Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc Tết ngành Giáo dục Thủ đô

GD&TĐ - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tới chúc Tết cán bộ, chuyên viên, nhân viên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong đến chúc Tết Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong đến chúc Tết Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Sáng 27/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đến chúc mừng, động viên ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023.

Bày tỏ niềm vui khi được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo thành phố Hà Nội đến thăm, động viên nhân ngày làm việc đầu tiên của năm 2023, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương điểm lại những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội hiện có hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh và 139.000 giáo viên. Chất lượng đội ngũ ngày càng tăng với 100% giáo viên các cấp học đều đạt chuẩn theo quy định. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022 bảo đảm chất lượng và an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội là 1 trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 tại thời điểm tháng 12-2022. Công tác đầu tư cơ sở vật chất được quan tâm, riêng năm học 2021-2022, khối các trường trực thuộc được thành phố xây mới, thành lập mới 6 trường học với kinh phí 920 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 45 trường với kinh phí 166 tỷ đồng.

Năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được cụm thi đua số 7 thành phố thống nhất đề xuất Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố trình Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Năm 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết tâm nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung nâng cao đời sống giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học...

Gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến với cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động ngành Giáo dục cùng phụ huynh, học sinh Thủ đô, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Năm 2023 là năm trọng tâm công tác của chặng đường đổi mới, trong đó có việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Toàn ngành cần tiếp tục có nhiều cố gắng để vượt qua những thách thức, khó khăn, nhất là với vị thế của Thủ đô. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mang trên vai những thách thức chung của ngành và cả những thách thức riêng của Thủ đô, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhà giáo Hà Nội cần mẫu mực hơn nữa. Thành phố cần tiếp tục tập trung đầu tư cho giáo dục, nhất là về cơ sở vật chất.

Tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhắc lại những yêu cầu của Bộ Chính trị đối với Giáo dục Hà Nội và đề nghị, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo cần đi tiên phong trong đổi mới, quản trị nhà trường, nhất là mô hình mới, thích ứng hội nhập quốc tế, thực sự tiên phong, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết đầu tư tập trung cho 3 lĩnh vực trụ cột phát triển bền vững Thủ đô là giáo dục, y tế và văn hóa. Tổng mức đầu tư giai đoạn trung hạn là 51.000 tỷ đồng, trong đó, riêng đầu tư cho giáo dục là gần 30.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp có quy mô, chất lượng ngang với các nước trong khu vực.

Khẳng định thành phố sẽ tiếp tục dành sự quan tâm tối đa cho giáo dục đào tạo, đáp ứng tốt hơn nữa kỳ vọng của toàn xã hội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong bày tỏ mong muốn ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống, có giải pháp phù hợp, tiếp tục đổi mới quản trị nhà trường, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tiên phong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ