Bình Dương triển khai thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi với niềm tin lớn

GD&TĐ - Các tiêu chuẩn của “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” giúp hiểu hơn về những năng lực và giá trị, sự sẵn sàng của trẻ đến học tập phát triển.

Bình Dương triển khai thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi với niềm tin lớn .
Bình Dương triển khai thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi với niềm tin lớn .

Thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi nhằm ghi nhận những chỉ số phản ánh tính ổn định của năng lực hoặc cần có tình huống cụ thể trong sinh hoạt mới bộc lộ chính xác. Kết quả thử nghiệm cung cấp những thông tin, số liệu thực tiễn có độ tin cậy cao về tính xác thực của các chuẩn, chỉ số trong Dự thảo chuẩn PTTE 5 tuổi.

Yêu cầu đặt ra

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non (GDMN), trưởng nhóm thử nghiệm: Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được ban hành từ năm 2010 theo Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, bối cảnh thực tiễn với nhiều thay đổi đòi hỏi cần có Bộ chuẩn mới để phù hợp hơn với sự phát triển tâm - sinh lý của trẻ em Việt Nam hiện nay và những chỉ đạo của cấp học.

Theo Kế hoạch số 229/ KH-BGDĐT ngày 08/3/2022 của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức thử nghiệm nhằm đánh giá sự phù hợp và tính xác thực của các chỉ số trong Dự thảo chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, làm cơ sở xây dựng và ban hành Thông tư về chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong thời gian tới. Tổ chức Save the Children Việt Nam đồng hành hỗ trợ hoạt động thử nghiệm này.

Soạn thảo “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc – giáo dục trẻ mầm non.

Soạn thảo “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc – giáo dục trẻ mầm non.

Thực tế cho thấy, việc soạn thảo “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” là một sự nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng chăm sóc – giáo dục trẻ mầm non. Các tiêu chuẩn trong “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đã được thiết kế cho tất cả trẻ em Việt Nam, bất kể giới tính, dân tộc, tình trạng kinh tế xã hội, sự đa dạng văn hóa, và nhu cầu đặc biệt của cá nhân.

Các tiêu chuẩn này nhằm tạo cơ hội khuyến khích sự phát triển tối ưu thông qua môi trường giáo dục và cơ hội học tập của trẻ. Với đặc tính toàn diện của “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” giúp mọi người có thể hiểu hơn về những năng lực và giá trị, sự sẵn sàng của trẻ đến học tập phát triển. - Bà Huyền nhấn mạnh.

Dự thảo chuẩn PTTE 5 tuổi mới gồm 6 lĩnh vực (Thể chất, Tình cảm-Quan hệ xã hội, Ngôn ngữ và Giao tiếp, Nhận thức, Thẩm mỹ, Tiếp cận với việc học) với 22 chuẩn và 68 chỉ số. Các chuẩn trong “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đã được thiết kế nhằm tạo cơ hội khuyến khích sự phát triển tối ưu thông qua môi trường giáo dục và cơ hội học tập của trẻ.

Việc triển khai sẽ có tác động trực tiếp trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, trách nhiệm của cha mẹ trẻ.

Việc triển khai sẽ có tác động trực tiếp trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, trách nhiệm của cha mẹ trẻ.

Việc triển khai sẽ có tác động trực tiếp trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, trách nhiệm của cha mẹ trẻ và cộng đồng tại địa phương trong những chương trình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em 5 tuổi, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em và hướng đến chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng học tập chính thức ở trường tiểu học và cuộc sống trong tương lai.

Triển khai thực tế

Tại Bình Dương, các chuyên gia trong đoàn thử nghiệm của Bộ GD&ĐT đã đến các trường để triển khai các kĩ thuật cơ bản để triển khai thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp và tính xác thực của các chỉ số trong Dự thảo chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, bao gồm: Đánh giá trẻ trực tiếp ở các lĩnh vực phát triển Thể chất, Nhận thức, Ngôn ngữ, Tình cảm – quan hệ xã hội, Thẩm mỹ, Tiếp cận với việc học; Quan sát trẻ trực tiếp qua hoạt động tạo hình và nghiên cứu sản phẩm của trẻ.

Nhóm mẫu tham gia thử nghiệm gồm 120 trẻ 5 tuổi, 120 giáo viên, 120 phụ huynh được lựa chọn ngẫu nhiên, đến từ các trường đại diện cho vùng thuận lợi và vùng khó khăn, trường công lập và ngoài công lập. Trẻ tham gia thử nghiệm được đoàn thử nghiệm lựa chọn ngẫu nhiên dựa trên danh sách hiện có của trẻ 5 tuổi đang học ở các trường, đảm bảo nguyên tắc về giới tính (nam-nữ), vùng miền (thuận lợi-khó khăn), loại hình trường học (công lập-tư thục).

Xây dựng Bộ chuẩn mới và thử nghiệm tại địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số là điều cần thiết.

Xây dựng Bộ chuẩn mới và thử nghiệm tại địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số là điều cần thiết.

Bà Huỳnh Thị Thủy Trinh, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Ngọc, Tp Thủ Dầu Một, cho biết: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước thì sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng có những thay đổi đáng kể, vì vậy xây dựng Bộ chuẩn mới và thử nghiệm tại địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số là điều cần thiết. Chúng tôi mong chờ sớm có một bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi để các trường dựa vào đó thực hiện.

Tại buổi tập huấn trực tiếp, các chuyên gia Trung ương bao gồm cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chuyên viên Vụ GDMN đã hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật về quy trình tiến hành và cách sử dụng công cụ đánh giá các chỉ số trong Dự thảo Bộ chuẩn. Các bé 5 tuổi tại các trường mầm non tham gia thử nghiệm đã phối hợp tốt, thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của người đánh giá với tâm thế thoải mái, tự nhiên.

Hoạt động thử nghiệm Bộ chuẩn mới tại các địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số phù hợp với trẻ em 5 tuổi.

Hoạt động thử nghiệm Bộ chuẩn mới tại các địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số phù hợp với trẻ em 5 tuổi.

Theo ghi nhận từ các chuyên gia của đoàn, giáo viên và cha mẹ của trẻ tại các trường thử nghiệm đều nhận thấy ý nghĩa của bộ chuẩn, cũng như vai trò phối hợp giữa nhà trường, gia đình trong việc đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em 5 tuổi vào lớp một. Nhìn chung ý kiến đều cho rằng cần sớm hoàn thiện chuẩn để ban hành, điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: "Chúng tôi, các chuyên gia GDMN đều hiểu sự cần thiết của việc ban hành chuẩn. Thực hiện Luật Giáo dục, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát các địa phương, đánh giá, nghiên cứu xây dựng Dự thảo và tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm về xây dựng “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi”. Hoạt động thử nghiệm Bộ chuẩn mới tại các địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số phù hợp với trẻ em 5 tuổi là một công việc cần thiết và quan trọng, để chuẩn được sớm chính thức ban hành".

Với đa dạng mục tiêu sử dụng, “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” không chỉ hướng dẫn về sự phát triển tối ưu của trẻ 5 tuổi, mà còn làm căn cứ xây dựng và phát triển chương trình giáo dục mầm non quốc gia, địa phương, nhà trường; Đánh giá chất lượng và điều chỉnh chương trình giáo dục trẻ; Cải thiện và nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo; Phát triển các nguồn tài liệu nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ và cộng đồng cùng tham gia chăm sóc - giáo dục trẻ; Giám sát quốc gia về giáo dục và đề xuất chính sách phát triển GDMN Việt Nam, khu vực và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ