Bí quyết giúp GV Hà Lan dạy học thành công theo cách tiếp cận mới

GD&TĐ -Hoạt động đổi mới chương trình giáo dục của các nước ở châu Âu nói chung và của Hà Lan nói riêng hiện nay gắn liền với cách tiếp cận giáo dục dựa vào bối cảnh (GDDVBC).

Bí quyết giúp GV Hà Lan dạy học thành công theo cách tiếp cận mới

Đây là một cách tiếp cận được vận dụng trong các chương trình môn học ở nhiều nước và dẫn đến việc đòi hỏi người giáo viên (GV) cần được đào tạo, bồi dưỡng để có thể làm chủ và thực hiện hiệu quả các giờ học theo cách tiếp cận mới này.

Dạy học dựa vào bối cảnh

TS. Ngô Vũ Thu Hằng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết trong một tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm":

GDDVBC được hiểu là việc sử dụng bối cảnh để thực hiện các hoạt động giáo dục, dạy học nhằm giúp đạt được các mục tiêu về kiến thức khoa học, kĩ năng, thái độ đề ra cho học sinh, qua đó hình thành, phát triển ở học sinh những năng lực cần thiết và hoàn thiện nhân cách.

GDDVBC chú trọng sự kết nối việc học với thế giới thực. Học sinh thực hiện sự kết nối ấy bằng những vai trò khác nhau, ví dụ như là công dân, thành viên gia đình…, chứ không phải đơn giản chỉ là người học, do đó trọng tâm của việc học tập sẽ khác.

Theo TS. Ngô Vũ Thu Hằng, GDDVBC được nhiều nhà khoa học giáo dục cho rằng có thể giải quyết các vấn đề của giáo dục hiện nay. Đó là các vấn đề:

Kiến thức quá tải: Hậu quả của việc tích lũy và tích tụ nhiều kiến thức trong giáo dục đã dẫn đến việc chương trình trở nên quá tải nội dung. Điều đó thể hiện ở việc nhiều chương trình dạy học thường chỉ là sự tập hợp nhiều kiến thức riêng rẽ, tách rời khỏi nguồn gốc khoa học ban đầu của nó và trở nên trừu tượng với người học.

Kiến thức riêng rẽ, tách rời: Những chương trình tập trung vào nội dung kiến thức thường không giúp học sinh biết được mối quan hệ bên trong và bên ngoài của các khái niệm, kiến thức. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho rằng việc đạt được một khối lượng lớn kiến thức riêng rẽ khó có thể giúp hình thành tư duy lý tính cao cấp ở học sinh. Học sinh không thể tự đi đến được ý nghĩa của bài học. Điều này hạn chế sự tham gia tích cực của học sinh trong giờ học và làm cho các em quên bài nhanh chóng sau khi học xong.

Kiến thức thiếu sự liên hệ, vận dụng: Với những chương trình tập trung vào nội dung kiến thức, học sinh chỉ có thể giải quyết được những vấn đề được giao theo những cách y như những gì các em đã được dạy. Các em thất bại đáng kể trong việc giải quyết những vấn đề đòi hỏi sử dụng kiến thức đã được học một cách linh hoạt, uyển chuyển. Hầu như học sinh khó có thể liên hệ, vận dụng các kiến thức đã học cho cuộc sống lâu dài sau này của mình.

Kiến thức thiếu sự gần gũi, liên quan: Nhiều học sinh không thích học đơn giản chỉ bởi các em thấy bài học không gần gũi với cuộc sống hàng ngày của mình. Các em có cảm giác đang học một cái gì đó hàn lâm, xa vời, khó có thể liên hệ vận dụng vào những vấn đề gặp phải hàng ngày. Điều này khiến học sinh thấy chán học và học không tập trung.

Kiến thức có trọng tâm không hợp lí: Các bài học hiện nay thường coi trọng những phần kiến thức “cứng” (buộc học sinh phải ghi nhớ), những câu trả lời - lời giải thích đúng, và các bước thực hiện theo đúng quy định.

Điều này căn bản không hợp lí cho hoạt động học vì về bản chất hoạt động học là nhằm mục đích phát triển tư duy hơn là rèn luyện trí nhớ máy móc cho học sinh. Nó cũng làm cho học sinh về sau ngần ngại theo đuổi nghề nghiệp gắn với những môn học mà có thể các em có khả năng. Lí do là bởi các em chưa thấy được sự thú vị, hấp dẫn, và ý nghĩa mà bài học mang lại cho mình.

Cách Hà Lan giúp giáo viên thực hiện hiệu quả tiết học đổi mới

TS. Ngô Vũ Thu Hằng cho biết: Để giúp GV có thể làm chủ và thực hiện hiệu quả các giờ học được thiết kế đổi mới nằm trong chương trình môn học có cách tiếp cận giáo dục dựa vào bối cảnh, một khung phát triển chuyên môn được thiết kế phục vụ cho hoạt động bồi dưỡng GV ở Hà Lan với các bước như sau:

Pha 1 - Pha chuẩn bị: GV chuẩn bị các bài học theo GDDVBC để chia sẻ những kiến thức ban đầu và đạt được những kiến thức mới.

Pha 2 - Pha dạy học: GV thực hiện các bài học được thiết kế theo GDDVBC ở trường của mình nhằm vận dụng và mở rộng những kiến thức đã đạt được ở pha 1.

Pha 3 - Pha phản ánh: GV phản ánh lại các hoạt động dạy học và tác dụng của chúng lên học sinh, để mở rộng và chia sẻ những kiến thức đã đạt được ở pha trước đó.

Các pha này được thực hiện theo vòng xoáy trôn ốc mà ở đó có chứa các pha nhỏ hơn, tạo ra một chương trình bồi dưỡng, phát triển chuyên môn có sự đan kết các hoạt động.

Trong quá trình bồi dưỡng, phát triển chuyên môn cho GV, người tập huấn đóng nhiều vai trò khác nhau, vừa là người giới thiệu, người đồng tổ chức, thiết kế, vừa là người dẫn dắt, giám sát các GV thực hiện.

Các GV đóng vai trò là người được tập huấn nhưng cũng là người đồng thiết kế, người thực hiện, người quan sát, theo dõi, người phản ánh.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa người tập huấn, bồi dưỡng và các GV tạo nên một cộng đồng học tập thu nhỏ, ở đó GV có thể học được không chỉ từ người tập huấn, bồi dưỡng mà còn từ chính các đồng nghiệp của mình.

Mô hình bồi dưỡng, phát triển chuyên môn như trên đã cho thấy có sự hiệu quả trong việc giúp các GV khoa học ở Hà Lan thực hiện thành công các giờ học GDDVBC.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ