Những nghịch lý
Cụ thể, Báo cáo Phát triển của Bhutan do WB công bố cho biết, chi tiêu của chính phủ cho giáo dục đã tăng từ 5,1% GDP năm 2013 lên 6,7% trong năm 2016. Báo cáo chỉ ra rằng chi tiêu của Bhutan cho giáo dục cao hơn các nước láng giềng trong vốn nhân lực.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có học thức (có bằng cử nhân) lại rất cao, ở mức 67% năm 2016, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung của thanh niên cả nước lại chỉ là 13,2%. Khu vực công của Bhutan cung cấp khoảng 20% tổng số việc làm, được bảo đảm với lợi ích tiền tệ và phi tiền tệ tốt hơn so với khu vực tư nhân.
Báo cáo cho biết, trong khi thủy điện sẽ vẫn chiếm ưu thế trong tương lai gần, quá trình chuyển đổi nhân khẩu học của Bhutan đòi hỏi nhiều nỗ lực phối hợp hơn để phát triển khu vực tư nhân ở vương quốc Nam Á này.
Ngay cả trong một kịch bản thiếu tin tưởng nhất, WB tuyên bố rằng sản lượng thủy điện của Bhutan có khả năng tăng gấp ba lần, từ 1.606 MW năm 2017 lên 5.300 MW vào năm 2023. Đồng thời, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động được dự đoán sẽ tăng từ 65% vào năm 2010 lên 71% vào năm 2025. Nói cách khác, khoảng 8.000 người sẽ tham gia vào thị trường lao động mỗi năm và hầu hết trong số họ sẽ được giáo dục tốt hơn hơn thế hệ trước.
Vì vậy, điều quan trọng là tạo ra việc làm chất lượng tốt cho dân số trong độ tuổi lao động, để đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện trong tương lai, báo cáo của WB nêu rõ.
Ngành thủy điện, thường có tính chất thâm dụng vốn, chỉ sử dụng 0,8% lực lượng lao động, đồng thời lại có xu hướng sử dụng rộng rãi lao động nước ngoài trong xây dựng các công trình. Cơ cấu việc làm vẫn áp đảo ở lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 70% số việc làm trong khu vực tư nhân. Điều này, theo WB, phản ánh tình trạng thiếu cơ hội việc làm cho giới trẻ ở Bhutan, nhất là giới trẻ có học thức.
|
Nguyên nhân từ điều kiện xã hội
Vốn nhân lực của vương quốc này cũng được đánh giá dựa trên sự đóng góp của y tế và giáo dục vào năng suất của thế hệ công nhân tiếp theo. Theo các thông số của Chỉ số vốn nhân lực do WB cung cấp, cả hai chỉ số giáo dục và y tế đều được quan tâm cải thiện (ít nhất là đã có nhiều đề xuất được đưa ra), tuy nhiên, do hạn chế về dữ liệu, xếp hạng của Bhutan không được đánh giá trong lĩnh vực này.
Báo cáo nói rằng trong hai thập kỷ qua, Bhutan đã đạt được những cải thiện đáng chú ý về sức khỏe, nhưng vẫn còn những thách thức quan trọng. Mặc dù kết quả về sức khỏe và dinh dưỡng của Bhutan đứng trong nhóm đầu ở Nam Á, nhưng vẫn tồn tại sự chênh lệch. Ví dụ, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi khu vực phía Đông cao hơn khu vực phía Tây và trung tâm đất nước; tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi khu vực nông thôn cao gấp đôi so với khu vực thành thị. Tỷ lệ thấp còi vẫn còn cao.
Khi đất nước phát triển, những thay đổi đáng kể trong lối sống đang xảy ra, dẫn đến sự xuất hiện của những thách thức mới đối với sức khỏe. Các bệnh không lây nhiễm (NCD) đang gia tăng và chiếm hơn 70% gánh nặng bệnh tật được báo cáo. Đây là một rủi ro đáng kể cho sức khỏe của mọi người trong những năm lao động của họ. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm nghiện rượu và tự tử đang gia tăng, do những thay đổi văn hóa xã hội, đô thị hóa ngày càng tăng, di cư và thất nghiệp.
WB tuyên bố rằng, chi tiêu công cho y tế ở Bhutan trong giai đoạn 2013 - 2016 vẫn ở mức khoảng 2,7% GDP; chủ yếu tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Ba chỉ số phụ (xác suất sống sót đến 5 tuổi, năm học dự kiến và tỷ lệ sống sót của người trưởng thành) cho thấy; Bhutan nằm trong nhóm thứ tư và một chỉ số phụ khác (tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi không thấp còi) gần với nhóm thứ tư.
Theo báo cáo, những năm đi học dự kiến của người dân ở Bhutan, những người đã hoàn thành 9,4 năm học ở tuổi 18, thấp hơn so với những gì họ mong đợi về mức thu nhập. Điều này đã được phản ánh trong tỷ lệ vào đại học ở vương quốc này kém xa so với các nước láng giềng. Tính đến năm 2016, có tới 63% lực lượng lao động của Bhutan thiếu vắng giáo dục chính quy và chỉ 5% hoàn thành một số hình thức giáo dục đại học.
WB cũng nhận thấy rằng, Bhutan không có chính sách toàn diện để xử lý vốn nhân lực, sự tham gia hạn chế của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục và y tế, ít có sự hợp tác giữa khu vực tư nhân với các trường cao đẳng, đại học.