Con càng lớn… càng khó nói chuyện?
Anh Lê Phong (ngụ tại Quận 9, TPHCM) là một kĩ sư làm việc tại khu công nghệ cao cho hay, hồi con trai anh còn nhỏ, ba con thường trò chuyện với nhau. Bây giờ con học cấp 3 nên... có nhiều chuyện của con khi mình tham gia con nói “ba không hiểu đâu”.
Theo anh Phong, hằng ngày chủ yếu chỉ hỏi các thông tin học hành ở trường ra sao, sắp tới tính thi vào đâu, hoặc cả nhà đi ăn, đi du lịch.
“Đa phần trò chuyện ở bữa cơm là chính. Rất khác với lúc còn nhỏ sẽ dễ dàng nói chuyện hơn. Có đôi câu chuyện nói ra, cháu kêu, bây giờ khác rồi ba ơi. Thỉnh thoảng bạn cháu đến nhà chơi hoặc cháu đi với bạn thì mình chỉ hỏi thăm đi chơi có vui không, hay là đi đâu để đưa cháu tới, còn chuyện bạn bè cháu cũng rất ít chia sẻ… ”.
Tương tự, anh Thái Hoà (ngụ tại quận Bình Thạnh) cho biết, khác với con gái, con trai khó hơn trong việc trò chuyện. Câu chuyện cũng ít hơn, đa phần hỏi han con về học tập.
“Giờ con vào cấp 2, những chuyện tuổi mới lớn mình cũng ngần ngại hơn, đa phần cho mẹ cháu trò chuyện. Mình chỉ quan tâm thôi, còn trò chuyện với con nhiều lúc cũng chưa nắm bắt được tâm lý lứa tuổi của con. Nhiều chuyện của con là do cô giáo, do tìm hiểu từ bạn bè mới biết được…”, anh Hoà cho hay.
Khác với anh Phong, anh Hoà, anh Đỗ Lợi (ngụ tại quận Thủ Đức) và cậu con trai 15 tuổi rất gắn kết, trò chuyện mỗi ngày. Anh chia sẻ, hai ba con cùng có sở thích là thể thao nên đó cũng là niềm vui chung và là chủ đề của nhiều câu chuyện.
“Mình cũng là người “tranh” phần mẹ của cháu đưa rước cháu đi học mỗi ngày nên hai ba con càng thêm gắn kết và nhiều câu chuyện để trao đổi. Ở tuổi mới lớn, để trò chuyện và hiểu đúng tâm lý của con nên mình cũng có đọc sách, báo để tham khảo”, anh Lợi nói.
Trường hợp như anh Phong, anh Hoà ngày nay không hiếm, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh (đang làm việc trong lĩnh vực tư vấn tâm lý tại TPHCM) cho rằng, trò chuyện với con cũng phải có kỹ năng, phải học cách trò chuyện.
Hiện, rất nhiều ông bố, bà mẹ chưa dành thời gian trò chuyện với con nhiều. Một phần vì cuộc sống ngày nay quá bận rộn với các mối quan hệ xã hội, công việc, áp lực… nên đa phần chủ yếu trao đổi thông tin cơ bản hằng ngày, nói chuyện chứ không phải là trò chuyện đúng nghĩa. Nhiều người bố, không có kỹ năng đối thoại với con nên mối quan hệ trở nên xa cách.
Hãy là người bạn đồng hành
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh đưa ra lời khuyên cho các ông bố: “Chúng ta phải hiểu được rằng, trò chuyện, nói chuyện với con chính là niềm vui của bố, thể hiện sự quan tâm, yêu thương khi đó mới bắt đầu cho những câu chuyện tiếp theo. Đó là tùy vào từng độ tuổi của con trai để tìm hiểu xem, ở tuổi này mối quan tâm của con trẻ là gì, nhu cầu là gì, tâm sinh lý lứa tuổi ra sao, bạn bè xung quanh con thế nào… để từ đó nói chuyện với con nhẹ nhàng, lắng nghe, thấu hiểu con trẻ. Tạo cho con một cảm giác tin tưởng, an toàn, cởi mở, sẵn sàng nói với bố bất cứ chuyện gì”.
Một yếu tố nữa chính là muốn đối thoại với con hiệu quả không được “dán nhãn”, không chỉ trích và phê phán con.
“Bạn A học giỏi, con cũng đi học như người ta sao kết quả tệ quá. Nhìn con nhà người ta kìa, nó học hành thế kia… Không học hành đàng hoàng liệu hồn đấy, cho đời mày khổ”…. Như vậy khiến cho con cảm thấy con rất tệ, bị tổn thương vì cảm giác giá trị của bản thân không có.
Vì vậy, hãy trò chuyện với con bằng trái tim của mình, bằng niềm vui, tình yêu thương và học cách lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông và có thể tư vấn cho con những lời khuyên nhưng không áp đặt.
Thạc sĩ Mỹ Linh lấy ví dụ: Một cậu học trò cấp 3 sẽ khác với cậu học trò cấp 2, cấp 1. Bên cạnh việc học hành, mối quan hệ bạn bè, con có thể đã có những cảm xúc về giới tính, những rung động đầu đời… ba mẹ không thể ngăn cấm con được. Bởi vì nếu ngăn cấm, đe nạt con, con sẽ cố gắng giấu hết mọi thứ về con ở trường, xung quanh, bạn bè không chia sẻ, như vậy con đã chọn bạn bè là nơi “trút bầu tâm sự” là nơi để tin tưởng.
Với những trường hợp này, ngăn cấm là sai lầm. Cần phải tìm hiểu và giáo dục con về tình yêu, giới tính, thậm chí cả về tình dục an toàn. Để con hiểu có kỹ năng để biết được điều gì con nên dừng lại đúng lúc, vượt quá giới hạn sẽ có hậu quả ra sao. Hãy dành thời gian mỗi ngày để trò chuyện, đối thoại với con và trở thành một người bạn đồng hành với con.
Thầy Lý Đức Thanh, giáo viên - chuyên viên tâm lý của Trường THPT Võ Văn Kiệt, Quận 8, TPHCM chia sẻ, trẻ có từng giai đoạn phát triển khác nhau từ 0 - 18 tuổi, vì vậy, nắm bắt từng giai đoạn phát triển của trẻ là điều rất quan trọng trong việc giúp các ông bố trò chuyện, đối thoại với con hằng ngày.
Ví dụ ở giai đoạn con vào cấp 2, trẻ bắt đầu có những thay đổi về hình thể, tâm sinh lý, lúc đó con rất cần bạn bè để chia sẻ, trao đổi, đồng cảm. Vì vậy, bố hãy là người bạn đồng hành của con. Hãy tạo sự tin tưởng cho con để sẵn sàng trò chuyện, tâm sự.
“Trước tiên hãy tôn trọng trẻ và yêu thương chúng, đồng thời dạy con con tính trung thực, luôn động viên con học cách vượt khó và bố hãy là người mẫu mực trước đã. Ở bất cứ một sự việc, một vấn đề nào đó như một sai phạm của con bị thầy cô khiển trách chẳng hạn, hãy đặt mình trong hoàn cảnh, trường hợp của con để tìm hiểu, lý giải hay giải quyết một vấn đề nào đó. Không vội quy chụp, áp đặt, lên án…”, thầy Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo thầy Thanh, trò chuyện với con cũng phải có kỹ năng. Nếu nói cho qua chuyện, chỉ để trao đổi thông tin sẽ khiến con cảm thấy… không được tôn trọng.
Thầy Thanh lấy ví dụ, một ông bố đang làm việc, người con trai thích vẽ tranh, vẽ xong lại chạy lại hỏi “Bố ơi, con vẽ có đẹp không?”. Ông bố trả lời ậm ừ, gật đầu cho qua chuyện hoặc có thể có người lớn tiếng “con ra ngoài, không thấy bố đang làm việc sao”… Như vậy đứa trẻ sẽ thấy mình không được tôn trọng và khoảng 1 - 2 lần, nó sẽ không hỏi nữa.
Những lúc vậy, người bố phải có cách xử lý khác, có thể dừng lại trò chuyện với con một chút về bức tranh. Hoặc nói rõ ràng cho con, một lát nữa bố làm xong, bố và con sẽ chơi sau và nói về bức tranh nhé.