Biến chủng Lambda - mối lo ngại mới trên toàn cầu

GD&TĐ - Biến chủng Covid-19 mang tên Lambda được phát hiện lần đầu tại Peru từ cuối năm ngoái đang trở thành mối lo ngại mới trên toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Biến chủng Covid-19 mang tên Lambda được phát hiện lần đầu tại Peru từ cuối năm ngoái đang trở thành mối lo ngại mới trên toàn cầu sau khi lây lan tới 41 quốc gia, trong đó có nước chủ nhà Olympic Nhật Bản vào đúng thời điểm sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này diễn ra.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện vẫn xếp Lambda vào nhóm “Biến chủng cần chú ý” (VOI), thấp hơn một bậc về độ nguy hiểm so với nhóm “Biến chủng đáng lo ngại” (VOC) gồm Alpha (có nguồn gốc từ Anh), Beta (có nguồn gốc từ Nam Phi), Gamma (nguồn gốc từ Brazil) và Delta (nguồn gốc từ Ấn Độ).

Hiện, dữ liệu phân tích Lambda còn rất hạn chế nên chưa thể so sánh nó với loại biến chủng đang hoành hành dữ dội nhất hiện nay là Delta. Nhưng các nhà nghiên cứu của Đại học Tokyo hồi tháng trước đã công bố báo cáo cho biết, biến chủng Lambda “có tiềm năng trở thành mối đe dọa đối với loài người”, do tỷ lệ lây nhiễm cao và khả năng kháng các loại vắc-xin.

Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận một phụ nữ trở về từ Peru hôm 20/7 đã mang theo biến thể Lambda, ngay trước thềm lễ khai mạc Olympic, nhưng tới ngày 6/8, cơ quan này mới cho công bố chính thức thông tin. Sự xuất hiện của biến chủng Lambda diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi Tokyo đang tổ chức Thế Vận hội mùa hè vốn đã bị trì hoãn một năm.

Sự xuất hiện của biến chủng Lambda tại Nhật Bản gây chú ý vì đánh dấu sự có mặt của loại virus đột biến này tại châu Á, khu vực đang chìm trong làn sóng lây nhiễm của biến chủng Delta. Đã có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận dấu vết của biến thể Lambda và con số này được dự đoán sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dữ kiện đầy đủ nhất về Lambda mới được thu thập tại nơi nó được phát hiện lần đầu là Peru. Theo WHO, khoảng 81% số người nhiễm Covid-19 tại Peru từ tháng 4/2021 đến nay là nhiễm biến chủng Lambda. Các nghiên cứu ban đầu tại Peru cho thấy, biến chủng mới có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với chủng gốc.

Những lo ngại về việc biến chủng Lambda có thể kháng các loại vắc-xin hiện nay hay không thì cần có thêm dữ liệu nghiên cứu mới có thể kết luận. Tuy nhiên, việc nó đã lây lan tới hơn 41 quốc gia đang làm tăng đáng kể sự phổ biến của nó trên thế giới, qua đó mối lo về bóng ma của một biến chủng mới nguy hiểm cho thế giới đã ngày càng rõ nét.

Trong khi đó, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ Anthony Fauci hôm 8/8 tiếp tục cảnh báo rằng, việc biến chủng Delta có điều kiện lây truyền tự do ở những người dân chưa tiêm vắc-xin có thể khiến nó đột biến tiếp để trở thành một biến thể mạnh hơn, có khả năng tấn công cả những người đã tiêm vắc-xin đầy đủ. Bác sĩ Fauci cho biết, đây là điều bình thường trong virus học.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ đầu ngành nước Mỹ thì may mắn là các vắc-xin hiện nay đối phó tốt với biến chủng Delta, đặc biệt là trong việc bảo vệ mọi người khỏi nguy cơ bị bệnh nặng khi nhiễm virus. Do đó, ông kêu gọi người dân Mỹ đi tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt để đạt miễn dịch cộng đồng và “không cho virus cơ hội đột biến”.

Nguy cơ về sự xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn những biến chủng đã biết là điều các chuyên gia cảnh báo từ trước do bản chất của virus. Nhưng các chuyên gia dịch tễ khẳng định con người hoàn toàn có đủ khả năng ngăn không cho virus đột biến bằng cách khống chế sự lây lan của nó và vắc-xin ngừa Covid-19 hiện vẫn là vũ khí hiệu quả nhất trong nỗ lực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ