Bí quyết đạt điểm cao môn Lịch sử: Chia vấn đề, học theo giai đoạn

GD&TĐ - Trong nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT, phần lịch sử Việt Nam lớp 12 chiếm tỉ lệ lớn nhất. Để học tốt và nắm vững kiến thức, HS cần nhớ 5 thời kỳ: 1919 - 1930, 1930 - 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - 2000.

Giáo viên môn Lịch sử luôn khuyên học sinh phải nắm vững kiến thức trọng điểm.
Giáo viên môn Lịch sử luôn khuyên học sinh phải nắm vững kiến thức trọng điểm.

Ở giai đoạn nước rút, các em cần ôn tập theo hình thức “cuốn chiếu” và làm bài tập trắc nghiệm từng thời kì để củng cố kiến thức đã học. Trong mỗi thời kì chia ra theo từng giai đoạn, vấn đề nhỏ để ôn tập đạt kết quả cao.

Chia thời kỳ

Cô Nguyễn Thị Lĩnh - GV môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh lấy ví dụ: Thời kì 1930 - 1945 có 3 phong trào: Phong trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào dân chủ 1936 - 1939, phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945. Khi ôn phong trào dân chủ 1936 - 1939, thí sinh cần nắm được 4 vấn đề: Bối cảnh bùng nổ; chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương; những phong trào chính; ý nghĩa và bài học của phong trào.

Để học và nắm vững kiến thức, các em cần ghi nhớ được bối cảnh của phong trào. Đối với bối cảnh quốc tế cần nắm được ba ý chính: Đầu những năm 30 (thế kỉ XX), chủ nghĩa phát xít xuất hiện và tạm thời thắng thế ở một số nơi như Tây Ban Nha, Đức, Italia, Nhật Bản. Nguy cơ chiến tranh thế giới xuất hiện.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Tiếp đến, Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (7/1935) xác định nhiệm vụ trước mắt của phong trào cách mạng thế giới là chống phát xít và nguy cơ chiến tranh, bảo vệ  hoà bình, thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi. Tháng 6/1936, Mặt trận nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, thi hành những cải cách tiến bộ ở thuộc địa. Chính phủ của mặt trận nhân dân Pháp còn cử phái viên sang điều tra và nới rộng một số quyền tự do, dân chủ tối thiểu ở các nước thuộc địa.

Về bối cảnh trong nước: Các em cần nắm được nền kinh tế Việt Nam đã được khôi phục nhưng vẫn là nền nông nghiệp lạc hậu, lệ thuộc. Do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng kinh tế, đời sống nhân dân khó khăn, yêu cầu của mọi tầng lớp xã hội là quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống. Các cơ sở Đảng đã được phục hồi và bước vào thời kì lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.

Ngoài bối cảnh của phong trào, HS cần nắm được chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đó là, tháng 7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) để định ra đường lối và phương pháp đấu tranh.

Hội nghị xác định: Nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Kẻ thù trước mắt là thực dân phản động Pháp và tay sai. Còn về phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, đến tháng 3/1938 đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Cô Nguyễn Thị Lĩnh nói thêm: Cùng với bối cảnh, chủ trương của phong trào, HS cần hiểu thêm những phong trào đấu tranh tự do, đòi dân sinh, dân chủ. Có 3 ý chính các em cần lưu ý:

- Từ giữa những năm 1936 được tin Quốc hội Pháp cử phái đoàn điều tra tình hình Đông Dương, Đảng chủ trương vận động các tầng lớp nhân dân hội họp, thảo ra bản “dân nguyện” để gửi tới phái đoàn, tiến tới triệu tập Đông Dương đại hội vào tháng 8/1936.

- Trong những năm 1937 - 1939, các cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân diễn ra sôi nổi. Nhiều tổ chức quần chúng ra đời như Hội cứu tế bình dân, Hội truyền bá Quốc ngữ.

- Đặc biệt là ngày 1/5/1938, lần đầu tiên trong ngày quốc tế lao động cuộc mít tinh được tổ chức ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi khác, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

Học sinh tăng cường ôn luyện cuối cấp. Ảnh: TG
Học sinh tăng cường ôn luyện cuối cấp. Ảnh: TG

Lưu ý phần nhận xét, ý nghĩa

Cô Lĩnh lưu ý: HS phải rút ra nhận xét, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm. Cách học này sẽ tạo cho các em nắm vững kiến thức, nhớ bài học lâu và hiểu được ý nghĩa của các phong trào giải phóng dân tộc.

Cụ thể, một phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, diễn ra trên quy mô rộng lớn, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia, với những hình thức tổ chức và đấu tranh phong phú; buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ.

Mặc dù khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai bùng nổ (9/1939), thế lực phản động thuộc địa đàn áp cách mạng. Cuộc vận động dân chủ kết thúc, nhưng vẫn có ý nghĩa lịch sử to lớn: Quần chúng được tổ chức, giác ngộ và rèn luyện qua thực tiễn đấu tranh, trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phát triển về số lượng và trưởng thành về ý thức. Đảng thêm trưởng thành một bước về chỉ đạo chiến lược và tích lũy kinh nghiệm quý báu.

Bài học kinh nghiệm của các phong trào: Phong trào dân chủ 1936 - 1939 để lại nhiều bài học về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; kết hợp mục tiêu chiến lược với mục tiêu trước mắt, sử dụng các hình thức đấu tranh… Phong trào dân chủ 1936 - 1939 là một bước chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám sau này.

Bí quyết đạt điểm cao môn Lịch sử: Chia vấn đề, học theo giai đoạn ảnh 4
Click vào ảnh để xem nội dung.

Theo cô Nguyễn Thị Lĩnh, sau khi các em nắm chắc kiến thức cần củng cố thêm bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm.

Câu 1. Nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1936 - 1939 là:

A. Đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai giành độc lập dân tộc.

B. Chống phát xít, chống chiến tranh, chống chế độ phản động thuộc địa.

C. Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày nghèo.

D. Đánh đổ đế quốc Pháp giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho nông dân.

Câu 2. Phương pháp đấu tranh nào sau đây được sử dụng trong thời kì 1936 - 1939 ở Việt Nam?

A. Công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp.

B. Đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.

C. Chuyển từ công khai, hợp pháp sang bí mật.

D. Khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Câu 3. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7/1936 chủ trương thành lập:

A. Mặt trận nhân dân Phản đế Đông Dương.

B. Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh.

C. Mặt trận Dân tộc phản đế Đông Dương.

D. Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương.

Câu 4. Nội dung nào sau đây phản ánh đúng ý nghĩa của phong trào dân chủ 1936 - 1939 đối với cách mạng Việt Nam?

A. Làm lung lay chính quyền của đế quốc, tay sai ở nông thôn.

B. Tập hợp được lực lượng chính trị rộng rãi.

C. Lần đầu tiên hình thành được khối liên minh công nông.

D. Cuộc tập dượt đầu tiên, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám.

Câu 5. Phong trào cách mạng 1930 - 1931 và phong trào dân chủ 1936 - 1939 đều để lại cho Đảng ta bài học kinh nghiệm quý báu về:

A. Xây dựng khối liên minh công nông.

B. Lãnh đạo quần chúng đấu tranh vũ trang.

C. Lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai.

D. Khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Câu hỏi 1, 2 và 3 ở mức độ nhận biết thuộc nội dung chủ trương của Đảng; Câu 4 là câu mức độ 2 (thông hiểu) thuộc phần ý nghĩa đã được nêu trong phần kiến thức cơ bản trên. Câu 5 là câu mức độ 3 (vận dụng thấp), HS cần nắm được kiến thức của cả bài phong trào cách mạng 1930 - 1931 mới trả lời được câu hỏi này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.