Bí ẩn bệnh lý của cảm xúc

GD&TĐ - Phức tạp và bí ẩn là các đặc điểm của cảm xúc con người. Buồn hay vui là những trạng thái bình thường diễn ra trong cuộc sống của mỗi cá nhân.

Trầm cảm được ví như là sự chạm đáy của nỗi buồn.
Trầm cảm được ví như là sự chạm đáy của nỗi buồn.

Nhưng khi niềm vui được đẩy lên chạm trần và nỗi buồn bị đẩy xuống chạm đáy thì cảm xúc của con người lại rơi vào trạng thái bệnh lý.

Điển hình bệnh lý của cảm xúc là trầm cảm và hưng cảm. Ngoài ra còn có sự “pha trộn” giữa hai trạng thái bệnh lý này gọi là hưng trầm cảm...

Trầm cảm - sự chạm đáy nỗi buồn

Trầm cảm (depression) có thể được ví như là sự chạm đáy của nỗi buồn. Trạng thái này đưa con người vào một thế giới khác lạ của cảm xúc. Nó mang sắc màu ảm đạm, thiếu sinh khí và ngưng trệ từ tư duy đến hành động.

Trong thực hành hằng ngày của các thầy thuốc chuyên khoa Tâm thần, những người bệnh bị rối loạn cảm xúc dạng trầm cảm chiếm tỉ lệ cao nhất. Do đó trầm cảm chiếm một vị trí quan trọng trong lĩnh vực Tâm thần học. Con người càng bị dồn vào thế cô đơn thì trầm cảm càng có cơ hội để xuất hiện.

Sự phát triển nhanh về mọi mặt của toàn thế giới trong những thập niên gần đây đã cuốn nhiều người vào cơn lốc xoáy của công việc. Sau công việc là trạng thái trống vắng và hụt hẫng. Điều này góp phần đẩy họ chạm đáy nỗi buồn và phát sinh sự rối loạn trầm cảm.

Theo thống kê tại nhiều quốc gia, người mắc bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng, nhất là tại các nước đang phát triển. Tại Pháp, các chuyên gia cảnh báo, có đến 10% dân số đang có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Theo đánh giá chung của Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn cầu tỉ lệ người bệnh mắc bệnh tại một thời điểm khoảng 2 - 5% dân số. Đây quả là một con số không hề nhỏ!

Về mặt lịch sử bệnh, trầm cảm đã được mô tả từ thời Thủy tổ Y học là Hippocrates. Trong học thuyết dịch thể nổi tiếng của ông, thuật ngữ mang ý nghĩa trầm cảm hoặc trầm uất đã đề cập đến.

Trải qua thời gian, các thế hệ chuyên gia lĩnh vực Tâm thần đã đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, phân loại dạng bệnh và đề ra nhiều phương thức điều trị khác nhau từ thuốc men đến các biện pháp tâm lý - xã hội khác. Song đến nay, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực Tâm thần học vẫn thấy mình như đang đứng trước một đại dương bao la.

Trầm cảm được mô tả là “trạng thái giảm khí sắc, giảm năng lượng và giảm hoạt động”. Người bệnh thường có biểu hiện kém hứng thú, tư duy chậm chạp, sắc khí buồn bã, ủ rũ, mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi.

Họ tự đánh giá bản thân là hèn kém, mất tính tự tin. Từ đó giảm mọi hoạt động và ít nói, xuất hiện những cơn hoang tưởng và sự ám ảnh bất lợi cho bản thân cũng như cho những người xung quanh như tự sát hoặc giết người.

Các trường hợp bệnh điển hình có biểu hiện ức chế toàn bộ tâm thần. Do đó, người thân và những người xung quanh luôn phải chú ý đề phòng để kịp thời ngăn chặn hành động tự sát của bệnh nhân hoặc tự bảo vệ mình do những “cơn tâm thần” xảy ra ở bệnh nhân ngoài sự kiểm soát và mong muốn của mọi người, cũng như chính người bệnh.

Trầm cảm là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Những tác động về mặt tâm lý - xã hội là nguyên nhân hàng đầu gây ra rối loạn trầm cảm. Đó là những sang chấn về mặt tâm lý (stress) hoặc sự căng thẳng trong công việc và đời sống.

Nhiều trường hợp mắc do môi trường công việc, môi trường sống khác lạ, chậm hòa nhập, khó thích nghi, sống một mình và ít có sự giao tiếp với người khác.

Một số bệnh lý là nguyên nhân gây ra trầm cảm như chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não, viêm màng não... Hoặc bất kỳ một bệnh nào đó có khả năng làm thay đổi các yếu tố sinh lý, làm cho cơ thể bị suy nhược nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có nguyên nhân mang tính di truyền hoặc các yếu tố mang tính cá nhân như thể trạng, nội sinh và loại hình sinh học...

Trừ yếu tố di truyền và đặc điểm cá nhân không thể thay đổi được, việc “khắc chế” các nguyên nhân nêu trên sẽ giúp cho con người tránh được nguy cơ bị trầm cảm. Chú trọng giáo dục nhân cách trẻ em ngay từ khi còn rất nhỏ, rèn luyện sự thích nghi một cách dễ dàng với các môi trường và hoàn cảnh cũng như công việc.

Quan tâm chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc cộng đồng, nhất là những người neo đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật. Tạo môi trường sinh hoạt, lao động và học tập tươi vui, thân thiện, nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt tránh mọi sự căng thẳng.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Hưng cảm - sự chạm trần niềm vui

Nếu như trầm cảm được ví là sự chạm đáy nỗi buồn, thì hưng cảm (mania) cũng có thể được xem như là sự chạm trần niềm vui. Trong cuộc sống, cái gì thái quá cũng hóa nên... buồn!

Trái ngược với trạng thái người bị trầm cảm, người hưng cảm trông có vẻ năng động, yêu đời và yêu người hơn. Hưng cảm được mô tả là “trạng thái hưng phấn tâm lý vận động quá mức”.

Chính sự hưng phấn tâm lý vận động quá mức này mà người bệnh có những biểu hiện bất bình thường như thức dậy rất sớm, quét dọn, giặt giũ, nói to, hát hò, đọc thơ. Thậm chí người mắc bệnh này còn thúc giục mọi người dậy sớm để đi học, đi làm...

Khi người bệnh nói hát hoặc kể chuyện thì thường giành hết phần của người khác. Và kỳ lạ là nhiều trường hợp lao vào công việc không biết mệt mỏi và chia sẻ với mọi người những điều mà không cần biết người ta có thích sự chia sẻ đó hay không.

Người mắc bệnh hưng cảm luôn nhìn đời tươi vui dưới lăng kính màu hồng. Họ dường như lúc nào cũng lạc quan hết mức, yêu hết mọi người và cũng ngỡ là mọi người đang yêu mình lắm thay.

Một số có biểu hiện ăn mặc sao cho thật nổi với những màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng khác lạ. Một số khác thường có sự ham muốn và đòi hỏi quá mức về chuyện phòng the nên đâm ra bừa bãi trong “sinh hoạt”. Vì vậy kém an toàn và dễ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Người bị hưng cảm thường ngộ nhận về khả năng và tài năng của chính bản thân mình nên thường bốc đồng, tự cho mình hơn đời, hơn người, tiền của “đông như quân Nguyên”, ngỡ mình có khả năng “thâu tóm” được thiên hạ và lập ra những kế hoạch mang tính hoang tưởng, thiếu thực tế.

Họ cũng thích xen vào chuyện của người khác, nhiều khi có biểu hiện suồng sã hoặc thô lỗ gây khó chịu cho mọi người. Những hoạt động liên tục, thậm chí bất chấp cả hiểm nguy của người bị hưng cảm khiến cho cơ thể dễ bị kiệt sức do sự tiêu tốn quá nhiền năng lượng. Tự cho mình sức khỏe vô địch nên người bị hưng cảm cũng thường phủ nhận những bệnh tật khác của cơ thể và thường không chịu đi khám bệnh, làm các xét nghiệm hoặc   uống thuốc.

Nguyên nhân gây ra rối loạn hưng cảm mang tính nội sinh ở một người bệnh có nền bệnh tâm thần kinh dưới dạng loạn thần chu kỳ hưng trầm cảm. Ngày nay, ngày càng nhiều người nghiện ma túy, hàng đá... cũng thường xuất hiện những cơn loạn thần dạng hưng cảm.

Theo các báo cáo chuyên môn, đã có những trường hợp bị “phê” hàng đá nên cứ ngỡ mình là Hoàng Đế và người thân xung quanh đều là người hầu phục vụ. Một số loại thuốc điều trị các bệnh lý ác tính, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc kháng viêm steroid cũng có thể gây tác dụng phụ là hưng cảm.

Hiện nay, nhờ chế tạo ra các loại các loại thuốc mới, hiệu quả cao, vừa có tác dụng an thần, vừa điều chỉnh khí sắc, nên người mắc bệnh hưng cảm có thể được điều trị tốt sau khoảng 1 - 2 tháng dùng thuốc. Họ cũng cần điều trị dự phòng sau đó để tránh bệnh tái phát sau này.

Hưng trầm cảm - Sự chạm trần xen chạm đáy

Hưng trầm cảm còn có tên chuyên môn khác là rối loạn lưỡng cực. Có thể ví rối loạn lưỡng cực là tình trạng chạm trần xen... chạm đáy. Người bệnh mắc bệnh tâm thần ở dạng vừa bị hưng cảm vừa bị trầm cảm.

Chúng đan xen nhau như là những phân khúc trên một dòng nhạc bổng  - trầm, buồns- vui trộn lẫn. Các giai đoạn hưng cảm có thể nhẹ hơn xen kẽ với các giai đoạn trầm cảm nặng.

Do đó việc phát hiện sớm các biểu hiện hưng cảm cho dù được cho là “nhẹ” cũng rất quan trọng trong việc chẩn đoán xác định và điều trị cho bệnh nhân bị chứng tâm thần dạng rối loạn lưỡng cực.

Rối loạn lưỡng cực được định nghĩa là: Rối loạn cảm xúc mạn tính được đặc trưng bởi sự tái diễn xen kẽ hoặc kết hợp giữa các giai đoạn rối loạn khí sắc nặng ở hai cực hoàn toàn trái ngược: Hưng cảm và trầm cảm.

Có 3 nhóm nguyên nhân góp phần tạo ra trạng thái rối loạn lưỡng cực gồm: Yếu tố di truyền, các bất thường về mặc sinh học tại não bộ và các yếu tố mang tính tâm lý - xã hội.

Một điều cần lưu ý là trong khi đang dùng thuốc điều trị chống trầm cảm cho người bị rối loạn lưỡng cực, có thể xuất hiện ở họ những biểu hiện của sự rối loạn hưng cảm. Nguyên nhân vì sao cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ rệt.

Các nghiên cứu cho thấy những trường hợp xảy ra rối loạn chu kỳ nhanh hoặc giai đoạn hỗn hợp sẽ dễ chuyển đổi trạng thái cảm xúc khi đang sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Các nhà chuyên môn khuyên rằng: “Việc thăm khám cẩn thận những triệu chứng hưng cảm cần được làm kỹ lưỡng trước khi điều trị chống trầm cảm trên bệnh nhân rối loạn lưỡng cực giai đoạn trầm cảm”.

Vì rối loạn lưỡng cực là một bệnh mạn tính nên cần phải có một kế hoạch điều trị toàn diện và lâu dài nhằm ngăn ngừa sự tái phát để bệnh nhân, nhất là những người trẻ tuổi được sống hòa nhập với cộng đồng.

Đó cũng chính là cách góp phần ngăn chặn sự tái phát. Việc điều trị bằng thuốc cần được kết hợp với các biện pháp tâm lý để đem lại cho bệnh nhân một kết quả tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...