Bộ trưởng ban hành Chỉ thị năm học, nỗ lực để không thiếu SGK

Bộ trưởng ban hành Chỉ thị năm học, nỗ lực để không thiếu SGK

Tiếp tục 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp

Ngày 10/8/2018, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Chỉ thị số 2919 /CT-BGDDT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 - 2019 của ngành Giáo dục.

Theo đó, ngành Giáo dục tiếp tục ưu tiên tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, 5 giải pháp chủ yếu. Các nhóm nhiệm vụ gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục các cấp; Đổi mới giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông;

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở GD&ĐT; Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các giải pháp cơ bản gồm: Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về GD&ĐT; Nâng cao năng lực lãnh đạo của CBQL giáo dục các cấp; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; Tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT.

Những nhiệm vụ, giải pháp trên hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và thực hiện tốt vệ sinh trường học; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Nỗ lực để không thiếu SGK trước năm học mới

Thông tin về SGK trước năm học mới là một trong những nội dung được báo chí khai thác nhiều nhất trong tuần qua.

Phản ánh của Tiền phong, đầu năm học mới, NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) công bố đã in đã phát hành trên 100 triệu bản SGK, đạt 102% kế hoạch. Thế nhưng trước khi năm học mới bắt đầu cả tháng, SGK vẫn thiếu, nhất là các lớp đầu cấp gồm lớp 1, lớp 6, lớp 10. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà cả ở tỉnh lẻ.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXBGDVN lý giải do có sự đột biến về số lượng học sinh ở một vài địa phương; cùng với đó, trước thông tin sắp thay SGK mới, một vài công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành của NXBGDVN.

Là địa phương có nhiều thông tin phản ánh về khan hiếm sách, ông Đỗ Thành Lâm - Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục tại TPHCM trả lời trên báo Giáo dục và Thời đại:

Để khắc phục hiện tượng thiếu hoặc “sốt” một vài tên sách cục bộ tại một vài địa phương, NXB đã chỉ đạo các cửa hàng sách giáo dục thuộc các đơn vị thành viên NXB GDVN tổ chức bán lẻ đảm bảo đầy đủ về số lượng, chủng loại sách và các sản phẩm giáo dục đáp ứng nhu cầu khách hàng, tăng khung giờ phục vụ, tổ chức bán tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ; tổ chức các đoàn kiểm tra về tình hình phục vụ bán lẻ tại các cửa hàng hằng tuần từ nay đến hết ngày 5/9/2018 nhằm đảm bảo cung ứng tốt nhất các sản phẩm giáo dục theo yêu cầu của các em HS và phụ huynh.

Nếu có xảy ra thiếu sách cục bộ NXB GD sẽ thực hiện các biện pháp: In gấp – nhập nhanh những tên sách còn thiếu; điều chuyển sách giữa nơi thừa và nơi thiếu để phục vụ kịp thời.

Ngày19/8, lượng sách bổ sung đã được chuyển đến các địa phương để kịp thời phục vụ năm học mới.

Phụ huynh mua sách giáo khoa tại một nhà sách ở TP HCM Ảnh: HUY LÂN - báo Người lao động
Phụ huynh mua sách giáo khoa tại một nhà sách ở TP HCM Ảnh: HUY LÂN - báo Người lao động

Quyết liệt chống lạm thu

Lạm thu luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm mỗi đầu năm học mới. Dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng lạm thu vẫn diễn ra đâu đó tại địa phương. Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương, tiếp tục yêu cầu chấn chỉnh, thanh kiểm tra công tác thu chi trường học, đặc biệt thời điểm đầu năm học.

Ngay từ tháng 3/2018, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương, trong đó có nội dung yêu cầu công khai minh bạch các khoản thu chi tài chính theo đúng quy định; tuyệt đối cấm lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu...

Việc kiên quyết chống lạm thu cũng được thực hiện quyết liệt tại các địa phương. Thông tin trên Vietnamnet ngày 20/8, Thanh tra huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) yêu cầu thu hồi hơn 1.1 tỷ đồng tiền dạy thêm sai quy định từ một lá đơn tố cáo của giáo viên trong Trường THCS Phan Bội Châu. Đây là là trường trọng điểm chất lượng cao duy nhất của huyện Tứ Kỳ, do UBND huyện quản lý trực tiếp.

Giaoduc.net cũng đưa tin về việc Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Thành A (xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) bị xử lý vi phạm do để xảy ra tình trạng lạm thu.

UBND huyện Bù Đốp đã yêu cầu trường này ngưng tất cả các khoản vận động thu đầu năm học 2018 – 2019 (trừ bảo hiểm y tế theo diện bắt buộc). Những khoản đã thu rồi đề nghị trường thông báo trả lại cho phụ huynh học sinh. UBND huyện giao Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu UBND huyện kiểm điểm xử lý người đứng đầu và các cá nhân có liên quan Trường Tiểu học Tân Thành A.

Thầy giáo tại điểm trường Nà Ui của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Nậm Sỏ cõng bàn qua suối. ảnh cắt t clip
Thầy giáo tại điểm trường Nà Ui của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Nậm Sỏ cõng bàn qua suối. ảnh cắt t clip

Thầy giáo cõng bàn qua suối chuẩn bị năm học mới

Giáo viên tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Nậm Sỏ, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cõng bàn qua suối chuẩn bị cho năm học mới. Clip những người thầy tại điểm trường Nà Ui của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Nậm Sỏ cõng bàn qua suối do một số báo đăng tải lại thể hiện sự hy sinh, vất vả của những người thầy vùng cao nhằm giúp học sinh của mình có đủ điều kiện học tập trước khi năm học mới bắt đầu

Bà Trần Thị Thoan - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ với Zing.vn: Năm học mới, các học sinh lớp 3 sẽ di chuyển về học tại điểm chính cho cơ sở vật chất được xây dựng thêm. Vì vậy các thầy giáo đã chuyển bàn ghế từ điểm lẻ sang điểm chính, quãng đường cách nhau 7 km. Các thầy chở bàn ghế bằng xe máy rất vất vả, trong đó có một quãng phải cõng bàn qua suối. Không chỉ thầy cô phải cõng bàn qua suối, khi các con đi học cũng phải đi qua con suối này dưới sự giúp đỡ của thầy cô.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao học bổng Vallet cho các em học sinh xuất sắc
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao học bổng Vallet cho các em học sinh xuất sắc 

Cũng hướng về học sinh trong năm học mới, ngày 23/8, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Vallet cho gần 500 học sinh ưu tú khu vực miền Bắc. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, GS Odon Vallet, GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc trực tiếp trao học bổng cho các em học sinh. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đây là món quà có ý nghĩa lớn lao và sẽ là động lực giúp các em thực hiện được những hoài bão trong cuộc đời của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ