Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự và chỉ đạo hội nghị.
Bài thi tổ hợp Khoa học xã hội chiếm ưu thế
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 cho thấy số lượng học sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội chiếm ưu thế khi tăng dần qua các năm.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, một điểm dễ nhận thấy là điểm trung bình các môn thành phần thuộc bài thi Khoa học xã hội luôn cao hơn điểm các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Đây cũng là lý do khiến học sinh các địa phương lựa chọn tổ hợp này nhiều hơn. Tuy nhiên, tại TPHCM, học sinh lại có xu hướng ngược lại khi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên tăng dần qua các năm.
Nhìn nhận tồn tại trong thời gian qua, ông Chương cho biết, từ năm 2020 Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng được cải tiến kỹ thuật để công tác tổ chức thi được tốt hơn. Tuy nhiên, việc ra đề giữa các năm và giữa các môn học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) không được đồng đều nhau đã có tình trạng “lạm phát điểm cao”.
Việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp. Nhiều thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích tạo tâm lý xã hội không tốt cho hàng ngàn thí sinh và phụ huynh.
“Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi trong năm học 2020-2021 còn gặp khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa có đội ngũ chuyên gia chuyên trách nên phải huy động giáo viên, giảng viên từ các cơ sở giáo dục vừa dạy học, ôn luyện vừa tham gia công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi dẫn đến khó khăn trong bảo đảm tính độc lập giữa các hoạt động này. Điều này làm nảy sinh băn khoăn trong dư luận về sự khách quan của công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để xây dựng đề thi cho các kỳ thi. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thí sinh vi phạm quy chế thi và đã được kịp thời phát hiện xử lý”, ông Chương nhìn nhận.
Theo kết quả công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, Bộ GD&ĐT, tỉ lệ tốt nghiệp liên tục tăng trong nhiều năm. Cụ thể, năm 2020 tỉ lệ tốt nghiệp đạt 98.34%, năm 2021là 98.60%, năm 2022 là 98.57%, năm 2023 là 98,88% và 99. 40% năm 2024.
Thực hiện tốt yêu cầu “4 đúng, 3 không”
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 dù gặp phải những khó khăn nhất định, tuy nhiên ngành giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực. “Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với công tác tham mưu, chủ động của ngành GD&ĐT chúng ta hoàn toàn tự tin và làm tốt công tác chuyên môn của mình”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, cơ bản đáp ứng mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và yêu cầu của tuyển sinh đại học.
Đặc biệt, toàn ngành giáo dục cùng các lực lượng (Y tế, Công an, Giao thông…) đã làm tốt công tác phối hợp thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả; công tác chuẩn bị cho kỳ thi được triển khai chu đáo và kỹ lưỡng từ văn bản chuyên môn, dạy học, cơ sở vật chất, nhân lực; quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy chế; công tác truyền thông chủ động, kịp thời. Tạo mọi điều kiện cho thí sinh tham gia kỳ thi thuận lợi, không để thí sinh vì điều kiện khó khăn, giao thông cách trở không đến được Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Trong những năm gần đây chúng ta đã thực hiện tốt yêu cầu 4 đúng: Đúng quy chế, đúng đủ quy trình, đúng chức trách được giao, đúng thời điểm xử lý tình huống bất ngờ và 3 không: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng và áp lực quá mức trong việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều thay đổi
Về định hướng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng dự kiến tất cả thí sinh (gồm thí sinh tự do) đều có thể đăng ký trực tuyến. Hiện nay, các phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 đã được ban hành. Trong đó có 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn, như vậy sẽ có 36 tổ hợp xét tuyển, thêm thuận lợi cho thí sinh.
Đề thi có cấu trúc định dạng mới, tăng cường độ phân hoá. Việc xét công nhận tốt nghiệp sẽ sử dụng kết quả điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học theo tỉ lệ 50-50.
“Dự kiến Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi nhưng không quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp. Đối với điểm khuyến khích, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về không cộng điểm chứng chỉ nghề do chương trình giáo dục phổ thông mới không còn quy định về hoạt động giáo dục dạy nghề như chương trình cũ”, ông Chương cho biết.
Cũng theo ông Chương, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp đối với thí sinh giáo dục thường xuyên do chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mới tương đương với chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hiện hành. Học viên sau khi học xong chương trình sẽ tham dự chung kỳ thi tốt nghiệp THPT với học sinh THPT, có cùng chuẩn đầu ra và yêu cầu cần đạt của chương trình.
Ngoài ra, ngân hàng đề thi sẽ theo hướng mở, vận chuyển đề thi dự kiến có thêm phương án qua Ban cơ yếu Chính phủ. Việc thanh tra, kiểm tra cũng sẽ được thực hiện theo phương án mới.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được cả xã hội quan tâm vì là kỳ thi đầu tiên theo chương trình GDPT 2018. Do đó, Sở GD&ĐT các địa phương cần quán triệt tổ chức triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc về tăng cường công tác phối hợp tổ chức kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, tốn kém cho thí sinh và xã hội, đảm bảo độ tin cậy. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức từ công tác chuẩn bị trước, trong và sau kỳ thi, đúng quy chế, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của thí sinh, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, đánh giá tác động của từng phương án khi có vấn đề phát sinh xảy ra”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.