Bí quyết đạt điểm cao môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

GD&TĐ - Ngoài việc hoàn thiện kiến thức, kỹ năng làm bài, học sinh cần làm chủ thời gian ở môn Ngữ văn để đạt kết quả tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trải qua các đợt thi thử giúp thí sinh có thêm kinh nghiệm trước khi bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới. (Ảnh: P.H)
Trải qua các đợt thi thử giúp thí sinh có thêm kinh nghiệm trước khi bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới. (Ảnh: P.H)

Cô Đặng Thị Hoa (Giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Hà Huy Tập, Hà Tĩnh) đã có những chia sẻ giúp sĩ tử 12 có những kinh nghiệm, kỹ năng để ôn tập hiệu quả môn Ngữ văn.

Kinh nghiệm từ những cuộc tập dượt

Theo cô Hoa, học sinh lớp 12 các trường THPT trên toàn quốc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đang bước vào giai đoạn “nước rút” để “về đích”. Trong đó, môn Ngữ văn là một bộ môn bắt buộc và đối với học sinh. Đây cũng là môn được xem như là “tấm vé” giúp các em có cơ hội tăng tổng số điểm của mình.

Ngay khi cấu trúc đề minh họa được Bộ GD&ĐT công bố hồi tháng 3, học sinh Hà Tĩnh đã tham gia kỳ thi thử của Sở GD&ĐT tổ chức trong hai ngày 16 và 17/4. Đề môn Ngữ văn được xây dựng bám sát với cấu trúc đề minh họa của Bộ.

Đề thi gồm 2 phần: Ở phần đọc hiểu (3 điểm), văn bản được lựa chọn là một đoạn trích thơ ngoài chương trình với các dạng câu hỏi: xác định thể thơ, nêu nội dung của những dòng thơ được chọn, nêu tác dụng của biện pháp tu từ, rút ra bài học cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong văn bản.

Phần làm văn (7 điểm), phần này được xem là phần vận dụng cao. Trong phần này, câu 1 (2 điểm), học sinh được yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội có giới hạn về số chữ, bàn về sự cần thiết phải biết quý trọng thời gian. Học sinh sẽ chia sẽ những trải nghiệm của bản thân và bày tỏ quan điểm của mình.

Câu 2 (5 điểm), học sinh viết bài nghị luận về vấn đề được đặt ra từ một đoạn trích trong tác phẩm tùy bút “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Đối với dạng câu hỏi này học sinh vận dụng cả kiến thức và kĩ năng để viết một bài nghị luận văn học.

Đề được đánh giá có tính vừa sức, bám sát đề minh họa của Bộ, vừa có tính phân loại.

Việc tổ chức những kỳ thi tập dượt sẽ là cơ hội để học sinh vừa rèn luyện kĩ năng, vừa vận dụng kiến thức đã học vào đề bài cụ thể. Cũng là cơ hội để các em thể hiện bản lĩnh, khả năng giải quyết các tình huống trước khi bước vào kì thi chính thức.

Bên cạnh đó, các nhà trường và giáo viên trực tiếp giảng dạy sẽ đánh giá được năng lực về kiến thức và kĩ năng của học sinh, những ưu điểm và nhược điểm để từ đó có những định hướng chỉ đạo và giảng dạy phù hợp, kịp thời.

Đối với môn thi Ngữ văn, việc làm chủ thời gian ở các phần chiếm vai trò quan trọng. (Ảnh: P.H)

Đối với môn thi Ngữ văn, việc làm chủ thời gian ở các phần chiếm vai trò quan trọng. (Ảnh: P.H)

Làm chủ thời gian

Theo cô Hoa, thời điểm này giáo viên đã chốt lại toàn bộ kiến thức về lý thuyết của môn Ngữ văn. Ở phần Đọc hiểu, học sinh cần chắc chắn kiến thức Tiếng Việt, có khả năng tư duy. Để có một bài thi có tổng điểm cao thì các em cần phải làm tốt phần này.

Phần Làm văn, học sinh cần nắm vững về nội dung, đặc sắc nghệ thuật, giá trị tư tưởng của các tác phẩm văn học. Có thể mở rộng được kiến thức trong quá trình so sánh, đánh giá tác phẩm này với tác phẩm khác cùng đề tài. Qua đó, thấy được những sáng tạo và đóng góp của tác giả thông qua tác phẩm của họ.

Đối với dạng đề văn nghị luận xã hội, học sinh cần cẩn thận, tỉ mỉ trong quá trình làm bài, có vốn hiểu biết phong phú. Đặc biệt tránh nhầm lẫn hình thức bài làm một đoạn văn (có giới hạn về số chữ) chứ không phải một bài văn.

Học sinh có thể hệ thống hóa kiến thức của mình dưới dạng các sơ đồ tư duy, bảng biểu, hay dùng các từ khóa để ghi nhớ cũng là một cách làm hiệu quả.

Ngoài việc nắm chắc về kiến thức lý thuyết, việc rèn luyện kĩ năng ở giai đoạn này là rất cần thiết. Học sinh sẽ được làm nhiều dạng đề để quen với các dạng câu hỏi, cách trình bày bài làm nhằm đạt điểm tối đa.

Đối với phần Đọc hiểu, học sinh cần trình bày một cách ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm theo phương châm “hỏi cái gì trả lời cái đó” tránh lan man, dài dòng. Các ý câu trả lời có thể sử dụng các kí tự để phân biệt.

“Thời gian làm bài được quy định cụ thể, hệ thống câu hỏi có sự phân cấp rõ ràng, điều đó có nghĩa là các em cần làm chủ thời gian. Mỗi phần, mỗi câu hỏi tùy theo mức độ và điểm số, học sinh cần phân chia khung thời gian phù hợp. Không để trường hợp câu hỏi ít điểm lại dành quá nhiều thời gian và ngược lại; Hay thời gian đã hết nhưng bài viết vẫn chưa xong”, cô Đặng Thị Hoa (Giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Hà Huy Tập, Hà Tĩnh) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ