Nhân vật Lệnh phi trong phim Diên Di Công Lược.
Càn Long Hoàng đế và Từ Hy Thái hậu là hai nhân vật nổi tiếng Thanh triều. Danh tiếng của hai đại nhân vật này không chỉ được tạo nên nhờ quyền lực trên vạn người mà còn bởi số tài sản khổng lồ mà họ sở hữu.
Chính vì lý do này, lăng mộ của vua Càn Long và thái hậu Từ Hy đã từng trở thành tiêu điểm đục khoét của giới mộ tặc. Nghiêm trọng hơn cả chính là vụ trộm do Tôn Điện Anh cầm đầu xảy ra vào năm 1928.
Tương truyền rằng, khi Tôn Điện Anh cùng thủ hạ dùng đại pháo phá cửa vào lăng mộ của Càn Long, nhóm người này đã bị cảnh tượng trong đó dọa tới mức “kinh hồn bạt vía”.
Chuyến vơ vét đêm hôm ấy của đám mộ tặc đã mang lại cho bọn chúng khối gia sản kếch xù, nhưng cũng để lại trong tâm trí những kẻ ấy nỗi khiếp đảm và ám ảnh về một “người sống” nằm ngủ trong quan tài đặt tại Dụ Lăng.
“Người sống” ấy được cho là thi thể của mẹ ruột vua Gia Khánh – Hiếu Thuần Nghi Hoàng hậu (Lệnh phi).
Theo lịch sử ghi chép lại, tháng 8/1928, nghe tin lăng mộ tổ tiên bị đào bới, vua Phổ Nghi vô cùng phẫn nộ và lập tức hạ lệnh cho hạ thần xử lý.
Trong số những người tới lăng tẩm của Càn Long xử lý, có đại thần Bảo Hy bấy giờ đang giữ chức Tổng quản phủ Nội vụ.
Trong cuốn “Đông Lăng nhật ký”, Bảo Hy có thuật lại chi tiết kỳ lạ về ngọc thể của Lệnh phi bằng đôi dòng dưới đây:
“[...] Quan tài đặt trên thạch sàng (giường đá) nằm ở giữa gian phòng phía Tây có phát hiện ngọc thể của một vị phi tần.
Ngọc thể may mắn không hề phân hủy, người nằm trong quan tài có nét mặt sang quý, cằm nhiều nếp nhăn, răng chưa rụng hết, tựa như người 50-60 tuổi, xương và da đều còn nguyên vẹn, không chút hư tổn, nụ cười phúc hậu tựa như Bồ Tát.
Đây quả thực là chuyện vô cùng kỳ lạ…”
Trong lăng mộ có tổng cộng 6 ngôi mộ, có người chết và nhập táng trước bà, cũng có người sau bà, có người trẻ hơn có người thì già hơn nhưng tại sao tất cả 5 người khác thì đã hóa thành xương cốt mà duy nhất chỉ có thi hài của Hiếu Thuần Nghi Hoàng hậu sau 153 năm vẫn nguyên vẹn không thối rữa, mặt mũi vẫn như đang sống đến nay vẫn chưa có lời giải thích.
Bên trong Dụ lăng là nơi đặt quan quách của nhà vua cùng các vị phi tần được sủng ái.
Sinh thời, Hiếu Thuần Nghi Hoàng hậu được biết đến với danh phong Lệnh Ý Hoàng quý phi, sử cũ thường gọi là Lệnh phi.
Lệnh phi tên thật là Ngụy Tiểu Ngọc, là một trong những phi tần được Hoàng đế Càn Long sủng ái nhất. Sử cũ ghi rằng, bà vô cùng xinh đẹp, tinh thông cầm kỳ thi họa, lại thấu hiểu lòng người, được nhà vua coi như tri kỷ.
Lệnh phi qua đời vào ngày 29 tháng 1 năm Càn Long thứ 40 (1775), hưởng dương 49 tuổi. Bà được an táng tại “phi viên tẩm” trong Dụ lăng cùng những phi tần từng được Hoàng đế sủng ái nhất lúc sinh thời.
Năm Càn Long thứ 60, Hoàng đế Càn Long phong con ruột của Lệnh phi là Thập ngũ a ca Vĩnh Diễm làm Hoàng Thái tử. Nhà vua cũng phá lệ truy phong Lệnh phi trở thành Hoàng hậu.
Một sự việc đáng kinh ngạc hơn từng xảy ra vào năm 1975 khi cục văn vật quốc gia Trung Quốc bắt đầu tiến hành khai quật Dụ lăng sau 3 lớp cửa đá đầu tiên mở rất dễ dàng thì mọi người cũng không mở nổi cánh cửa thứ 4.
Cuối cùng các nhà khảo cổ đành phải dùng cách mở đỉnh lăng, và điều kinh ngạc tột độ là quan tài của hoàng đế Càn Long lại “tự di chuyển” từ giường đá xuống chặn ngang cửa giống như 60 năm về trước.
Cho đến nay khoa học vẫn chưa có lời giải thích hợp lý cho hiện tượng này.
Có lẽ ở cõi vĩnh hằng vua Càn Long vẫn luôn tìm cách bảo vệ và không cho phép ai kinh động đến giấc ngủ thiên thu của 5 người phụ nữ mà ông rất yêu quý.