Đuổi việc giáo viên đánh học sinh là quá nặng!

GD&TĐ - Liên quan đến việc Hội đồng kỷ luật trường Tiểu học Quán Toan đã thực hiện quy trình kỷ luật cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang với hình thức "Thôi việc", hiện đang có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Bên cạnh các ý kiến cho rằng hình thức kỷ luật này là xác đáng, hợp lý để răn đe... cũng có nhiều ý kiến cho rằng hình thức kỷ luật này quá nặng, chưa thể hiện tính nhân văn.

Đuổi việc giáo viên đánh học sinh là quá nặng!

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cô Trang là quá nặng. Theo Luật Viên chức thì viên chức không giữ chức vụ như cô Trang tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật 3 mức: khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc. Như vậy, trong trường hợp này cô Trang đã bị áp dụng hình thức nặng nhất là buộc thôi việc.

Hành động đánh học sinh của cô Trang là hành vi “không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp”. Tại Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức thì khi viên chức vi phạm hành vi này sẽ bị xử lý như sau: Nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị cảnh cáo, nếu hành vi vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị buộc thôi việc.

Có thể khẳng định rằng hành vi đánh học sinh của cô Trang là không thể chấp nhận, tuy nhiên thực tế chưa gây ra hậu quả gì đặc biệt nghiêm trọng như chưa có em học sinh nào bị thương tích, bị ảnh hưởng đến tâm lý, bỏ học hoặc các hậu quả khác. Nếu có thì chỉ là ảnh hưởng đến xã hội, môi trường giáo dục; về về khía cạnh này thì cô Trang đã bị dư luận xã hội phản ứng, lên án gay gắt và cô Trang cũng đã phải trả giá đắt cho hành vi của mình.

Từ những phân tích trên, căn cứ quy định pháp luật, tôi cho rằng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cô Trang là quá nặng. Theo tôi cơ quan có thẩm quyền chỉ cần áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo là phù hợp. Thay vì đuổi việc thì cảnh cáo, không cho đứng lớp và chuyển cô giáo này làm công việc khác như văn thư, trực trường, giám thị… Bởi vì, buộc thôi việc vĩnh viễn một người không những quá nặng mà còn thiếu tính nhân văn, giáo dục.

Đối với giáo viên thì việc đình chỉ giảng dạy, không cho đứng lớp cũng là hình phạt rất nặng nề rồi. Đây cũng là bài học vô cùng đau xót cho những người làm nghề dạy trẻ mà tâm tính nóng nảy, thiếu sự kiềm chế. Nhưng cũng không nên chỉ vì như thế mà... “bẻ cần câu cơm của người ta” như ý kiến của không ít người quan tâm vấn đề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.