Nắm chắc kiến thức
Theo chia sẻ của ThS Nguyễn Thị Lan Hương – Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Tam Dương (Vĩnh Phúc), thơ ca cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 chủ yếu nằm ở chương trình kỳ I lớp 12. Do vậy, học sinh cần ôn tập kỹ và nắm chắc kiến thức các tác phẩm.
Ví dụ: Tác phẩm “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng; “Việt Bắc” của Tố Hữu hay “Sóng” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh… Ở những tác phẩm này, học sinh cần ghi nhớ các kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, phong cách văn học của tác giả. Hiểu sâu sắc hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Giá trị nội dung và đặc sắc nghệ thuật mà tác giả gửi gắm.
Bên cạnh đó, để làm bài tốt, các em cần chú ý kiến thức nâng cao trong tác phẩm như: Ý nghĩa nhan đề, đề tài của bài thơ, hình tượng trong bài thơ… Học sinh cần đặt tác phẩm trong thế đối sánh với những câu thơ, bài thơ khác cùng chung đề tài, giai đoạn sáng tác để thấy được nét riêng biệt, độc đáo của mỗi tác phẩm thơ ca. Từ những kiến thức cơ bản, khái quát trên, học sinh hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật của từng đoạn thơ, khổ thơ trong tác phẩm.
Trong quá trình ôn tập, với tác phẩm hoặc đoạn trích văn xuôi, ví dụ như “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, “Vợ nhăt” của Kim Lân, hay “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu… học sinh cần nắm chắc kiến thức về tác giả (sự nghiệp văn học, nét độc đáo trong phong cách…) và kiến thức về tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, tóm tắt được tình tiết, diễn biến của truyện…).
Đặc biệt, học sinh phải ghi nhớ sâu kiến thức về nhân vật được các nhà văn xây dựng trong tác phẩm. Ví dụ: Vị trí nhân vật, ngoại hình, số phận, vẻ đẹp tâm hồn, tính cách… Qua nhân nhân vật, các nhà văn gửi gắm thông điệp gì? Đồng thời cần nắm bắt những đặc sắc về nghệ thuật (cách xây dựng tình huống, ngôn ngữ kể chuyện, giọng điệu, ngôi kể, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật…).
Các em có thể ghi nhớ kiến thức cơ bản theo hình thức sơ đồ tư duy. Nắm chắc những kiến thức nền, ý chính của tác phẩm. Kết hợp giữa việc học và tập viết thành các đoạn văn.
Từ một luận điểm, ý then chốt, học sinh tư duy và phát triển thành một đoạn văn. Nên có sổ tay văn học ghi chép lại những đoạn văn hay, kiến thức mở rộng nâng cao phù hợp để có thể vận dụng, giúp bài viết sáng tạo, độc đáo. Ngoài ra, học sinh nên hướng tới cách học hiểu để vận dụng chứ không nên học ghi nhớ máy móc.
Rèn kỹ năng làm bài
Phần nghị luận văn học chiếm nhiều thời gian nhất của học sinh trong quá trình làm bài thi. Vì vậy, thí sinh phải có kỹ năng nhuần nhuyễn và rèn viết thật nhiều mới đạt được kết quả như ý muốn.
Theo chia sẻ của ThS Nguyễn Thị Lan Hương, để có kết quả tốt, học sinh lưu ý: Về hình thức, bài viết cần đủ 3 phần (mở bài, thân bài và kết bài). Về nội dung, học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận, dùng các luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng.
Khi làm bài thi, với phần mở bài, học sinh có thể chọn 1 trong 2 cách là mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp. Phần thân bài các em cần sắp xếp và triển khai các luận điểm khoa học, rõ ràng, mạch lạc. Phần kết bài, thí sinh cần có những đánh giá nhận xét nâng cao về giá trị của tác phẩm.
Ngoài ra, trong quá trình làm câu nghị luận Văn học, học sinh cần chú ý phân bổ thời gian hợp lý, khoa học để hoàn thiện bài viết tốt nhất.
Về kiến thức cần nắm vững và kinh nghiệm khi làm nghị luận bài thơ, đoạn thơ, ThS Nguyễn Thị Phụng – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Tam Dương lưu ý: Đoạn thơ trong phần mở bài, học sinh cần giới thiệu về tác giả và bài thơ, đoạn thơ cần phân tích (chép nguyên văn đoạn thơ trong đề bài, nếu là đoạn thơ dài thì chỉ cần chép hai câu đầu, chấm chấm, rồi chép câu cuối). Giới thiệu ý kiến bàn về bài thơ (nếu đề bài yêu cầu nghị luận về ý kiến). Giới thiệu vấn đề nghị luận.
Nếu là dạng đề so sánh hai bài thơ, hai đoạn thơ thì mở bài phải giới thiệu cả hai tác giả và hai bài thơ.
Đối với phần thân bài, nếu phần mở bài học sinh giới thiệu gián tiếp vấn đề thì vào đầu phần thân bài các em cần khái quát về phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính… của bài thơ. Nêu vị trí đoạn thơ, thể thơ, chú ý âm điệu, giọng điệu.
Nếu phần mở bài các em giới thiệu trực tiếp vấn đề thì đầu phần thân bài các em giới thiệu khái quát về bài thơ, đoạn thơ và dẫn dắt đến vấn đề cần nghị luận. Sau đó sẽ đi giải thích những vấn đề cần làm rõ ở đề bài trước khi đi nghị luận về bài thơ, đoạn thơ.
Học sinh có thể phân tích, cảm nhận theo hướng cắt ngang (từng khổ, từng dòng) hoặc phân tích, cảm nhận theo hướng bổ dọc bài thơ (theo hình tượng thơ, nội dung xuyên suốt bài thơ). Có thể phân chia các nội dung chính của bài thơ, đoạn thơ thành các luận điểm lớn, nếu đề yêu cầu cảm nhận đoạn thơ, câu thơ, học sinh sẽ chia nhỏ các nội dung có trong đoạn, trong câu, biến chúng thành các luận điểm lớn để đi sâu cảm nhận.
Trong quá trình phân tích, học sinh có thể sử dụng thao tác so sánh với những câu thơ, đoạn thơ khác của tác giả, tác phẩm cùng thời, cùng tư tưởng... để làm nổi bật lên vấn đề mà học sinh muốn đánh giá.
“Phân tích phải đi kèm với đánh giá và bình luận, tránh diễn nôm bài thơ, đoạn thơ. Mỗi đoạn văn các em nên viết theo cách diễn dịch hoặc quy nạp, nhớ trình bày rõ câu chốt, câu diễn giải, câu dẫn chứng, câu khái quát nội dung đoạn, câu chuyển đoạn linh hoạt” - ThS Nguyễn Thị Phụng chia sẻ.
Phần kết bài, học sinh cần đánh giá khái quát về giá trị của bài thơ, đoạn thơ và đóng góp riêng của tác giả.