Bi hài chuyện chị em mừng hụt vì... que thử thai giả

Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý và có biện pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý “vấn nạn” buôn bán que thử thai giả vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người tiêu dùng.

Bi hài chuyện chị em mừng hụt vì... que thử thai giả

Để tận mục sở thị sự hỗn loạn của thị trường que thử thai giả, PV có nhiều ngày xâm nhập, tìm hiểu tại nhiều nhà thuốc tây trên địa bàn TPHCM. 

Kết quả ghi nhận thực tế của PV cho thấy, trên thị trường hiện nay có một số loại que thử thai thông dụng như: Quickstick, Frer, Clearblue, One step, Answer... 

Tuy nhiên, lợi dụng tính đa dạng của thị trường que thử thai, có không ít người tìm mọi cách lấy các sản phẩm que thử thai giả, nhái, đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam buôn bán, trục lợi.

Bi hài chuyện chị em mừng hụt vì... que thử thai giả - Ảnh 1

Nhiều phụ nữ mừng hụt vì kết quả từ que thử thai giả. Ảnh minh họa

Theo đó, những sản phẩm que thử thai giả, chưa qua kiểm định chất lượng, thường có hiện tượng dương tính hoặc âm tính giả. Điều đáng báo động là các sản phẩm này được trà trộn với những sản phẩm có thương hiệu để bán cho người tiêu dùng nhằm trục lợi. Thực tế này khiến cho người tiêu dùng không thể nào phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.

Theo ghi nhận của PV, nếu que thử thai Quickstick chính hãng có giá từ 17.000 - 20.000 đồng/que thì các sản phẩm giả, nhái chỉ có giá từ 5.000 - 14.000 đồng/que.

Mới đây, ngày 25/3/2015, Thanh tra sở Y tế TPHCM cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 80 triệu đồng đối với ông Bùi Thế Tài (ngụ 6/18B, ấp 6, xã Đông Thạnh, Hóc Môn, TPHCM), về hành vi buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên. Trong đó, chủ yếu là mặt hàng que thử thai Quickstick giả.

Mừng hụt vì... “hai vạch”

Chị Lê Thanh Na (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM), cưới nhau hai năm chưa có con. Sau khi điều trị tại một bệnh viện phụ sản trên địa bàn TPHCM, chị nghi ngờ có thai nên mua que thử thai tại một hiệu thuốc nhỏ gần nhà về thử. 

“Sau khi nhìn thấy hai vạch xuất hiện, tôi reo lên báo tin với chồng là mình đã có thai. Sau đó đi bệnh viện khám thì bác sỹ cho biết, kết quả hai vạch từ que thử thai chưa chính xác. Tôi cảm thấy hụt hẫng và bức xúc vì hám lợi người ta đã sản xuất, kinh doanh que thử thai giả để tôi mừng hụt”.

Sự việc là hồi chuông cảnh báo cho người tiêu dùng về tình trạng hỗn loạn của thị trường que thử thai hiện nay. Không ít nạn nhân của que thử thai giả tỏ ra vô cùng bức xúc và đề nghị cơ quan chức năng cần đưa ra những chế tài xử phạt mạnh tay hơn để ngăn chặn những hậu quả khôn lường có thể xảy ra về sau.

Bác sỹ Hoàng Thị Thu Hà (Khoa Phụ sản bệnh viện 175) cho biết: “Theo quan điểm của tôi, việc phụ nữ thử thai bằng que thử kém chất lượng sẽ cho kết quả không chính xác. 

Chẳng hạn, nếu mình đã có thai nhưng que thử báo kết quả chưa có, họ tin tưởng rằng mình không có thai, cho đến khi thai nhi đã lớn tháng tuổi thì họ mới phát hiện ra. 

Giả sử, họ vỡ kế hoạch và muốn bỏ thai nhi thì không thể được nữa. Hoặc có trường hợp vợ chồng bị hiếm muộn vô sinh, do nghi ngờ có thai, họ mua que thử về thử nhưng kết quả không đúng. Như vậy, họ sẽ mất niềm tin về việc có con tâm lý bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Cũng theo bác sỹ Hà, tốt nhất người sử dụng que thử thai cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, xem xét cẩn thận nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng của nó. 

Que thử thai chỉ là thử qua nước tiểu của phụ nữ nên về cơ bản không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng tâm lý. Họ sẽ rất khó chịu khi kết quả thử thai chưa chính xác.

“Do đó để chắc chắn nhất, khi có những biểu hiện nghi ngờ có thai, phụ nữ nên đến những cơ sở chuyên khoa sản , bệnh viện chuyên về khoa sản để được các bác sỹ thăm khám”, bác sỹ Hà cho biết thêm.

Vị bác sỹ còn đưa quan điểm, thông qua việc siêu âm hình ảnh, xét nghiệm máu định lượng hormone Beta HCG là chất nhau thai tiết ra trong cơ thể mẹ, bác sỹ sẽ có kết luận. 

Lúc đó, kết luận có thai hay không có thai là chính xác và đáng tin cậy nhất. Hiện nay, một số phòng khám sản phụ khoa tư nhân vẫn thực hiện phương pháp thử thai bằng que thử thai. 

Phụ nữ nên chọn các bệnh viện là những cơ sở khám thai đáng tin cậy, và thực hiện đúng chức năng của mình theo quy định của nhà nước.

Ý kiến chuyên gia:

PGS.TS Phan An (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ): Trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng

Việc kinh doanh hàng giả nói chung và que thử thai Quickstick giả nói riêng đã ảnh hưởng không ít tới cuộc sống, tinh thần của người dân. Trước thực trạng nhức nhối này, các cơ quan chức năng đã tốn không ít giấy mực, công sức để xử lý. 

Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng trôi nổi vẫn hoành hành và không ngừng được trà trộn với những sản phẩm có chất lượng, thương hiệu. 

Dẫn đến thực trạng này, tôi cho rằng một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng. Sự thiếu vắng hướng dẫn, kiểm soát lỏng lẻo của cơ quan chức năng dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng tìm mọi cách kinh doanh trục lợi.

Bi hài chuyện chị em mừng hụt vì... que thử thai giả - Ảnh 2

PGS.TS Phan An

Luật sư Hải Dương (Văn phòng Luật sư Chương Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM): Phải chịu trách nhiệm hình sự

Ngoài việc phải chịu phạt tiền như trên, người buôn bán que thử thai giả có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu số lượng hàng giả này tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng (gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng...) hoặc đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi tương tự. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hình phạt tối đa đối với hành vi này là 15 năm tù giam.

Các quy định xử phạt hiện nay đối với hành vi buôn bán hàng giả là chưa có tính răn đe cao. Bởi vì, mức phạt hành chính còn quá thấp so với lợi nhuận của việc buôn bán hàng giả mang lại và chỉ phạt tiền là chưa đủ. 

Như trường hợp của ông Bùi Thế Tài, ông này bị xử phạt 80 triệu đồng nhưng rất có thể ông ta đã kinh doanh loại que thử thai giả này trong một thời gian dài và kiếm được lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. 

Đồng thời, theo tôi, song song với việc phạt tiền, còn cần phải có các chế tài bổ sung như tước giấy phép kinh doanh hoặc buộc tạm dừng kinh doanh một thời gian đối với những trường hợp này thì tính răn đe mới đủ mạnh.

Luật sư Phạm Văn Phúc ((Văn phòng Luật sư Dân Phúc): Quản lý chặt chẽ sản phẩm y tế

Việc buôn bán que thử thai giả có thể không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhưng hậu quả sẽ là rất lớn nếu các cơ sở kinh doanh dược phẩm trà trộn sản phẩm là hàng giả. 

Khi một cơ sở kinh doanh dược phẩm đã có hành vi gian lận đối với que thử thai, thì nhiều khả năng cơ sở này cũng sẽ gian lận đối với các sản phẩm y tế khác. 

Do đó, để ngăn chặn thực trạng này, ngoài việc điều chỉnh chế tài xử phạt theo hướng nặng hơn. Nhà nước cần nâng cao năng lực quản lý, thanh tra kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm y tế nói riêng và toàn bộ các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường nói chung. 

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái đang tràn ngập thị trường, nhưng số trường hợp bị phát hiện và xử lý còn quá ít. Điều này cũng góp phần dẫn đến thái độ bất chấp, coi thường pháp luật của những đối tượng sản xuất buôn bán hàng giả như vậy.

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ