Giúp Kỳ thi an toàn, nghiêm túc
- Từ năm 2020, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thay cho Kỳ thi THPT quốc gia. Trong 5 năm tổ chức, công tác thanh tra, kiểm tra có những điểm gì đáng chú ý?
- Giai đoạn 2020 - 2024, công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong toàn hệ thống từ Trung ương đến cơ sở có sự thay đổi căn bản; mô hình công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn này được điều chỉnh tổ chức thực hiện sau mỗi năm một cách phù hợp, hiệu quả góp phần giúp kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, được xã hội nghi nhận.
Bộ GD&ĐT đã chủ động trong công tác ban hành văn bản, chuẩn bị các nguồn lực đầy đủ và kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT. Rút kinh nghiệm từ các kỳ thi, kịp thời chỉ ra thiếu sót, vi phạm, kiến nghị giúp Hội đồng thi, Điểm thi thực hiện nghiêm túc, đúng Quy chế thi.
Công tác chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn, tổ chức tập huấn đầy đủ, kịp thời, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thanh tra, kiểm tra, địa phương. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra được tập huấn nghiệp vụ, lựa chọn, kiểm tra, đánh giá đảm bảo điều kiện theo quy định trước khi bố trí tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có sự điều chỉnh hợp lý giữa các khâu, đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT và địa phương, bảo đảm phối hợp nhịp nhàng trong công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở chủ động chuẩn bị nhân lực, các điều kiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu bảo đảm thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện đúng kế hoạch ở các khâu của kỳ thi
Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT có những giải pháp điều chỉnh, tăng cường chỉ đạo góp phần bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tổng hợp, báo cáo, kiến nghị xử lý, khắc phục, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, hướng dẫn tổ chức kỳ thi theo quy định của pháp luật.
Còn hạn chế, khó khăn
- Diễn ra trên quy mô lớn, nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, từ thực tế 5 năm qua, việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT có gặp khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?
- Về hạn chế, tồn tại, ở một số địa phương, có thời điểm vẫn xảy ra chồng chéo trong phối hợp giữa các đoàn, nội dung thanh tra, kiểm tra tổ chức công tác coi thi hoặc chấm thi (đoàn kiểm tra của Bộ, đoàn thanh tra của sở, đoàn của ban chỉ đạo các cấp, đoàn tỉnh ủy, UBND...).
Việc trưng tập cán bộ, viên chức, cộng tác viên thanh tra giáo dục tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra có khó khăn. Số lượng cộng tác viên thanh tra giáo dục thường thiếu hoặc đã tham gia vào hoạt động của hội đồng thi. Vì vậy, nhiều sở GD&ĐT gặp khó trong lựa chọn cộng tác viên thanh tra giáo dục cấp THPT bảo đảm theo quy định tại hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi của Bộ GD&ĐT.
Kỳ thi diễn ra vào thời điểm cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị tuyển sinh riêng nên việc lựa chọn huy động số lượng cán bộ, viên chức bảo đảm đủ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT còn nhiều rào cản.
Bên cạnh đó, thanh tra các tỉnh với số lượng biên chế không nhiều, không có nghiệp vụ chuyên sâu về giáo dục nên khi tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nhiều địa phương còn lúng túng; hầu hết chỉ bố trí một số cán bộ tham gia giám sát kỳ thi, có khâu không tham gia được với sở GD&ĐT. Trong khi các quy định pháp luật về công tác phối hợp này chưa cụ thể.
Giai đoạn 2020 - 2023, việc Bộ GD&ĐT phê duyệt kế hoạch tiến hành kiểm tra chưa phù hợp với thực tế mô hình tổ chức đoàn kiểm tra thi. Cụ thể, khi có quyết định kiểm tra, trưởng đoàn phải xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra, gửi về Bộ GD&ĐT ký phê duyệt. Điều này phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ của các đoàn kiểm tra khi thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học là đơn vị thanh quyết toán kinh phí theo quy định tại Thông tư 69/2021/TT-BTC sẽ khó kiểm soát thời gian, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ để chi trả.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT giao cho các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có cán bộ, viên chức làm trưởng đoàn phê duyệt kế hoạch tiến hành kiểm tra coi thi, chấm thi để chủ động trong thực hiện kế hoạch, linh hoạt, phù hợp với đặc thù kỳ thi và theo dõi việc chi trả kinh phí, giám sát được thời gian thực hiện của cán bộ, viên chức do mình quản lý thông qua việc duyệt kế hoạch tiến hành kiểm tra.
Ngoài ra còn khó khăn về thực hiện trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP (có hoạt động giám sát đoàn thanh tra và thẩm định dự thảo kết luận thanh tra); trong khi thời gian thanh tra kỳ thi diễn ra nhanh, đòi hỏi phải có những kiến nghị kịp thời.
Có một số sở GD&ĐT không có lãnh đạo sở tham dự Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi của Bộ GD&ĐT. Một số sở GD&ĐT không cử lãnh đạo thanh tra sở hoặc lãnh đạo phòng thuộc sở tham gia đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ theo hướng dẫn. Giai đoạn từ năm 2020 - 2024, còn 3 sở GD&ĐT thành lập đoàn kiểm tra chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thông tư số 69/2021/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông không quy định rõ mức chi tiền công cho người tham gia tổ chức, thanh tra, kiểm tra. Điều này dẫn đến nhiều sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học không có cơ sở thanh toán chế độ cho cán bộ, viên chức đi làm nhiệm vụ.
Đề xuất 4 phương án thanh tra, kiểm tra
- Năm 2025 diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018. Thanh tra Bộ GD&ĐT dự kiến đề xuất phương án thanh tra, kiểm tra Kỳ thi này thế nào?
- Để công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, được xã hội ghi nhận, đòi hỏi công tác thanh tra, kiểm tra phải bám sát những thay đổi của Kỳ thi, thực hiện đúng quy định pháp luật, phân cấp trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về giáo dục, giảm áp lực, căng thẳng và đặc biệt phải đảm bảo kỷ cương, trật tự, không làm cản trở hoạt động bình thường của kỳ thi. Trên tinh thần này, Thanh tra đề xuất 4 phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT từ kỳ thi năm 2025.
Phương án 1, giữ nguyên mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Phương án 2, giữ nguyên mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ, điều chỉnh hình thức thanh tra, kiểm tra của địa phương.
Phương án 3, điều chỉnh mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ theo hướng Bộ thành lập 1 đoàn kiểm tra công tác coi thi tại 1 địa phương với số lượng từ 10 đến 20 người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra xác suất tại các điểm thi; điều chỉnh hình thức thanh tra, kiểm tra của địa phương.
Phương án 4, điều chỉnh mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương.
Mỗi phương án đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Những ưu điểm, hạn chế của từng phương án đã được Thanh tra Bộ GD&ĐT phân tích cụ thể để báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.
- Ông có kiến nghị, đề xuất gì để giúp tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?
- Trước hết, Bộ Tài chính cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 69/2021/TT-BTC bổ sung mức chi tiền công cụ thể cho các chức danh còn thiếu đối với những người tham gia tổ chức, thanh tra, kiểm tra các kỳ thi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, cơ sở giáo dục. Có chế độ phụ cấp làm việc trong môi trường độc hại cho cán bộ chấm thi của các kỳ thi.
Thanh tra Chính phủ sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra bảo đảm theo quy định của Luật Thanh tra 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP và các quy định của pháp luật hiện hành. Có quy định, hướng dẫn chi tiết về tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong đơn vị sự nghiệp công lập.
UBND cấp tỉnh cần bố trí đủ số lượng biên chế cho Thanh tra sở GD&ĐT theo quy định tại Nghị định số 03/2024/NĐ-CP, Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Tiếp tục trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết trong đó có khoản chi và nội dung chi cho cán bộ, công chức, viên chức điều động tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra thi theo Thông tư số 69/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông.
- Xin cảm ơn ông!
Trong 5 năm, Bộ GD&ĐT huy động số lượng lớn công chức của Bộ, cán bộ, viên chức cơ sở giáo dục đại học; sở GD&ĐT huy động số lượng lớn công chức, viên chức tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra các công đoạn của kỳ thi. Riêng với thanh tra, kiểm tra một khâu của kỳ thi: Công tác coi thi, Bộ GD&ĐT huy động 37.274 lượt cán bộ, viên chức cơ sở giáo dục đại học; các sở huy động 32.559 lượt công chức, viên chức địa phương.