Trái với tên gọi nghe có phần u ám, không may mắn “ngày thứ sáu đen tối” lại chính là cơ hội mua sắm vàng đối với người dân trên khắp thế giới. Đồng thời cũng là dịp các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp thu được một món lợi nhuận lớn.
Năm nay, ngày “Black Friday” rơi vào thứ 6 ngày 24 tháng 11. Trước đấy vài ngày, có rất nhiều các chương trình giảm giá được các hãng tung ra với mức hấp dẫn từ 30% – 70%. Mọi người có thể mua sắm thỏa thích tại cửa hàng, hay đơn giản chỉ cần ngồi nhà mua trực tuyến trên các trang mua bán lớn như Amazon, Ebay, shopee, Lazada, Sendo, …
Ngày Black Friday ra đời như thế nào?
Ngày này có nguồn gốc từ Mỹ, dịp này mỗi năm là "ngày vàng mua sắm" của người dân Mỹ với hàng chục ngàn mặt hàng giảm giá cực lớn.
“Black Friday” hay còn gọi là “ngày thứ sáu đen tối” là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (ngày Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày Thứ Năm lần thứ 4 trong tháng 11 ở Hoa Kỳ, cho nên Thứ Sáu đen rơi vào khoảng ngày 23-29 tháng 11) và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Hoa Kỳ.
Có rất nhiều cách lí giải cho nguồn gốc của ngày hội mua sắm này, một số cho rằng ngày đặc biệt này có xuất xứ từ Philadelphia từ ngày thứ sáu sau Lễ Tạ Ơn năm 1965. Hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau ở các con phố, vỉa hè dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông để “điên cuồng” mua sắm chuẩn bị cho ngày lễ lớn Noel. Từ đó theo truyền thống ngày này được xem là ngày khởi đầu cho mùa mua sắm Giáng sinh.
Ngoài ra, trong ngành kinh doanh tại Mỹ, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi số tiền lãi bằng mực đen, số tiền lỗ bằng mực đỏ. Bởi vậy trong tiếng Anh có thuật ngữ "in the black" chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận, trái ngược có "in the red" để chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday.
Màu đen ở đây không hề mang ý xui xẻo hay chết chóc mà ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp. Mỗi năm đến ngày này, các cửa hàng, trung tâm thương mại không khó để thấy được người dân Mỹ “điên cuồng” tranh nhau các sản phẩm có giá “rẻ như cho”, thậm chí họ phải xếp hàng từ sáng sớm để có thể chen trước.
Giới trẻ hưởng ứng ngày hội mua sắm!
Những năm gần đây, khi việc kinh doanh trực tuyến ngày càng phát triển, ngày hội mua sắm “Black Friday” cũng theo đó du nhập vào Việt Nam. Đây cũng là hình thức mua sắm tiện lợi được đa phần các bạn trẻ lựa chọn. Trước đây nhiều ngày, các nhãn hàng rục rịch đưa ra các ưu đãi, giảm giá cho hàng loạt các mặt hàng như: quần áo, phụ kiện, đồ gia dụng, các mặt hàng trẻ em, …Cơ hội để rinh những món đồ xa xỉ với mức giá “trên trời” nay được giảm giá lên đến 70% khiến không khí trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Trong các loại mặt hàng, giới trẻ săn đón nhất chương trình giảm giá của các thương hiệu thời trang nước ngoài như: Zara, H&M, Adidas, …Phần lớn việc mua bán được thông qua việc mua bán trực tuyến trên các trang Website của các hãng bên nước ngoài. Những tài khoản Facebook kinh doanh chuyên nhận “order” từ nước ngoài luôn bận tối mắt trong đợt khuyến mại này. Do chênh lệch múi giờ, việc phải ôm điện thoại thức thông đêm là lẽ bình thường, theo đó nguồn lợi thu được trong ngày này cũng rất tương xứng.
Chị Huyền Anh với kinh nghiệm bán hàng online nhiều năm trên Facebook chia sẻ: “Có những hãng hưởng ứng mở sale sớm trước cả tuần, nhưng phần lớn được mở sale vào ngày Black Friday.Phần lớn các mặt hàng được giảm giá từ 30% đến 70%. Trước đấy nhiều ngày tôi phải đưa lên sẵn các món đồ để khách chọn sau đó giữ link, đến lúc sale chỉ việc ấn link thì mới tranh thủ lấy được hàng. Hàng sale nên việc bay size hay hủy đơn hàng là rất nhanh, dịp này có khi tôi bận túi bụi không kịp ăn cơm”.
“Black Friday” đã trở thành ngày hội mua sắm lớn, cũng như tâm điểm được giới trẻ hưởng ứng hàng năm. Còn gì yêu thích hơn khi được thỏa thích mua sắm rinh về những món đồ giá trị lớn nay trở thành “vừa túi tiền”.