Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc hằng năm thực hiện đánh giá giáo viên là cần thiết để nhận diện được thực trạng năng lực đội ngũ gắn với phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn, nghiệp vụ để từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Hiện nay, việc đánh giá giáo viên được thực hiện theo quy định tại Điều 40 (căn cứ đánh giá viên chức) và Điều 41 (nội dung đánh giá viên chức) Luật Viên chức, Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, Nghị dịnh số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là đánh giá giáo viên theo Luật viên chức) và theo chuẩn nghề nghiệp. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc quản lý viên chức theo yêu cầu đặc thù của ngành.
Việc đánh giá giáo viên theo Luật Viên chức chỉ áp dụng đối với giáo viên công lập nên chưa nhận diện được năng lực giáo viên của ngành Giáo dục.
Nhằm đảm bảo đánh giá thực chất năng lực đội ngũ giáo viên trong và ngoài công lập, Bộ GD&ĐT đã rà soát, xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, trong đó phương pháp đánh giá giáo viên theo hướng tiếp cận năng lực, toàn diện, không quá gắn với thành tích học tập của học sinh để hạn chế hiện tượng chạy theo thành tích trong dạy và học với mục đích chính nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo. Nội dung đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp về cơ bản đã thống nhất với đánh giá giáo viên theo Luật Viên chức.
Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị với Bộ Nội vụ về việc điều chỉnh các tiêu chí đánh giá, xếp loại viên chức cho phù hợp với thực tế và làm rõ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ quản lý chuyên môn, nhất là đối với ngành Giáo dục khi hoạt động giảng dạy và giáo dục của nhà giáo mang tính chất đặc thù.