Hoạt động trải nghiệm trong chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) là hoạt động GD bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 - 12. Những điểm mới của chương trình hoạt động trải nghiệm thể hiện ở mục tiêu và cách tiếp cận trong xây dựng chương trình; nội dung chương trình hoạt động; yêu cầu về tổ chức các loại hoạt động; đặc biệt mới ở đánh giá kết quả hoạt động khi thực hiện chương trình.  

Giáo dục trải nghiệm giúp HS phát huy khả năng sáng tạo của mình
Giáo dục trải nghiệm giúp HS phát huy khả năng sáng tạo của mình

Phát triển cá nhân, GD hướng nghiệp

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm - cho biết, điểm mới đầu tiên thể hiện ở mục tiêu và cách tiếp cận trong xây dựng chương trình. Theo đó, đây là chương trình xây dựng theo tiếp cận phát triển năng lực, thể hiện rõ vai trò của Hoạt động trải nghiệm trong việc hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi thông qua các thành phần của Hoạt động trải nghiệm: Thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp.

Các năng lực đã được cụ thể hoá thành các yêu cầu cần đạt về hành vi với các mức độ khác nhau. Thông qua việc mô tả các yêu cầu cần đạt, người đọc có thể biết được con đường và cách thức hình thành và phát triển mục tiêu năng lực dựa trên gợi ý về các nội dung GD trong chương trình đưa ra.

Nội dung chương trình Hoạt động trải nghiệm không dừng lại ở các chủ đề mang tính chính trị xã hội như trong chương trình hiện hành mà còn chú trọng vào các hoạt động phát triển cá nhân, lao động và đặc biệt là GD hướng nghiệp.

Về yêu cầu về tổ chức các loại hoạt động: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp được chuyển giao dần cho HS làm chủ và thực hiện được cả các nội dung GD theo chủ đề. Hoạt động GD theo chủ đề được triển khai theo 2 hướng: GD thường xuyên (theo tuần) và GD định kỳ (theo tháng hoặc học kỳ). Tổ chức cần bảo đảm lựa chọn những hình thức đại diện từ cả 4 nhóm: Khám phá; thể nghiệm, tương tác; cống hiến; nghiên cứu.

“Giáo viên chủ nhiệm lớp là người chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả đánh giá. Kết quả đánh giá đối với mỗi HS là kết quả tổng hợp đánh giá thường xuyên và định kì về phẩm chất và năng lực. Kết quả đánh giá có thể chia thành một số mức để xếp loại và được ghi vào hồ sơ học tập của HS (tương đương một môn học)”. PGS Đinh Thị Kim Thoa

“Giáo viên chủ nhiệm lớp là người chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả đánh giá. Kết quả đánh giá đối với mỗi HS là kết quả tổng hợp đánh giá thường xuyên và định kì về phẩm chất và năng lực. Kết quả đánh giá có thể chia thành một số mức để xếp loại và được ghi vào hồ sơ học tập của HS (tương đương một môn học)”.

PGS Đinh Thị Kim Thoa

Về đánh giá kết quả hoạt động, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa nhấn mạnh, đây là khâu đột phá của chương trình. Đánh giá kết quả hoạt động được thực hiện theo tiếp cận năng lực (đánh giá quá trình thông qua quan sát, sản phẩm, hồ sơ…). Các lực lượng tham gia GD đều có trách nhiệm tham gia vào quá trình đánh giá. Kết quả đánh giá hoạt động trải nghiệm được ghi vào hồ sơ học tập của HS (tương đương như một môn học) và được sử dụng thành một trong các tiêu chí trong các kỳ xét tuyển.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho biết thêm: Nội dung Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân chia theo hai giai đoạn: GD cơ bản và GD định hướng nghề nghiệp.

Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào khám phá, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với HS cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi. Ở cấp THCS, nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hướng đến tự nhiên và hướng nghiệp; đồng thời hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của HS.

Giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp: Ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp THPT tập trung hơn vào hoạt động GD hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, HS được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

Cách đánh giá kết quả hoạt động

Đi sâu vào điểm mới về đánh giá, theo PGS Đinh Thị Kim Thoa, mục đích là thu thập thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt so với chương trình; sự tiến bộ của HS trong và sau các giai đoạn trải nghiệm. Kết quả đánh giá là căn cứ để định hướng HS tiếp tục rèn luyện, hoàn thiện bản thân và cũng là căn cứ quan trọng để các cơ sở GD, các nhà quản lí và đội ngũ giáo viên điều chỉnh chương trình và các hoạt động GD trong nhà trường.

Nội dung đánh giá là các biểu hiện của phẩm chất và năng lực đã được xác định trong chương trình: Thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp. Các yêu cầu cần đạt về sự phát triển phẩm chất và năng lực của mỗi cá nhân chủ yếu được đánh giá thông qua hoạt động theo chủ đề, hướng nghiệp, thông qua quá trình tham gia hoạt động tập thể và các sản phẩm của HS trong mỗi hoạt động.

Đối với Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp, nội dung đánh giá chủ yếu tập trung vào sự đóng góp của HS cho các hoạt động tập thể, số giờ tham gia các hoạt động và việc thực hiện có kết quả hoạt động chung của tập thể. Ngoài ra, các yếu tố như động cơ, tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, tính tích cực đối với hoạt động chung của HS cũng được đánh giá thường xuyên trong quá trình tham gia hoạt động.

Kết quả hoạt động GD trong hoạt động trải nghiệm được đánh giá trên cơ sở kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của HS, đánh giá của cha mẹ HS và đánh giá của cộng đồng. PGS Đinh Thị Kim Thoa làm rõ:

Tự đánh giá: Là hoạt động do mỗi HS thực hiện. Tự đánh giá tạo cơ hội để mỗi HS tự xem xét và điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình, đồng thời cung cấp thông tin phản hồi có ý nghĩa cho giáo viên về quan niệm giá trị, nhu cầu rèn luyện và cách thức rèn luyện mong muốn của HS. Khi HS trở thành người tự giám sát độc lập, giáo viên cần đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quan hệ bình đẳng, hợp tác với HS để vừa có thể đồng hành cùng các em vừa có định hướng đánh giá sâu sắc hơn.

Đánh giá đồng đẳng: Là hoạt động đánh giá giữa các HS nhằm cung cấp thông tin phản hồi để cùng học hỏi và hỗ trợ nhau. Đánh giá đồng đẳng tạo cơ hội cho HS phát triển tinh thần hợp tác, tư duy phản biện và khả năng thuyết phục người khác. Từ đánh giá đồng đẳng, giáo viên cũng thu nhận được thông tin về quan niệm giá trị, nhu cầu rèn luyện và cách thức rèn luyện mong muốn của HS.

Đánh giá của cha mẹ HS và cộng đồng: Là ý kiến nhận xét của cha mẹ HS và của những người có mối quan hệ nhất định với HS (thôn bản, tổ dân phố, nơi HS tham gia các hoạt động…) về ý thức, thái độ của HS trong cuộc sống hàng ngày và trong việc tham gia các hoạt động trải nghiệm. Đánh giá của cha mẹ HS và cộng đồng giúp HS và giáo viên có thông tin đầy đủ, toàn diện hơn về sự phát triển của HS trong quá trình rèn luyện.

Giáo viên chủ động lập kế hoạch lấy ý kiến cha mẹ HS và cộng đồng bằng hình thức phù hợp (lấy ý kiến thường xuyên hoặc định kỳ; qua trao đổi trực tiếp hoặc qua phiếu nhận xét). Khi lấy ý kiến đánh giá của phụ huynh HS và cộng đồng, cần tập trung vào mục tiêu GD, làm rõ những gì HS đã thực hiện tốt, những gì cần cải thiện và phản hồi, gợi ý cho HS về hướng tiếp tục rèn luyện để đáp ứng mục tiêu GD.

Đánh giá của giáo viên: Là sự thu thập, xử lý các thông tin về quá trình HS thực hiện các nhiệm vụ của hoạt động (qua bài kiểm tra vấn đáp hoặc tự luận, bài tập thực hành, bài tiểu luận, bài thuyết trình, bài tập nghiên cứu, dự án nghiên cứu...) và về thái độ, hành vi ứng xử của HS trong quá trình tham gia các hoạt động được tổ chức trên lớp học, hoạt động nhóm, tập thể hay cộng đồng, cũng như trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày. Giáo viên chủ nhiệm cần trao đổi với các giáo viên khác có liên quan đến HS để thống nhất đánh giá về HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.