Câu trả lời, theo như các nhà giáo dục Singapore, rất đơn giản: đó là nhờ vào các chương trình môn học được thiết kế hợp lí, có cấu trúc chặt chẽ và được thực hiện bởi những giáo viên (GV) có chất lượng.
Những thông tin thú vị, bài học bổ ích từ giáo dục đất nước sư tử, đặc biệt trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chất lượng được TS. Ngô Vũ Thu Hằng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ trong tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm" do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức.
GV phải tham gia ít nhất 100 giờ đào tạo bồi dưỡng hằng năm
Lực lượng GV có chất lượng cao không đơn giản có được bởi sự tình cờ hay là kết quả của một văn hóa tôn trọng nghề dạy. Theo TS. Ngô Vũ Thu Hằng, nó là kết quả của những sự lựa chọn chính sách có tính toán một cách kĩ lưỡng.
Singapore đã phát triển một hệ thống toàn diện để tuyển chọn, đào tạo và phát triển GV đại trà và GV cốt cán. Một trong những yếu tố then chốt của hệ thống đó là hoạt động phát triển chuyên môn nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV Singapore.
Trước tiên phải nói rằng tất cả các GV của Singapore đều được đào tạo về sư phạm tại một địa chỉ duy nhất. Đó là Viện Giáo dục Quốc gia thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang.
Để có thể phát triển chuyên môn, hàng năm các GV cần phải tham gia ít nhất 100 giờ đào tạo bồi dưỡng. Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau…
Khuyến khích GV thành nhà thực hành tự chủ, năng động
TS. Ngô Vũ Thu Hằng cho biết: Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển GV tại Singapore được quan tâm, trong đó quan tâm trang bị cho GV năng lực dạy học cá biệt hóa, có khả năng sử dụng thành thạo công nghệ vào giảng dạy; khuyến khích GV thành nhà thực hành tự chủ, năng động và phát triển giảng dạy qua nghiên cứu và sử dụng các kết quả nghiên cứu nâng cao chất lượng giảng dạy.
Mục tiêu của Singapore là làm thế nào để đảm bảo mọi người GV đều trở thành người GV xuất sắc. Để thực hiện điều này, hoạt động phát triển GV ở đây có 3 vai trò chính khác nhau.
Thứ nhất: Hình thành nếp suy nghĩ đúng đắn cho GV. GV Singapore được giúp để hiểu về sự tin tưởng hữu hiệu đối với hoạt động dạy học. Cụ thể, họ được truyền niềm tin rằng dạy học không chỉ là một quá trình hay đơn thuần là sự ghi nhớ mà là quá trình tư duy.
Một cách mà những người đào tạo, phát triển GV Singapore làm việc này đó là cho GV dành thời gian để giải quyết những vấn đề “mỏ neo” - là những vấn đề phức hợp thường được giới thiệu ở mỗi đầu bài học nhằm thúc đẩy suy nghĩ sâu ở người học và nhằm tổng hợp vô số các phương án và giải pháp.
Thứ 2: Giúp GV kiến tạo tri thức. Thứ 3 là tăng cường năng lực học tập. GV cần phải là những người học suốt đời. Nhiều nhà giáo dục Singapore dùng các cộng đồng học tập phát triển chuyên môn, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu bài học, nhằm nâng hoạt động dạy học trên lớp.
Bồi dưỡng, phát triển chuyên môn dựa trên các hoạt động của nhà trường
Theo TS. Ngô Vũ Thu Hằng, các GV Singapore nhận thấy việc nghiên cứu bài học có hiệu quả đặc biệt trong việc giúp họ nâng cao những kiến thức quan trọng. Ban đầu các khóa học bồi dưỡng được thực hiện với sự đẩy mạnh cách tiếp cận dựa trên các hoạt động trao đổi, tương tác.
Nhưng dần dần, các nhà giáo dục Singapore nhanh chóng nhận thấy hạn chế của kiểu thảo luận trao đổi, do đó họ cũng nhanh chóng chuyển sang hoạt động bồi dưỡng, phát triển chuyên môn dựa trên các hoạt động của nhà trường đồng thời vẫn duy trì các hoạt động phối hợp. Từ đó tạo nên một cộng đồng phát triển chuyên môn, nơi mà các GV có thể cùng nhau phát triển hoạt động dạy và học.
Bằng cách đó, các nội dung và hoạt động bồi dưỡng trở nên thiết thực hơn do gắn liền với thực tế dạy học tại trường phổ thông. Qua các buổi bồi dưỡng, các GV không chỉ nắm bắt được những vấn đề đang xảy ra trong các hoạt động dạy học hàng ngày mà còn được giới thiệu những phương pháp dạy học mới.
Mỗi nhà trường đều có một quỹ riêng để có thể sử dụng cho việc phát triển GV, bao gồm cả việc hình thành, phát triển những tư tưởng, quan điểm giáo dục, dạy học mới qua việc đi ra nước ngoài để tìm hiểu thêm về nền giáo dục của các nước trên thế giới.
Trung tâm GV Singapore được hình thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2010 để nhằm khuyến khích GV có thể liên tục chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất về hoạt động giáo dục, dạy học.