Tại sao lại có hiện tượng như vậy trong gia đình?
Giao tiếp với con thế nào cho hiệu quả?
Ngôn ngữ là vũ khí cực kỳ sắc bén. Một câu nói vô tình có thể để lại sẹo hằn khó phai. Làm sao để chúng ta thể hiện tình yêu thương với con cái một cách đúng đắn? Bố mẹ nên phê phán, chê bôi hay động viên con?
Cuối tháng Chín năm 2018, cuốn sách về chủ đề nuôi dạy con của tác giả Trung Quốc Hà Hạo mang tên “72 điều chớ nói với con” đã được Nhà sách Nhã Nam giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Cuốn sách là tổng hợp những câu nói thường ngày bố mẹ hay nói với con cái, tuy nhiên lại không có tác dụng tốt đối với con cái như bố mẹ lầm tưởng, mà trái lại rất dễ gây tổn thương trong lòng con trẻ.
Ngôn ngữ là lời yêu từ trái tim, nhưng cũng có thể là lưỡi dao sắc nhọn. Nhiều bố mẹ biết tận dụng cơ hội dạy bảo con từ những việc nhỏ nhặt thường ngày, nhưng cũng có nhiều bố mẹ biến sự dìu dắt ấy thành trách mắng phũ phàng. Liệu bố mẹ có nhận ra rằng, những lời nói nặng nề sẽ gây tổn thương cho con trẻ và vết sẹo hằn trong tâm hồn non nớt của trẻ sẽ cực kỳ khó phai nhòa?
“Tôi ép con học cũng chỉ là vì nó, sao nó nỡ bỏ đi?”
“Tôi hy sinh cả đời cho con, mà mắng nó vài câu nó đã nổi khùng!”
“Tôi toàn động viên con mà nó chẳng khá lên được!”
Giao tiếp là nền tảng căn bản để thấu hiểu và cảm thông. Tránh được những câu nói quá tiêu cực, bố mẹ và con sẽ gần gũi và yêu thương nhau hơn, hai bên cùng trưởng thành tích cực. Nhưng làm sao để những lần đối thoại với con sẽ là chuyện trò trong hạnh phúc, làm sao để tránh hiểu lầm khi biểu đạt tình yêu với con? Cuốn sách này không chỉ đơn giản nêu ra 72 câu nói bố mẹ nên tránh mà còn là những đoạn tâm tình. Mỗi câu nói được đặt trong một câu chuyện và ngữ cảnh rất gần gũi để bố mẹ dễ hình dung. Sau mỗi phần đều có phân tích tâm lý thật thấu đáo. Khi hiểu ra bản chất của từng “mũi tên” vô hình nhằm vào con ấy, bố mẹ sẽ ghi nhớ và ít lặp lại sai lầm.
Hãy bồi dưỡng ý chí khắc phục khó khăn cho con
Hà Hạo là một thạc sĩ văn học. Hiện ông đang là giáo viên trung học phổ thông và là một tác giả nghiệp dư. Với nhiều năm làm công tác giáo dục và sáng tác, Hà Hạo có kinh nghiệm và hiểu biết phong phú trong giáo dục trẻ em và định hướng tâm lý thanh thiếu niên.
Tác giả viết: “Tâm hồn trẻ nhỏ rất ngây thơ, chúng dễ tiếp nhận những lời bố mẹ nói; đồng thời, tâm hồn còn non nớt ấy dễ bị ám ảnh lâu dài chỉ vì một lời đe dọa (kể cả khi lời đó không bao giờ trở thành hiện thực). Chúng ta thường vô tình ‘lợi dụng’ sự phụ thuộc của trẻ để ép trẻ phải làm theo yêu cầu của mình. Khi trẻ không được như kỳ vọng của bố mẹ, bố mẹ rất dễ ‘tiện mồm’ đe rằng: ‘Con mà không nghe lời thì bố mẹ không cần/không yêu con nữa!’. Khi nói vậy, ta hy vọng con sẽ ngoan ngoãn và biết điều vì sợ không được bố mẹ bảo vệ. Nhưng thật ra, kết quả sẽ trái ngược đấy! Sự đe dọa khiến bố mẹ mất dần uy tín và còn làm méo mó tâm hồn của trẻ.”
“Bố mẹ thường hay sốt ruột với con cái, muốn chúng thông minh hơn, dũng cảm hơn những đứa trẻ khác. Khi thấy ‘con nhà người ta’ xuất sắc hơn, bố mẹ rất dễ buột miệng so sánh và vô tình làm tổn thương tâm lý của trẻ. Tâm hồn của trẻ thường mong manh, những so sánh không đúng lúc không giúp chúng mạnh mẽ và giỏi giang hơn, mà sẽ ‘hạ gục’ chúng hoàn toàn, khiến chúng thấy mình bất tài vô tích sự. Vì vậy, bố mẹ nên tập trung bồi dưỡng ý chí khắc phục khó khăn ở trẻ, không nên biến trẻ thành vật hy sinh cho tâm lý ganh đua của bố mẹ.”