Bỏ “viên chức suốt đời”
Thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 04-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW về chế độ hợp đồng đối với viên chức tuyển dụng mới, trong Tờ trình Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đề xuất hai phương án.
Phương án thứ nhất, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2). Dự thảo Luật Chính phủ trình đang thể hiện theo phương án này.
Phương án thứ hai, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Qua thảo luận về vấn đề này, trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có hai loại ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến tán thành phương án thứ nhất. Phương án này bảo đảm bám sát yêu cầu và thể chế hóa được nội dung của nghị quyết Trung ương, tạo sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, theo phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành là không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần; dễ tạo tâm lý không yên tâm cho số viên chức được tuyển dụng mới. Các ý kiến tán thành phương án này cũng đề nghị làm rõ quy định đối với số viên chức cũ đã tuyển dụng (ký hợp đồng) thì áp dụng như Bộ luật Lao động hiện hành, giữ nguyên hợp đồng dài hạn đã ký.
Một số ý kiến tán thành phương án thứ hai. Phương án này tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ viên chức, bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong quản lý viên chức, đồng thời có thay đổi một phần, tạo cơ chế sàng lọc bước đầu, đáp ứng một phần yêu cầu của nghị quyết Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Theo phương án này cần có quy định đề cao vai trò của người lãnh đạo trong việc lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí công việc (như gắn việc đánh giá, phân loại với sử dụng, làm động lực để người lao động luôn nỗ lực, cố gắng); đồng thời, bảo đảm quyền của viên chức có thể chấm dứt hợp đồng khi các quyền, lợi ích hợp pháp của mình không được bảo đảm.
|
Gây tâm lý bất an?
Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) bày tỏ băn khoăn về đề xuất bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức. Theo đó, đề xuất trên có sự mâu thuẫn, không thống nhất với Bộ luật Lao động là luật gốc. Bộ luật Lao động quy định không được ký hợp đồng xác định thời hạn quá hai lần. Do đó, quy định như dự thảo Luật dễ tạo tâm lý không yên tâm cho đội ngũ viên chức mới tuyển dụng.
Đặc biệt, đội ngũ giáo viên và thầy thuốc chiếm số đông hiện nay chủ yếu là viên chức. Nếu theo Bộ luật Lao động thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn và an tâm cống hiến cho nghề giáo suốt đời. Với khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa điều này sẽ khuyến khích họ bám trường, bám nghề. Nếu bỏ quy định này, vài năm lại xét lại thì rất có thể đẻ ra hệ lụy, thậm chí tiêu cực khác. “Chỉ cần hiệu trưởng hoặc giám đốc bệnh viện không thích giáo viên này, bác sĩ kia mà có thể loại ra có thể dẫn đến nảy sinh nhiều hệ lụy. Vì thế, chúng ta cần cần cân nhắc kỹ”, ĐBQH Đặng Thuần Phong cho hay.
“Là một nhà giáo, với cá nhân tôi việc ký hợp đồng có thời hạn hay không thời hạn không hẳn là vấn đề quan trọng nhất. Quan trọng nhất là năng lực giảng dạy của chúng tôi được đánh giá đúng. Vì vậy, khi thực thi Luật cần có các công cụ, tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức sao cho thật khách quan, minh bạch. Nếu không khách quan, minh bạch sẽ rất dễ xảy ra việc chạy chọt, cơ chế “xin - cho” để được tiếp tục ký hợp đồng”, ĐBQH Đinh Thị Bình nhận định.
Nhìn nhận, tình trạng “công chức, viên chức suốt đời” hiện nay nếu chây ỳ, ngại đổi mới trong công việc cũng khó để đưa ra khỏi bộ máy, ĐBQH Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cho rằng, cần có những quy định cụ thể để đội ngũ công chức, viên chức được sàng lọc thường xuyên, “có vào, có ra”. Tuy nhiên, ĐBQH Bùi Ngọc Chương cũng bày tỏ băn khoăn về việc sau khi ký các hợp đồng có thời hạn thì xung đột với Bộ luật Lao động. “Tôi cho rằng, việc không ký hợp đồng dài hạn sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định, yên tâm công tác của đội ngũ viên chức thuộc ngành Giáo dục, ngành Y tế... Vì vậy, chúng ta cần thực sự cân nhắc việc này. Có thể bỏ quy định hợp đồng dài hạn nhưng với lĩnh vực giáo dục, y tế chu kỳ hợp đồng ấy phải dài. Chứ nếu chỉ 2 năm thì người ta thấp thỏm không yên tâm, cứ phải lo lắng làm sao để được ký tiếp hợp đồng, dẫn đến việc không gắn bó, say sưa để phấn đấu, cống hiến. Theo tôi, nếu thực hiện nên ký hợp đồng 5 năm, như một nhiệm kỳ bổ nhiệm cán bộ, để tạo khoảng thời gian ổn định cho các nhà giáo, y bác sĩ yên tâm công tác”, ĐBQH Bùi Ngọc Chương đề xuất.