“Bốc hơi” gần 700 tỷ đồng, Đà Nẵng “tái cơ cấu” du khách

“Bốc hơi” gần 700 tỷ đồng, Đà Nẵng “tái cơ cấu” du khách

Chưa dứt mạch suy giảm

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn cho ngành du lịch. Qua thống kê từ các đơn vị, ước tổng thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển vào khoảng 674 tỷ đồng. Trong đó khối lữ hành, vận chuyển khoảng 285 tỷ đồng, khối lưu trú khoảng 389 tỷ đồng. Con số này mới chỉ là cập nhật đến ngày 10/2

Bức tranh du lịch trong tháng 1/2020 có nhiều khởi sắc, các số liệu cho thấy sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng tăng 22,1%,tổng thu du lịch đạt 2.575 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi có những khuyến cáo trước diễn biến phức tạp của dịch, ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các số liệu thống kê cho thấy, toàn khối lưu trú du lịch công suất bình quân hiện tại chỉ đạt 25 - 30%. Các khách sạn dự kiến trong tháng 3/2020 lượng khách du lịch hủy phòng sẽ còn giảm mạnh hơn, công suất chỉ đạt 20% - 25%. Lượng khách do các đơn vị lữ hành phục vụ dự kiến tháng 2 - 3/2020 chỉ đạt mức 25 - 30% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó khách quốc tế giảm khoảng 70%. Khách nội địa giảm 80 - 85%. Khoảng từ cuối tháng 1/2020, các khu, điểm tham quan du lịch bắt đầu có dấu hiệu giảm lượng khách. Dự kiến trong tháng 2/2020 lượng khách đến với Bảo tàng Điêu khắc Chăm có thể giảm 90% so với cùng kỳ.

Do việc dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại, đồng thời tạm dừng việc cấp thị thực du lịch cho khách nước ngoài (bao gồm cả khách Trung Quốc) đang hoặc đã từng ở Trung Quốc trong thời gian 2 tuần qua thì tỷ lệ hủy đoàn của thị trường khách Trung Quốc là 100%. Không chỉ có khách từ thị trường Trung Quốc, Đà Nẵng cũng là điểm đến hấp dẫn của khách Hàn. Tuy nhiên, tỷ lệ hủy phòng cũng rất cao, lên đến khoảng từ 70 đến 80% (bao gồm cả khách đoàn và đi lẻ). Thị trường khách ASEAN (Thái Lan, Singapore, Malaysia…) có tỷ lệ hủy tour trung bình khoảng 40 - 45%.

Không chỉ khách quốc tế, từ những khuyến cáo hạn chế tập trung đông người, hạn chế đi lại cũng như việc tạm dừng các hoạt động văn hóa, thị trường khách nội địa cũng giảm mạnh. Tỷ lệ hủy đoàn, hủy đặt phòng với 70 - 80%.

Đẩy mạnh quảng bá, đa dạng hóa thị trường khách du lịch

Để kích cầu tăng trưởng du lịch, chủ động ứng phó với ảnh hưởng của dịch, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đang khẩn trương có các kế hoạch xúc tiến, quảng bá. Đã và đang tiến hành đa dạng hóa, tái cơ cấu các thị trường khách quốc tế. Chuyển hướng đến các thị trường tiềm năng và tránh để bị phụ thuộc.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: “Trong thời gian tới, sẽ tập trung đa dạng hóa thị trường, đang chuẩn bị và sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch trước. Làm việc với Hiệp hội Du lịch và các đơn vị kinh doanh du lịch để có các biện pháp như giảm giá, ưu đãi tăng cường chất lượng dịch vụ cũng như thêm các sản phẩm mới”.

Sở Du lịch cũng khẳng định, Đà Nẵng hiện vẫn là điểm đến thực sự an toàn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để khẳng định điều trên, Đà Nẵng đã cho thấy sự kiểm soát hiệu quả của thành phố và những biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt đến tất cả các địa phương, điểm tham quan và các cơ sở kinh doanh phục vụ du lịch. Theo cập nhật đến 8 giờ ngày 20/2, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa phát hiện trường hợp nào (kể cả người dân và du khách) bị nhiễm Covid-19.

“Đà Nẵng vẫn đang là điểm đến an toàn. Hiện nay, Đà Nẵng vẫn chưa có ca nào dương tính cả” – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng nhấn mạnh. Đại diện Sở Du lịch cũng cho biết, hiện nay công tác tập trung phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn vẫn là trọng tâm trên hết, sau đó mới là các phương án quảng bá, kích cầu du lịch.

Để đẩy mạnh hơn nữa, Sở Du lịch TP đang triển khai liên kết 3 địa phương (Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam), đề xuất giải pháp ứng phó dịch bệnh và tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch 3 địa phương. Chủ động đưa ra phương án triển khai phòng, chống dịch (nếu có trường hợp nhiễm bệnh) theo 4 cấp độ, ở mỗi cấp độ sẽ có phương án, giải pháp triển khai cụ thể…

Ngoài các phương án đẩy mạnh xúc tiến, ứng phó với ảnh hưởng của dịch, Sở cũng đã có kế hoạch đưa ra các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch xúc tiến sau khi kiểm soát được dịch bệnh để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tìm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cho những thiệt hại trên, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng đã có những đề xuất, kiến nghị đến thành phố để cùng chung tay, đồng hành, tiếp sức hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo kế hoạch đặt ra trước đó, năm 2020 ngành du lịch Đà Nẵng dự kiến đón 9,8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên dịch Covid-19 đang đặt ra những thử thách rất lớn cho mục tiêu này.

Theo cập nhật của Sở Y tế TP Đà Nẵng, đến 8 giờ ngày 20/2, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa phát hiện trường hợp nào (kể cả người dân và du khách) bị nhiễm Covid-19. Tổng cộng có 114 mẫu xét nghiệm âm tính với Covid-19, chưa có trường hợp dương tính với Covid-19. Hiện đang cách ly theo dõi 2 trường hợp (1 người Việt Nam, 1 người nước ngoài) tại Bệnh viện Phổi; sức khỏe các trường hợp nghi ngờ đều tạm ổn và đang được theo dõi chặt chẽ. Tiếp tục giám sát tại cộng đồng 11 trường hợp, tất cả đều có sức khỏe bình thường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.