành động trong các lĩnh vực: Tạo lập tương lai; lãnh đạo, quản lý hoạt động học dạy, giáo dục; tự nâng cao năng lực cá nhân và kết hợp với các cơ quan, đồng nghiệp khác; trách nhiệm về các công việc được giao và tăng cường phát triển cộng đồng thông qua các mối quan hệ gắn kết.
Hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong quá trình thiết lập những định hướng phát triển nhà trường. Ảnh minh họa/ Internet |
Có thể nhận định rằng, đội ngũ hiệu trưởng cơ sở GDPT của 3 cấp học đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu cơ bản về chất lượng. Song, bối cảnh đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới GDPT nói riêng, nhất là chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018 bắt đầu từ lớp 1 vào năm học 2020 - 2021, cán bộ lãnh đạo ngành Giáo dục, CBQL cơ sở GDPT, cũng như đội ngũ giáo viên có những cơ hội và thách thức mới.
Nghị quyết 29/NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã nhấn mạnh nhiệm vụ giải pháp “Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”. Đổi mới các yếu tố của GD-ĐT, trước hết đòi hỏi CBQL phải thay đổi phong cách lãnh đạo, quản lý, yêu cầu đội ngũ CBQL cần có năng lực lãnh đạo, quản lý phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh đổi mới và điều kiện của nhà trường, địa phương.
Bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu mới
*Học viện Quản lý Giáo dục là đơn vị chịu trách nhiệm bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng các trường phổ thông triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Chương trình bồi dưỡng hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập kể trên ra sao?
-Học viện Quản lý Giáo dục có nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo CBQL giáo dục trình độ cao (sau đại học), bồi dưỡng CBQL chủ chốt cho toàn ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục các cấp học. Trong 3 năm qua, được sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Học viện thực hiện các nhiệm vụ trọng trách và Học viện đã hoàn thành: Xây dựng chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT; tiêu chí lựa chọn CBQL cơ sở GDPT cốt cán; xây dựng khung năng lực chuẩn hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường đại học; xây dựng khung năng lực/chuẩn của giám đốc, phó giám đốc sở GD&ĐT; xây dựng khung năng lực/chuẩn trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT.
Trên cơ sở khung năng lực/chuẩn các đối tượng CBQL giáo dục trên, Học viện được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống chương trình bồi dưỡng CBQL giáo dục phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục, yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018: Chương trình bồi dưỡng thường xuyên CBQL cơ sở GDPT; Chương trình bồi dưỡng giám đốc sở GD&ĐT; Chương trình bồi dưỡng trưởng phòng GD&ĐT. Đây là một trong những điều kiện tiền đề để tổ chức bồi dưỡng đội ngũ CBQL giáo dục nói chung, CBQL cơ sở GDPT nói riêng.
Học viện Quản lý Giáo dục có cơ hội tham gia Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và CBQL cơ sở GDPT (Chương trình ETEP) và được giao nhiệm vụ là đầu mối trong bồi dưỡng CBQL cơ sở GDPT với nhiệm vụ chủ trì phát triển chương trình bồi dưỡng, tài liệu học liệu bồi dưỡng và tổ chức triển khai bồi dưỡng CBQL cơ sở GDPT các cấp học.
*Xin cảm ơn ông!