Sinh hoạt lớp vẫn còn khô cứng
Theo cô Phan Hồng Anh, hiện nay, các lớp cấp THPT có một tiết sinh hoạt lớp mỗi tuần dưới sự điều hành của giáo viên chủ nhiệm (GVCN), tiết học này đóng vai trò quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục đó.
Tùy thuộc vào địa điểm của nhà trường, thời gian tiết sinh hoạt diễn ra, đặc điểm, tình hình học tập, kỉ luật, thi đua của lớp, mỗi thầy, cô giáo sẽ tổ chức tiết sinh hoạt lớp dưới các hình thức khác nhau.
Đa phần tiết sinh hoạt lớp gồm 3 hoạt động: Sơ kết, đánh giá thi đua học tập, kỉ luật, hoạt động ngoại khóa theo tuần/tháng; Xây dựng, triển khai mục tiêu, kế hoạch hoạt động của tuần/tháng kế tiếp; GVCN hướng dẫn học sinh sinh hoạt theo chủ đề, qua đó giáo dục đạo đức và rèn luyện kĩ năng sống cho các em.
Thực tế cho thấy, các tiết sinh hoạt lớp thường chưa đạt được hiệu quả và mục tiêu như đã đề ra. Đa số học sinh không thích giờ sinh hoạt chủ nhiệm vì nhiều giáo viên chủ nhiệm chỉ tập trung vào hai hoạt động đầu tiên, nội dung phê bình khiển trách có phần nặng nề, biến tiết sinh hoạt lớp thành giờ phổ biến các văn bản theo lối cứng nhắc, không tạo hứng thú, học sinh không được tham gia vào các hoạt động, chủ yếu phải lắng nghe một chiều…
Cô Phan Hồng Anh nêu vấn đề: Làm cách nào để cải thiện tiết sinh hoạt lớp, để gây hứng thú, lôi cuốn các em học sinh vào các hoạt động tích cực, qua đó thực hiện mục tiêu giáo dục lý tưởng, đạo đức và kỹ năng sống?
Cô giáo Phan Hồng Anh |
Thầy - trò cùng sáng tạo
Theo kinh nghiệm của cô Phan Hồng Anh, để nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt lớp thì cả GVCN và học sinh đều phải tìm tòi, suy nghĩ, hoạt động nhiều hơn. Chủ đề của tiết sinh hoạt cần gần gũi với học sinh, nội dung dễ hiểu, hình thức tổ chức phong phú, khiến cho học sinh cảm thấy hứng thú và tự giác tham gia vào giờ sinh hoạt.
"Ví dụ như: Với chủ đề “Tình yêu, tình bạn khác giới”, các nhóm học sinh có thể tham gia hoạt động đóng vai: xử lý các tình huống cụ thể liên quan tới tình bạn, tình yêu; các học sinh còn lại nhận xét, bổ sung ý kiến, GVCN hoặc cán bộ lớp tổng kết…. " - cô Phan Hồng Anh dẫn giải và cho biết:
Sau những tiết sinh hoạt với các giải pháp tổ chức các hoạt động tích cực, tôi nhận thấy học sinh thêm yêu thích giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Các em mong chờ và dự đoán tháng tới sẽ được tham gia chủ đề gì, những hoạt động nào.
Qua đó, học sinh có thể tiếp nhận các tri thức, những suy nghĩ, giá trị quan đúng đắn một cách tự nhiên, không áp đặt, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức và lối sống cho các em.
Với các học sinh cá biệt, trước đây chỉ trông chờ sao cho hết giờ sinh hoạt thì giờ đây các em cũng tham gia rất tích cực vào các hoạt động cùng các bạn, tập thể lớp trở nên đoàn kết hơn.
Nhờ các hoạt động tích cực, học sinh có cơ hội được thể hiện năng lực cá nhân của mình trong nhiều vai trò khác nhau như diễn giả, nhà thiết kế, họa sĩ, diễn viên …, các em thêm tự tin, trang bị cho mình những kỹ năng tốt, giúp ích cho cuộc sống.
Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận của cô Phan Hồng Anh tại Hội thảo Hội thảo “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức.