Đây là một trong nhiều vấn đề về giáo dục đại học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021 diễn ra ngày 24/8.
Nhiều kết quả trong năm học đầy thử thách
Đánh giá ngắn gọn một số kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 với giáo dục đại học, Bộ trưởng nhận định: Trong năm học với rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có khó khăn, thử thách do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai và nhiều thách thức khác, toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực, cố gắng vượt qua, hoàn thành kế hoạch và nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của năm học.
Trong đó phải kể đến việc thực hiện các nghị quyết, các chỉ đạo trong triển khai tự chủ đại học đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Hoạt động tuyển sinh, đào tạo được tổ chức triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Trong điều kiện dịch bệnh, các cơ sở giáo dục đại học đã triển khai đào tạo trực tuyến với sự chủ động, sáng tạo, tạo chuyển biến tích cực; biến thách thức thành cơ hội, đẩy mạnh tiến độ chuyển đổi số của ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, trong năm học vừa qua, các hoạt động kiểm định chất lượng, bảo đảm chất lượng từng bước được cải thiện. Đặc biệt, khi cả nước ứng phó với dịch bệnh, khối giáo dục đại học đã có nhiều đóng góp trí tuệ, kết quả nghiên cứu; đồng thời đóng góp nhân lực, vật lực đáng kể cho công việc chống dịch. Trong đó, những nghiên cứu về vắc xin, thuốc, dụng cụ, phương tiện chống dịch của một số cơ sở giáo dục đại học được xã hội đánh giá cao.
Về phía Bộ GD&ĐT, năm qua cũng là một năm có những chỉ đạo quyết liệt, nhiều chính sách được ban hành kịp thời để vừa thực hiện nhiệm vụ năm học, vượt qua khó khăn thách thức và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới.
“Có thể nói, đây là những kết quả rất đáng mừng. Xin ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của các thầy cô, các nhà khoa học, nhà quản lý, học viên và sinh viên đã nỗ lực phấn đấu đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, tạo nên kết quả tốt; đánh dấu một năm tiếp tục ghi dấu ấn trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo” – Bộ trưởng chia sẻ.
Năm học mới 2021-2022: Khắc phục khó khăn, kiên trì mục tiêu chất lượng
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm; cũng là năm đầu toàn ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội 13 của Đảng; các kế hoạch, các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình hành động triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bày tỏ mong muốn lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học quan tâm đến Chương trình hành động của ngành, trong đó giáo dục đại học là một phần hết sức quan trọng, Bộ trưởng cho biết: Trong quý 4 năm nay sẽ ban hành Chiến lược giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong quá trao đổi, thảo luận xây dựng Chiến lược này, mong các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà quản lý tham gia, góp ý tích cực và cùng triển khai hiệu quả.
Về năm học mới 2021-2022, Bộ trưởng cho rằng đây là năm chúng ta xác định phải tiếp tục khắc phục khó khăn, kiên trì mục tiêu chất lượng, tiếp tục đổi mới thực hiện theo lộ trình và thực hiện các mục tiêu cơ bản đã được nêu ra trong kế hoạch.
Toàn ngành nói chung, giáo dục đại học nói riêng tăng cường các biện pháp để thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài; như vậy, cần có sự điều chỉnh, chuyển đổi, thích ứng. Giáo dục đại học cũng phải có những chuyển biến mạnh; trong đó có chuyển từ đào tạo trực tiếp sang kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến và trực tuyến cho từng môn, từng bộ phận. Phải kiên trì vấn đề bảo đảm chất lượng. Nhân chuyển đổi này, tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện.
Nhấn mạnh thêm đến việc cần tham gia chống dịch với tất cả những gì mình có thể, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh nghiên cứu và tham gia nghiên cứu thuốc chữa, các công cụ phòng chống dịch. Các trường đại học y dược vừa tích cực tham gia trực tiếp vào phòng chống dịch, nhưng cũng phải tính đến khi dịch tạm lắng xuống cần phải có những chuyển đổi trong định hướng đào tạo, định hướng nghề nghiệp, cơ cấu ngành nghề của khối ngành sức khỏe. Vì hiện nay, khối ngành sức khỏe trên toàn thế giới đang có những điều chỉnh, kể cả số lượng, định hướng, nội dung.
Trong tình hình một năm học ứng phó với dịch bệnh, Bộ trưởng cũng cho rằng, việc triển khai nghiên cứu khoa học cũng phải có điều chỉnh để tham gia cùng cả nước trong chống dịch, triển khai các đề tài nghiên cứu, tư vấn chính sách về vấn đề phát triển kinh tế xã hội, những vấn đề về việc làm và những vấn đề chính sách khác, để cùng cả nước ứng phó với dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, và giải quyết những tác động của dịch bệnh đến xã hội, con người.
Tăng cường tự chủ để giải phóng nguồn lực, sức sáng tạo
Trong rất nhiều nội dung được trao đổi tại Hội nghị, một số vấn đề được Bộ trưởng tập trung chia sẻ liên quan đến tự chủ đại học; công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng; thi và tuyển sinh… Trong đó tự chủ đại học là chủ đề được trao đổi nhiều, đồng thời cũng là vấn đề rất trọng tâm với giáo dục đại học.
Với nội dung này, Bộ trưởng lưu ý: Năm học tới cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện, đúng hướng, đầy đủ, có chiều sâu và hiệu quả. Triển khai tự chủ đại học là chủ trương lớn và đã làm được một số việc trong thời gian qua. Với những việc lớn và đổi mới, ban đầu không tránh khỏi vướng mắc; quan trọng là điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và căn cứ yêu cầu thực tiễn để điều chỉnh.
Về hội đồng trường, đây là vấn đề cần tập trung, nhưng Bộ trưởng cũng cho rằng, đó chỉ là một trong rất nhiều vấn đề; và cần phải tập trung nhiều vấn đề nữa để thực hiện tự chủ được đầy đủ, đúng hướng. Trong đó, phải thực hiện cho được định hướng lớn là: tự chủ để cho đại học được năng động hơn, giải phóng được các nguồn lực và sức sáng tạo; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tự chủ chỉ có giá trị khi nó đem lại sức mạnh để phát triển các trường đại học, đem lại sức sáng tạo lớn cho các trường đại học, đem lại chất lượng đào tạo.
Cần tiếp tục rà soát về phương diện thể chế, từng bước đồng bộ, tạo cơ chế chính sách đầy đủ để tạo điều kiện cho tự chủ. Hiện nay, một số các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực thuộc các bộ ngành khác nhau có liên quan, cũng như một số quy định của chính Bộ GD&ĐT còn cần phải hoàn thiện, rà soát để tự chủ được đầy đủ. Trong đó các vấn đề về bộ máy, tài chính, nhân sự còn cần được chú ý trong thời gian tới.
Bộ trưởng nhấn mạnh thêm: Muốn triển khai tự chủ đúng hướng, đầy đủ còn cần nâng cao nhận thức, thống nhất cách hiểu, để áp dụng các quy định pháp luật về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học được đầy đủ. Sự tìm hiểu thấu đáo các quy định cũng cần được tăng cường.
Một vấn đề cần lưu ý khác là tự chủ học thuật, trong đó có đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học. Nhấn mạnh vấn đề chất lượng, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh: thực thi quyền tự chủ đại học cần lan tỏa được tới chủ thể quan trọng là người thầy, là các nhà khoa học. Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, làm cho tiếng nói chuyên môn của các nhà khoa học, các chuyên gia trở thành sức mạnh quan trọng trong quản trị, trong vận hành của cơ sở giáo dục đại học. Có như vậy mới làm cho tự chủ đại học đầy đủ, có chiều sâu. Bộ GD&ĐT sẽ có thêm định hướng cho vấn đề này.
Cùng với đó, cần phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học; đặc biệt là quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Trong đó, cần phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các chủ thể: Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu; mối quan hệ giữa các thành viên của Hội đồng trường và các đơn vị thuộc, trực thuộc trường theo hướng đúng vai, không lấn sân, có sự phối hợp nhịp nhàng.
Đi cùng với việc tăng cường tự chủ, theo Bộ trưởng, các cơ sở giáo dục đương nhiên phải làm rõ hơn, mạnh hơn cơ chế về trách nhiệm giải trình: Giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước, trước người học, trước các bên liên quan và trước xã hội.
Đẩy mạnh bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng
Bên cạnh tiếp tục triển khai tự chủ đại học, một trong những mảng công tác Bộ trưởng cho rằng cần rất tăng cường trong thời gian tới là bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng. Công tác này trong thời gian qua đã làm được khá nhiều việc.
Theo Bộ trưởng, thực hiện đổi mới giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học đang gia tăng tự chủ, các quyền tự quyết tăng lên; công cụ để Bộ GD&ĐT thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học phải có điều chỉnh tương ứng và đổi mới để điều hành, quản lý. Một trong những công cụ quản lý rất quan trọng của thời đại tự chủ là công cụ kiểm định.
Bộ GD&ĐT sẽ triển khai rà soát các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, củng cố và phát triển các trung tâm kiểm định và đội ngũ kiểm định viên; hoàn thiện hệ thống chế tài xử phạt; làm sát thực tế hơn, nghiêm minh hơn chế tài xử phạt đi cùng với hoạt động kiểm định. “Đây là một hướng rất quan trọng trong đổi mới quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quan tâm nhiều hơn đến hậu kiểm và kiểm tra, giám sát các vấn đề về trách nhiệm giải trình, cũng như hậu kiểm định. Bộ trưởng mong các cơ sở giáo dục đại học đặc biệt lưu ý vấn đề này. Đây không chỉ là một trong những điều kiện để tiến hành các quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, mà còn là một “kênh” để thực hiện trách nhiệm giải trình.
Các lĩnh vực khác về đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp, hoạt động dạy học, thanh tra, kiểm tra, hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường nhân lực cho các cơ sở giáo dục… cũng đều hết sức quan trọng và được nêu chi tiết trong báo cáo của Vụ Giáo dục đại học.