6 nguyên tắc đổi mới sinh hoạt lớp
Với các học sinh cá biệt, trước đây chỉ trông chờ sao cho hết giờ sinh hoạt thì giờ đây các em cũng tham gia rất tích cực vào các hoạt động cùng các bạn, tập thể lớp trở nên đoàn kết hơn. Nhờ các hoạt động tích cực, học sinh có cơ hội được thể hiện năng lực cá nhân của mình trong nhiều vai trò khác nhau như diễn giả, nhà thiết kế, họa sĩ, diễn viên …, các em thêm tự tin, trang bị cho mình những kỹ năng tốt, giúp ích cho cuộc sống.
Theo cô Hồng Anh, trước hết, mỗi giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cần xác định rõ các yêu cầu, nguyên tắc đổi mới tiết sinh hoạt lớp, bao gồm:
Thứ nhất, nội dung tiết sinh hoạt phải bổ ích, gắn với nhu cầu xã hội, phù hợp với nhu cầu, hứng thú, kinh nghiệm, trình độ của học sinh khối THPT.
Thứ hai, đa dạng hóa hình thức tổ chức sinh hoạt lớp nhưng cần phù hợp với các điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
Thứ ba, phát huy thế mạnh của hoạt động nhóm/tổ
Thứ tư, tăng cường vai trò của học sinh, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Học sinh là chủ thể, GVCN là người hướng dẫn.
Thứ năm, có sự giao lưu đối thoại giữa GVCN và học sinh, giữa các em học sinh với nhau.
Thứ sáu, dành thời gian và công sức cho phần chuẩn bị của GVCN và học sinh trước tiết sinh hoạt lớp.
Như vậy, theo các nguyên tắc đổi mới nói trên, chúng ta cần đổi mới tiết sinh hoạt lớp ở nhiều phương diện, nói cách khác là toàn diện về: nội dung; hình thức tổ chức; vai trò của học sinh, GVCN trong tiết sinh hoạt; phương pháp tổ chức; đổi mới trong các bước thực hiện tiết sinh hoạt lớp.
Cô Phan Hồng Anh cùng các học trò của mình. Ảnh: Internet |
Sử dụng biện pháp giáo dục tích cực
Để nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt, các GVCN có thể sử dụng những biện pháp giáo dục tích cực, ví dụ như: Hoạt động tổ chức cuộc thi, hoạt động đóng vai, hoạt động tranh biện, hoạt động trò chơi giáo dục, hoạt động làm việc nhóm… tùy thuộc theo các chủ đề lựa chọn.
Chủ đề của tiết sinh hoạt cần gần gũi với học sinh, nội dung dễ hiểu, hình thức tổ chức phong phú, khiến cho học sinh cảm thấy hứng thú và tự giác tham gia vào giờ sinh hoạt.
Ví dụ như: Với chủ đề “Tình yêu, tình bạn khác giới”, các nhóm học sinh có thể tham gia hoạt động đóng vai: xử lý các tình huống cụ thể liên quan tới tình bạn, tình yêu; các học sinh còn lại nhận xét, bổ sung ý kiến, GVCN hoặc cán bộ lớp tổng kết….
Với mỗi tiết sinh hoạt lớp, GVCN có thể lựa chọn một hoặc nhiều hoạt động giáo dục. Ví dụ như: trong tiết sinh hoạt chủ đề “Áo dài dân tộc” thuộc chủ điểm sinh hoạt “Tuổi trẻ với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, GVCN có thể sử dụng hoạt động làm việc nhóm và hoạt động tranh biện.
Với hoạt động nhóm, học sinh chia thành các nhóm với nhiệm vụ khác nhau: tìm hiểu lịch sử áo dài dân tộc (vẽ tranh, thiết kế áo dài theo từng thời kì, làm clip thuyết trình lịch sử…), quay clip cảm nhận của bạn bè quốc tế về áo dài,…
Với hoạt động tranh biện, GVCN cho mở Hộp ý kiến của học sinh (đã lấy ý kiến trong tuần trước đó) và lựa chọn 3 câu hỏi phù hợp, có tính tranh luận về chủ đề Áo dài; GVCN hướng dẫn học sinh có hình thức tranh biện văn minh… Việc lựa chọn bao nhiêu hoạt động, và chọn hoạt động giáo dục nào sẽ tùy thuộc vào chủ đề, thời gian tiết sinh hoạt và đặc điểm cá nhân của mỗi lớp.
Cô Phan Hồng Anh luôn chú trọng đổi mới các giờ sinh hoạt lớp |
Để tổ chức thành công các hoạt động giáo dục
Để có thể tổ chức thành công các hoạt động giáo dục nêu trên, theo cô Hồng Anh, yếu tố quyết định là công đoạn chuẩn bị cho tiết sinh hoạt:
Trước hết, từ đầu năm học, GVCN cần xây dựng đội ngũ cán bộ lớp tích cực, nhiệt tình; xây dựng và thống nhất cùng khối, lớp các chủ đề theo tháng cho cả năm học.
Trước mỗi tuần diễn ra tiết sinh hoạt, GVCN cần trao đổi, định hướng trước với cán bộ lớp về mục đích nhiệm vụ của tiết sinh hoạt sắp tới và kế hoạch tuần tiếp theo (dựa trên chủ đề hoạt động đã thống nhất)
Thống nhất nội dung, hình thức tiết sinh hoạt: Đề nghị học sinh nêu ý tưởng ý tưởng tổ chức sinh hoạt, trên cơ sở nguyện vọng của học sinh và mục đích giáo dục, hướng dẫn đội ngũ cán bộ lớp phân công các nhiệm vụ cho các nhóm.
GVCN theo sát các nhóm trong quá trình chuẩn bị, định hướng, duyệt nội dung, góp ý để sản phẩm của mỗi nhóm vừa thể hiện được trí tuệ, sự năng động, sáng tạo của học sinh, vừa bám sát chủ đề và mục tiêu tiết sinh hoạt.
Đối với quá trình chuẩn bị này, GVCN cần tránh hai khuynh hướng: phó mặc hoàn toàn cho học sinh chuẩn bị nội dung, dẫn tới sự đơn điệu, buồn tẻ, không đạt được mục đích giáo dục; hoặc quá kiểm soát, không cho học sinh được trình bày, thể hiện ý kiến, sáng tạo cá nhân.
Nếu quá trình chuẩn bị tốt, trong tiết sinh hoạt lớp, GVCN chỉ cần làm việc rất ít, thậm chí có thể không làm gì, trao quyền cho học sinh hoạt động với thời gian tối đa, GVCN chỉ bao quát và chỉ đạo để đảm bảo hoạt động của học sinh đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao.
Kết thúc tiết sinh hoạt lớp, GVCN cần thăm dò ý kiến của HS về các hoạt động trong tiết sinh hoạt để điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu chính đáng của các em. Có nhiều cách để nhận được thông tin phản hồi từ học sinh như:
GVCN trực tiếp trò chuyện với học sinh, học sinh điền phiếu thăm dò, GVCN nắm bắt thông tin từ cán bộ lớp ... Sau đó, GVCN cùng cán bộ lớp và tập thể lớp thảo luận để rút kinh nghiệm và tìm kiếm những cách thức để tiết sinh hoạt luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn.
"Như vậy, để nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt lớp thì cả GVCN và học sinh đều phải tìm tòi, suy nghĩ, hoạt động nhiều hơn. Nhưng sau những tiết sinh hoạt với các giải pháp tổ chức các hoạt động tích cực, tôi nhận thấy học sinh thêm yêu thích giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Các em mong chờ và dự đoán tháng tới sẽ được tham gia chủ đề gì, những hoạt động nào. Qua đó, học sinh có thể tiếp nhận các tri thức, những suy nghĩ, giá trị đúng đắn một cách tự nhiên, không áp đặt, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức và lối sống cho các em" - cô Phan Hồng Anh.