Nhiều kết quả quan trọng thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục

GD&TĐ - Sáng nay 31/3, Bộ GD&ĐT, Đài Tiếng nói Việt Nam, UNESCO tổ chức họp báo trình bày những kết quả quan trọng đã đạt được cùng những hoạt động tiếp theo của Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái tại Việt Nam.

Họp báo trình bày những kết quả của Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái tại Việt Nam
Họp báo trình bày những kết quả của Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái tại Việt Nam

Trong buổi họp báo, các đại biểu đều cho rằng: Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2012 - 2015 do Bộ GD&ĐT triển khai là một đóng góp đáng kể cho Chiến lược quốc gia Việt Nam về bình đẳng giới, lập ra các mục tiêu cụ thể cho tất cả các khu vực và cấp học từ chính sách đến thực tiễn.

Kế hoạch hành động cũng quy định việc thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành Giáo dục. Đây là đầu mối chịu trách nhiệm trực tiếp xây dựng các kế hoạch công tác hàng năm và theo dõi tiến độ thực hiện, kết quả đạt được của các mục tiêu đề ra.

Ông Trần Kim Tự - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Kế hoạch hành động 2016 - 2020 về bình đẳng giới ngành Giáo dục đang trong giai đoạn dự thảo lần thứ 2.

Dự thảo gồm 7 chỉ tiêu, 36 mục tiêu và giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề đang là ưu tiên trong lĩnh vực Giáo dục, như tỷ lệ nữ trong cấp quản lý, chênh lệch nam nữ trong các bậc học, định kiến giới trong chương trình - SGK, bạo lực học đường trên cơ sở giới và trong cộng đồng...

Liên quan đến việc lồng ghép giới vào xây dựng chương trình - SGK và trong hoạt động dạy học, bà Trần Phương Nhung - Giám đốc Chương trình về giới của UNESCO - cho biết:

Đến nay, 100 nhà biên soạn và xây dựng chương trình - SGK đã được nâng cao năng lực về lồng ghép giới và xóa bỏ định kiến giới trong chương trình - SGK giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, một tài liệu hướng dẫn kèm 3 mẫu chỉnh sửa về lồng ghép giới và xóa bỏ định kiến giới trong chương trình - SGK; một tài liệu khuyến nghị dành cho giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng về quản lý bạo lực học đường trên cơ sở giới đã được xây dựng.

"Trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến giới, chúng tôi cũng đã thực hiện khảo sát nhu cầu đào tạo cho 190 giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường THCS ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh nhằm xác định cơ hội tăng cường năng lực lồng ghép giới thông qua một khóa học tập qua mạng tương tác.

Một khóa học sẽ được thực hiện thí điểm cho 30 giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trước khi triển khai cho trên 387 nghìn giáo viên mầm non, trên 468 nghìn giáo viên trung học và 200 nghìn giáo sinh" - Bà Trần Phương Nhung cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.