Khe Mariana hay còn gọi là vực Mariana hiện là nơi sâu nhất trên thế giới. Nó nằm ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương, ngay bên trên quần đảo Mariana.
Mariana được biết đến với chiều dài khoảng 2550km, rộng 69km nhưng lại sở hữu độ sâu gần 11.000m, lớn hơn nhiều so với Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới.
Nó được tàu Challenger II của Hải quân Hoàng gia Anh khảo sát lần đầu tiên năm 1951 bằng kỹ thuật phản xạ sóng âm, và đo được độ sâu 5.960 sải (10.900m).
Đến năm 1962, tàu hải quân Mỹ lại đưa ra con số 10.915m. Còn Nhật Bản thì sử dụng công nghệ sóng âm phản xạ nhiều tia và đưa ra con số 10.924m ở điểm cực đại.
Dù có nhiều sự khác nhau nhưng với độ sâu xấp xỉ 11.000m của khe vực này, áp suất và nhiệt độ nước sẽ cực kỳ kinh khủng.
Ở đây cũng không hề có chút ánh sáng nào có thể chiếu xuống, bởi vậy lý do vì sao với điều kiện khắc nghiệt như vậy mà sự sống ở đây vẫn phát triển tốt là câu hỏi khiến nhà khoa học đau đầu.
Tàu ngầm thăm dò của Hải quân Mỹ, Bathyscaphe Trieste trưa ngày 23 tháng 1 năm 1960 trước khi lặn xuống.
Trước thế kỷ 19, con người không biết nhiều về đại dương. Những gì mà nhân loại tưởng tượng về biển sâu chỉ là những câu chuyện viễn tưởng về các con quái vật.
Hay về một nền văn minh khác đang tồn tại song song với loài người, trong những tiểu thuyết của nhà văn Jules Verne người Pháp.
Vào thời Victoria ở nước Anh, nhà khoa học Edward Forbes đã thực nghiệm nạo vét biển Aegae và phát hiện ra rằng càng tìm xuống sâu thì càng có ít sinh vật. Ông đã kết luận rằng không có sự sống ở dưới độ sâu quá 550m.
Mặc dù vậy, sau này các nhà khoa học vẫn tìm ra sự sống của rất nhiều sinh vật kỳ lạ như loài mực ống khổng lồ họ Architeuthis. Đã có 4.700 sinh vật mới được phát hiện, trong số đó có nhiều sinh vật sống dưới đáy biển sâu.
Hồi cuối năm 2014, Jeffrey Drazen tại Đại học Hawaii ở Honolulu đã dẫn đầu một cuộc thám hiểm đến khe vực Mariana. Cuộc hành trình này đã khiến cho Drazen hết sức ngạc nhiên khi thấy sự đa dạng sinh học của khe vực này.
Do môi trường ở đáy vực là một bóng tối hoàn toàn nên các loài sinh vật nơi đây đã tiến hóa một cách kì lạ để phù hợp với môi trường sống.
Một số loài có đôi mắt khổng lồ để dễ bắt được ánh sáng. Một số khác không có chức năng của thị giác nhưng lại mạnh về xúc giác để cảm nhận con mồi. Có những loài có khả năng tự phát sáng để thu hút con mồi khác tự tìm đến.
Không có ánh sáng mặt trời cũng cũng khiến cho các loại tảo hoặc cây cỏ không thể phát triển, bởi vậy thức ăn chủ yếu nơi đây dựa vào xác phân hủy của các loài cá, tôm ở các tầng trên trôi xuống.
Tháng 3/2012, đạo diễn nổi tiếng của Avatar, James Cameron đã thực hiện 1 thử thách phi thường: Một mình chinh phục đáy vực sâu nhất thế giới tại rãnh Mariana. Tính cho đến hiện tại, ông vẫn là người duy nhất làm điều này.
Không chỉ có những trải nghiệm ‘không thể tin nổi", James còn ghi hình được rất nhiều loài giáp xác có hình dạng giống tôm, chỉ khác là chúng sở hữu kích thước lớn hơn nhiều so với những sinh vật cùng loại trên mặt biển.
Loài sinh vật xuất hiện nhiều nhất trong đoạn phim của Cameron là loài trùng lỗ, tức là những sinh vật đơn bào khổng lồ.
Các nhà khoa học đều cho rằng sự sống của mọi sinh vật trên trái đất đều bắt nguồn từ sự phát triển và tiến hóa lâu dài từ các sự sống dưới đáy biển.
Bởi vậy các vi khuẩn ở khe vực Mariana có thể sẽ giúp được các nhà khoa học tìm về cội nguồn sự ra đời của loài người.