Phát huy hiệu quả đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

GD&TĐ - Đề tham khảo là tài liệu quan trọng trong dạy học, ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Cô và trò Trường THPT Bình Liêu (Quảng Ninh). Ảnh: ITN
Cô và trò Trường THPT Bình Liêu (Quảng Ninh). Ảnh: ITN

Sử dụng đề tham khảo như thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất là vấn đề các nhà trường quan tâm triển khai.

Triển khai ngay trong dạy học, ôn tập

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) đã chỉ đạo các tổ chuyên môn họp bàn để nghiên cứu, thảo luận những điểm mới, cũng như nội dung học sinh có thể gặp khó khăn. Dựa trên đó, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy - học, phương thức kiểm tra đánh giá phù hợp, nhằm hỗ trợ học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.

Chia sẻ điều này, thầy Nguyễn Văn Quyết - Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngoại ngữ, Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu cho biết, các tổ chuyên môn đã tổ chức họp, tiến hành phân tích kỹ cấu trúc, nội dung của đề tham khảo, từ đó lập ma trận đề thi và đặc tả chi tiết.

Việc này giúp cả thầy và trò nhận diện những kiến thức quan trọng cần tập trung trong quá trình giảng dạy, ôn tập. Ngoài ra, để học sinh quen thuộc với dạng đề thi mới, từng bước tiếp cận và tự tin hơn với bài thi, các tổ chuyên môn đã lồng ghép những dạng bài tập tương tự vào bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ.

Với Phú Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập thông tin, sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy định về cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT các môn học từ năm 2025 (ngày 8/3/2024), sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn dạy học nghiêm túc nội dung chương trình chính khóa; bám sát yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của chương trình các môn học; chú trọng phát triển cho học sinh năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn. Nhà trường đưa dạng thức câu hỏi mới (trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn) vào kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ để học sinh làm quen, rèn luyện kỹ năng làm bài.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Sở GD&ĐT Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tổ chức nghiên cứu, phân tích đề tham khảo từng môn, làm rõ nội dung, cấu trúc, ma trận đề thi; từ đó điều chỉnh kế hoạch dạy ôn tập đã xây dựng từ đầu năm cho phù hợp.

Đồng thời, sở GD&ĐT sử dụng đội ngũ giáo viên cốt cán của tỉnh để biên soạn tài liệu; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 100% giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thầy cô tự tin, khai thác hiệu quả đề tham khảo trong quá trình dạy học, tổ chức ôn tập cho học sinh.

Tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường THPT, trường THPT nhiều cấp học, trung tâm GDTX, GDNN-GDTX triển khai xây dựng đề tham khảo; các chuyên đề ôn tập Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, các trường cần chỉ đạo tổ chuyên môn tổ chức cho đội ngũ giáo viên phân tích cấu trúc, ma trận đề tham khảo.

Đồng thời, triển khai xây dựng đề tham khảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (mỗi môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ xây dựng 1 đề). Triển khai xây dựng chuyên đề ôn tập; mỗi môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tiếng Anh xây dựng 1 chuyên đề. Sở GD&ĐT đã hướng dẫn cụ thể về cấu trúc đề, chuyên đề và phân công cụ thể việc tham gia xây dụng đề tham khảo, chuyên đề ôn tập để các nhà trường thực hiện.

Đơn vị được phân công biên soạn đề, chuyên đề, hoàn thành trước 30/10/2024, gửi đơn vị được phân công thẩm định. Sản phẩm gồm đề và đáp án đối với các môn trắc nghiệm, kèm hướng dẫn trả lời, lời giải; đề và hướng dẫn chấm đối với môn Ngữ văn; các chuyên đề ôn tập.

Đơn vị được phân công thẩm định đề, chuyên đề, hoàn thành trước 7/11/2024; tổng hợp nội dung thẩm định bằng văn bản và sản phẩm góp ý, thẩm định gửi đơn vị biên soạn. Sau khi tiếp thu các ý kiến thẩm định, đơn vị được phân công biên soạn đề, chuyên đề tập hợp sản phẩm hoàn thiện, kèm văn bản thẩm định, báo cáo về sở GD&ĐT trước ngày 12/11/2024.

phat-huy-hieu-qua-de-tham-khao-1.jpg
Giờ học tại Trường THPT Lam Kinh, Thanh Hóa. Ảnh: NTCC

Làm sao để sử dụng tốt nhất đề tham khảo?

Để tận dụng hiệu quả đề tham khảo, thầy Vũ Ngọc Hòa - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng, nhà trường nên tổ chức các buổi tư vấn, giải đáp thắc mắc, giúp học sinh nắm rõ phương thức thi, tránh bỡ ngỡ khi làm bài. Lộ trình và tổ chức các đợt ôn tập cần được xây dựng phù hợp dựa trên cấu trúc đề tham khảo và cung cấp đầy đủ tài liệu, các bộ đề tham khảo, cùng nguồn tài liệu bổ trợ giúp người học nắm chắc kiến thức trọng tâm.

Đối với giáo viên, cần nghiên cứu kỹ cấu trúc, mức độ khó và cách ra đề để điều chỉnh nội dung giảng dạy, ôn tập phù hợp. Thầy cô hướng dẫn học sinh cách phân tích đề, nhận diện dạng bài và áp dụng phương pháp làm bài nhanh chóng, hiệu quả; tập trung vào các dạng bài thường xuất hiện trong đề tham khảo. Không chỉ dạy kiến thức, giáo viên cần hướng dẫn thêm cho học sinh kỹ năng quản lý thời gian, chọn lọc ý để tối ưu điểm số; tổ chức các buổi giải đề định kỳ và chữa bài chi tiết để học sinh tự đánh giá năng lực, rút kinh nghiệm.

Với học sinh, thầy Vũ Ngọc Hòa lưu ý cần dành thời gian phân tích đề tham khảo, xác định cấu trúc, trọng tâm kiến thức và dạng bài để có kế hoạch ôn tập phù hợp. Chủ động luyện tập với các đề tham khảo hoặc đề tương tự để quen dần với cấu trúc đề thi, đồng thời nâng cao kỹ năng làm bài. Các em nên tự mình tổng hợp, ghi nhớ kiến thức trọng tâm, luyện giải các dạng bài tập trọng yếu; từ đó, nắm vững kiến thức, tránh học tủ, học lệch. Khi làm đề, tự bấm thời gian để rèn khả năng hoàn thành bài trong khoảng thời gian quy định.

Cũng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Quyết cho rằng, giáo viên và học sinh cần phân tích kỹ cấu trúc của đề tham khảo để hiểu rõ các dạng câu hỏi, mức độ khó dễ và yêu cầu kiến thức. Điều này giúp xác định rõ nội dung cần tập trung ôn luyện. Riêng với giáo viên, có thể xây dựng ma trận và đặc tả chi tiết kiến thức, kỹ năng dựa trên đề tham khảo; từ đó giúp học sinh nắm bắt phần kiến thức trọng tâm, kỹ năng cần thiết cho từng dạng bài tập.

Đề tham khảo chỉ là một mẫu. Do đó, giáo viên cần tích cực đưa ra các bài tập và đề kiểm tra định kỳ có cấu trúc tương tự để học sinh làm quen với cách thức ra đề, hình thành phản xạ, kỹ năng làm bài thi tốt hơn. Sau mỗi bài tập hoặc đề kiểm tra thử, giáo viên cần đưa ra nhận xét cụ thể và phản hồi chi tiết cho từng học sinh, giúp các em nhận ra điểm mạnh và những chỗ cần cải thiện.

“Đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh giới hạn thời gian chỉ 50 phút và có phần khó hơn các năm trước. Vì vậy, giáo viên nên hướng dẫn học sinh cách phân bổ thời gian hợp lý cho từng phần, tránh làm quá lâu ở một câu hỏi và không kịp thời gian cho câu khác. Bên cạnh đó, đề thi chú trọng khả năng tư duy phản biện và áp dụng kiến thức vào thực tế. Giáo viên cần giúp học sinh rèn luyện kỹ năng phân tích, suy luận và giải quyết vấn đề để đạt hiệu quả cao nhất”, thầy Nguyễn Văn Quyết lưu ý thêm.

Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã giao các tổ nghiên cứu đề tham khảo để có kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 12 từ học kỳ II. Lâu nay, nhà trường vẫn chủ trương dạy căn bản lý thuyết vững, kiểm tra luôn kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận nên sẽ không phải điều chỉnh nhiều.

Thông qua đề tham khảo, thầy cô đều thống nhất, để đạt điểm cao, học sinh cần nắm vững kiến thức thuộc về bản chất các môn học. Các kỹ năng đọc hiểu, năng lực phân tích, mô hình hóa, giải quyết vấn đề sẽ trở nên quan trọng. Các mẹo mực, kỹ năng bấm máy… vốn được quan tâm và đề cao trong giai đoạn trước sẽ bớt ảnh hưởng. - Thầy Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.