Bộ GD&ĐT lên tiếng về công nghệ giáo dục, ĐBQH góp ý Luật Giáo dục ĐH

GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về công trình tâm huyết" Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về công trình tâm huyết" Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục

Không mở rộng để giữ ổn định đến khi thực hiện Chương trình mới

Ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết quan điểm của Bộ GD&ĐT về tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) xuất hiện trên các báo trung ương và địa phương.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, tài liệu TV1- CNGD là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS, TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và bảo đảm các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.

Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều SGK”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là SGK đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục SGK được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn SGK phù hợp. 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của Đại biểu quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đánh giá việc triển khai tài liệu TV1- CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả TV1- CNGD.

Trong năm 2017 và 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu TV1- CNGD. Sau hai vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: tài liệu TV1- CNGD về cơ bản bảo đảm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Tài liệu TV1- CNGD đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo Kết luận của Hội đồng thẩm định.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định TV1-CNGD, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các sở GD&ĐT triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng ngày, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số đã tổ chức sự kiện Café số có chủ đề về giáo dục mà GS Hồ Ngọc Đại là khách mời và nội dung xoay quanh công nghệ giáo dục. Báo Thanh niên ghi lại, trong cuộc tọa đàm, GS Hồ Ngọc Đại cho biết ông không để ý tới “cơn bão mạng” xung quanh cuốn Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục.

Theo GS Hồ Ngọc Đại, cuốn Tiếng Việt 1 thì ông là người viết lại bản thảo cuối cùng, ký tên ông. Nhưng nó là sản phẩm có sự đóng góp của hàng chục, hàng trăm và thậm chí hàng ngàn người. Ông ký tên mình là để tự chịu trách nhiệm về nó. GS chia sẻ, mình dùng những gì nhân loại đã có, ví dụ tiếng Việt lớp 1 là thành tựu 300 năm nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt…

GS khẳng định: Dù học sinh đó được sinh ra ở đâu, gia đình nào, dân tộc nào, 6 tuổi lần đầu tiên đến trường, học Tiếng Việt theo sách giáo khoa của tôi, thì cuối năm em sẽ đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không thể tái mù. Theo mạch đó, học tiếp lớp 2, em viết thành câu; học tiếp lớp 3, em không bao giờ viết sai câu tiếng Việt”.

Liên quan đến dư luận nói cách dạy chữ lạ bằng hình vuông, tròn, tam giác, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, ngay từ lớp 1 của Ngô Bảo Châu hồi đó học kỳ 1 các học sinh không học chữ, học toàn hình vuông, hình tròn, hình tam giác. “Bởi học sinh phải nắm được tiếng, mà tiếng thì biểu thị gì chẳng được. Cho nên học sinh của tôi biết 2 cái quan trọng nhất : vật thật và vật thay thế. Vật thật là cái gì, và cái gì là vật thay thế". Chữ là một trong những vật thay thế chứ không phải vật thay thế duy nhất, vì có nhiều vật thay thế. Vật thay thế là trò chơi, là quy ước, mà quy ước thì có luật lệ của quy ước. Học tiếng Việt của công nghệ giáo dục, trẻ con ngay từ lớp 1 phải biết được những điều đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH 

Đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện sửa Luật Giáo dục ĐH

Ngày 7/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận 2 dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Đại diện Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đại diện lãnh đạo các vụ cục thuộc Bộ có liên quan.

Trong 1 ngày, các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; phát triển hệ thống giáo dục đại học tư thục; đầu tư của nhà nước và tài chính đại học…

Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất liên quan đến mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH do ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – trình bày cho biết:

Về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục ĐH và khái niệm Đại học, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất (của cơ quan thẩm tra) đề nghị quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở giáo dục ĐH gồm có Trường đại học và Đại học (hệ thống các trường đại học). Loại ý kiến thứ hai (của cơ quan soạn thảo) đề nghị quy định hệ thống cơ sở GDĐH gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là đại học.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện tại có nhiều ý kiến băn khoăn: Tại sao chỉ các ĐH Quốc gia, ĐH vùng được gọi là “đại học”; trong khi có rất nhiều các trường uy tín, quy mô lớn khác như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân… lại không được gọi là đại học. Bên cạnh đó, khi dịch ra tiếng Anh, chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường đại học là University; việc phân mô hình tổ chức như vậy gây khó khăn cho việc hội nhập; khi hội nhập sẽ rất khó giải thích. 

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đổi mới nhưng tránh làm rối hệ thống, đổi mới để tạo điều kiện cho các trường phát triển. Đề nghị Ban soạn thảo và Ban thẩm tra cần nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, xác đáng của các đại biểu để nâng cao một bước chất lượng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH để trình Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đón đoàn thí sinh tham dự kỳ thi Olympic Tin học quốc tế trở về từ Nhật Bản
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đón đoàn thí sinh tham dự kỳ thi Olympic Tin học quốc tế trở về từ Nhật Bản 

Những điểm sáng giáo dục

Chiều 8/9, Bộ GD&ĐT đón đoàn thí sinh tham dự kỳ thi Olympic Tin học quốc tế trở về từ Nhật Bản. Báo cáo thành tích của đoàn, thầy trưởng đoàn Phạm Bảo Sơn cho biết trên Giáo dục và Thời đại: Đoàn Việt Nam dự thi gồm 4 học sinh, các em đã hoàn thành tốt các bài thi và tất cả đều có huy chương, gồm 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Trong đó em Phạm Đức Thắng đạt huy chương vàng, nằm trong top 10 thí sinh cao điểm nhất cuộc thi.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chúc mừng thành tích toàn đoàn, cảm ơn các em học sinh đã mang vinh quang về cho đất nước, cảm ơn các thầy cô trong đội tuyển đã sát cánh cùng các em học sinh, cảm ơn các gia đình và nhà trường. Thứ trưởng ghi nhận những đóng góp quan trọng của các em học sinh đã mang vinh quang về cho đất nước. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức lễ tuyên dương chúc mừng thành tích của các em học sinh và các thầy cô giáo vào tháng 10 tới đây.

Trong năm 2018, học sinh Việt Nam đã đạt được tổng cộng 38 huy chương Olympic Quốc tế (13 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 11 huy chương đồng). Đây là năm các học sinh Việt Nam đạt nhiều huy chương nhất trong lịch sử tham dự các kì thi Olympic quốc tế và khu vực.

Bên cạnh thành tích đội tuyển Việt Nam trong Olympic Tin học, tuần qua cũng có nhiều bài viết về tấm gương thầy cô giáo trên mọi miền đất nước.

Cô Vân xem việc hiến máu tình nguyện là cơ hội cho mình giúp đỡ người khác. Ảnh: Báo Thanh niên

Cô Vân xem việc hiến máu tình nguyện là cơ hội cho mình giúp đỡ người khác. Ảnh: Báo Thanh niên

Báo Thanh niên có bài viết về cô Trương Thị Thu Vân, giáo viên Trường mẫu giáo 8-3 (P.1, TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng). Hơn 10 năm nay, cô đã tham gia 28 lần hiến máu. Theo cô Vân, hiến máu tình nguyện là một việc làm mang tính nhân văn cao đẹp nên cô tham gia thường xuyên và đều đặn.

Là giáo viên giỏi cấp thành phố, cô Vân cũng được nhận bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và nhiều giấy khen khác. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, cô Vân còn tích cực tham gia các phong trào do nhà trường, ngành giáo dục và địa phương phát động, như làm đồ dùng dạy học, thi giáo viên giỏi, tham gia các hoạt động đoàn thể, phong trào văn nghệ của trường...

Cô Nguyễn Thị Kim Hương và học sinh Trường Tiểu học Lạc Long Quân. Ảnh: SGGP

Cô Nguyễn Thị Kim Hương và học sinh Trường Tiểu học Lạc Long Quân. Ảnh: SGGP

Báo Sài gòn giải phóng chia sẻ tấm gương cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11, TPHCM) – một người năng động, sáng tạo, có tầm nhìn để góp phần đổi mới giáo dục.

Để học sinh “nhí” thích đi học và coi ngôi trường như nhà mình, cô hiệu trưởng luôn trăn trở, tìm tòi ý tưởng mới nhằm tạo ra sự khác lạ từ góc sân, lớp học đến thư viện, để học sinh thỏa thích niềm vui chơi rèn luyện, trải nghiệm bổ ích từ các sân chơi sáng tạo, nhất là Câu lạc bộ Robotics (khoa học robot).

Chính nhờ mô hình Câu lạc bộ Robotics mà Trường Tiểu học Lạc Long Quân đã kích thích học sinh của mình thêm năng động, sáng tạo trong học tập. “Quả ngọt” gặt hái được là học sinh của trường đoạt 3/5 giải Robotics bậc tiểu học toàn thành phố năm 2015. Đặc biệt, tại cuộc thi Khoa học Ứng dụng quốc tế First Lego League (FLL) năm 2018 tổ chức tại Houston (Mỹ), đội tuyển liên quân 2 trường tiểu học Lê Ngọc Hân và Lạc Long Quân (TPHCM) đoạt được giải Model Design Award. Đây là cuộc thi lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông và cũng là năm đầu tiên, học sinh Việt Nam có mặt tại cuộc thi FLL Houston.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.