Biến chủng nở rộ

GD&TĐ - Theo các nhà khoa học, việc các biến chủng liên tục xuất hiện là điều bình thường vì đây là bản chất của virus khi chúng tồn tại trong thời gian dài.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang lo ngại bảng chữ cái Hy Lạp gồm 24 ký tự mà họ dùng để đặt tên các biến chủng Covid-19 sẽ là không đủ, với số lượng biến chủng mới xuất hiện ngày càng nhiều do virus vẫn đang được lây lan tự do trên toàn cầu mà chưa thể bị khống chế.

Theo các nhà khoa học, việc các biến chủng liên tục xuất hiện là điều bình thường vì đây là bản chất của virus khi chúng tồn tại trong thời gian dài. Nhưng điều lo ngại nhất là một số biến chủng mới dần dần có thể học được cách khống chế các kháng thể do vắc-xin của con người tạo ra và điều này có thể khiến cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu phải làm lại từ đầu.

WHO đang chia các biến chủng của virus gốc phát hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc) thành hai loại dựa trên mức độ nguy hiểm là Biến chủng đáng lo ngại (VOC) và Biến chủng đáng quan tâm (VOI). Hiện danh sách VOC vẫn gồm 4 biến chủng quen thuộc là Alpha, Beta, Gamma và Delta, trong đó Delta là biến chủng nguy hiểm nhất vì đã lây lan gần như trên toàn thế giới.

Danh sách VOI ít nguy hiểm hơn hiện có 5 biến chủng là Eta, Iota, Kappa, Lambda và Mu. Trong số này đang nổi lên hai biến chủng đều có nguồn gốc từ Nam Mỹ là Lambda (phát hiện lần đầu tại Peru) và Mu (phát hiện lần đầu tại Colombia).

So với các biến chủng VOI khác thì Lambda và Mu có sự lây lan mạnh hơn, khả năng xâm nhập tế bào tốt hơn nên đang được dự đoán sẽ được WHO “nâng cấp” vào danh sách biến chủng nguy hiểm VOC như Delta.

Tính đến ngày 8/9, biến chủng Mu đã xuất hiện tại 46 nước từ Nam Mỹ đến châu Âu và châu Á. Riêng tại Mỹ đã có 49/50 bang của nước này ghi nhận có Mu và những nghiên cứu ban đầu cho thấy nó có khả năng lây lan nhanh hơn cả Delta. Theo Giáo sư Stuart Ray của Đại học John Hopkins (Mỹ), Mu nguy hiểm vì có nhiều điểm tương đồng với Delta và vì xuất hiện sau nên nó sẽ có nhiều tiến hóa.

So với MU thì biến chủng Lambda chưa có mức độ lây lan rộng bằng. Peru và một số nước Nam Mỹ như Chile, Ecuado, Argentina và Brazil hiện vẫn là các quốc gia có nhiều ca nhiễm biến chủng Lambda nhất và hiện đã có hơn 30 nước ghi nhận sự xuất hiện của nó. Điều đáng mừng là theo cơ sở dữ liệu GISAID chuyên theo dõi các biến chủng thì Lamda đang có dấu hiệu suy yếu dần.

Theo các chuyên gia, cách hiệu quả nhất để ngăn virus Covid-19 biến chủng như “trăm hoa đua nở” hiện nay là độ phủ tiêm chủng trên phạm vi toàn cầu. Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ cho rằng, chính nhóm những người chưa được tiêm vắc-xin đang tạo điều kiện cho các biến chủng mới xuất hiện vì virus lây lan trong nhóm này có cơ hội biến đổi dễ dàng hơn.

Nếu độ phủ vắc-xin toàn cầu tiếp tục bị chậm như hiện nay và Covid-19 không thể sớm bị khống chế thì sẽ đến lúc một biến chủng mới xuất hiện có thể gây nguy hiểm cho cả người chưa tiêm chủng lẫn những người đã được tiêm đầy đủ.

Trước đó, chính ổ dịch Ấn Độ nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã sản sinh ra biến chủng Delta và biến chủng này đang tấn công cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Quy luật xuất hiện các biến chủng mới của virus là điều bình thường nhưng sự bất bình đẳng trong phân bổ vắc-xin trên toàn cầu mới là lý do chính khiến các biến chủng xuất hiện nhiều và nguy hiểm hơn.

Điều này một lần nữa cho thấy, sẽ không có nước nào được an toàn dù tiêm nhiều vắc-xin đến đâu nếu một quốc gia hay khu vực nào đó trên thế giới vẫn còn thiếu hụt vắc-xin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.