Còn người cha là người chủ gia đình, người trụ cột về kinh tế. Thế nhưng trong cuộc sống, không chỉ người mẹ có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của trẻ mà người cha cũng là nhân vật trụ cột với vai trò không thể thay thế.
Coi thường việc nuôi dạy con
Thạc sĩ Trần Văn Hùng - chuyên gia giáo dục trẻ khó với mô hình lớp học đặc biệt Sơn Nam Xanh, cho biết: “Tôi làm về giáo dục trẻ khó, nhưng hầu như không có một ông bố nào đưa con đến gặp tôi để hỏi về những khúc mắc trong việc dạy dỗ con.
Tôi thường chờ đợi một gia đình nào đó mà cả vợ và chồng đều đưa con đến. Bởi một đứa trẻ tự tin tốt bụng, yêu thương thì công của bà mẹ, nhưng một đứa trẻ tự tin, bản lĩnh, dũng cảm là từ công dạy dỗ của người bố.
Song, các ông bố thường coi thường việc nuôi dạy con. Không tham gia vào “cuộc chiến” này, các ông bố có lỗi rất nhiều, bởi vai trò của người bố là vô cùng quan trọng trong việc rèn tính kỷ luật của con”.
Thạc sĩ Trần Văn Hùng cũng chia sẻ câu chuyện của gia đình mình: “Con gái tôi lúc 15 tuổi, là cô bé ngoan ngoãn. Nhưng một hôm, con tôi xin bố mẹ đi chơi đến 9 giờ tối sẽ về. Nhưng hôm đó hai vợ chồng tôi cứ chờ con về, 10 giờ rồi 12 giờ vẫn không thấy, rồi mãi đến 2 giờ đêm mới có tiếng gõ cửa.
Đưa con gái tôi về là hai cậu bạn trai. Con gái tôi bước vào cửa sặc sụa mùi rượu, nôn thốc nôn tháo và gục ngay ở cửa. Vợ tôi lúc ấy rất bực, tôi chỉ bảo hai cậu bạn về và đưa con lên phòng. Cả đêm hôm đó, hai vợ chồng tôi không ngủ được vì tâm trạng đầy lo âu. Sáng hôm sau, con gái tôi dậy xuống ăn sáng như bình thường, nhưng ánh mắt đầy sợ sệt.
Vợ tôi bắt đầu nổi cơn tức giận, định mắng con, nhưng tôi giơ tay ra hiệu cho vợ. Tôi ngồi cùng con, nói chuyện với con rằng: “Bố thấy việc hôm qua là do tại bố, vì bố dạy con không đầy đủ”, và một bài giáo huấn về tác hại của rượu bia đến sức khỏe được tôi đưa ra. Thế rồi con tôi cũng hiểu được điều tôi muốn nói và không bao giờ sai phạm nữa”.
Thông thường trong một gia đình, ảnh hưởng của người mẹ đến với đứa con từ tình cảm dịu hiền, còn người cha ảnh hưởng đến con cái thông qua uy quyền. Và chính dựa vào uy quyền của người cha mà người mẹ đưa được những nguyên tắc, những luật lệ vào đời sống của đứa trẻ tạo nên sự cân bằng trong sự phát triển của chúng.
Người cha không thể ngoài cuộc
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, giảng viên bộ môn Tâm lý – Giáo dục Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, “người cha như linh hồn trong gia đình, trong gia đình có những người cha tốt, không thể có những đứa con hư”.
Với con ở tuổi dậy thì, cha mẹ là những người đồng hành cùng con cái trong quá trình phát triển tâm sinh lý, có lúc dữ dội, nhưng có những lúc rất âm thầm, cha mẹ cần phải làm gương cho con, tôn trọng sự tự do của con, cho con được thể hiện tình cảm với cha mẹ... và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi của con thay vì phản ứng gay gắt, cực đoan.
PGS.TS Phương Hoa kể câu chuyện từ chính khu phố nhà mình: “Ở cạnh nhà tôi, có gia đình ông bố là một Tổng biên tập một tờ báo, lúc nào cũng bận rộn đi suốt cả tuần từ thứ 2 đến thứ 6. Không bao giờ hàng xóm thấy ông bố ở nhà.
Ông có một thằng con trai đang tuổi dậy thì. Hàng ngày, cậu chơi với những đứa bạn tóc nhuộm xanh, đỏ và cậu cũng vắng nhà suốt ngày vì chạy theo lũ bạn. Cuối cùng, khi phát hiện con trai bỏ bê học hành, chạy theo những đứa trẻ hư, ông phải dành thời gian ở nhà để quản đứa con. Sự cứng rắn của ông bố chi phối con từng ngày từng giờ, khiến đứa trẻ thay đổi”.
Những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, khi người cha hiện diện trong gia đình, sống gần với con cái qua những sinh hoạt chung thì con trai bớt thái độ hỗn láo, xấc xược, và con trai lẫn con gái đều học hành tiến triển khả quan ở trường học. Chính người cha đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra một lăng kính mà qua đó đứa con gái sẽ nhìn người đàn ông trong suốt cuộc đời của mình.
Việc nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ là sự cộng hưởng các yếu tố trách nhiệm, nghĩa vụ, yêu thương của tất cả mọi người trong gia đình. Hãy cho trẻ cảm nhận gia đình là điều quan trọng nhất - là nơi mà sợi dây vô hình đã, đang và sẽ kết nối những yêu thương.