Cuộc thi Hùng biện Socrates là chương trình được tổ chức thường niên tại trường ĐH Luật Hà Nội, quy tụ rất nhiều sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
Sau vòng bán kết, 8 bạn trẻ xuất sắc đến từ các trường đại học: ĐH Luật Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Lao động và Xã hội... đã bước vào chung kết tối qua (19/4) với những màn tranh luận hết sức căng thẳng, nảy lửa.
Vòng chung kết được chia thành 2 phần thi: Hùng biện đối kháng (4 cặp tranh tài thể hiện ý kiến ở hai quan điểm: Ủng hộ và Phản đối chủ đề được đưa ra) và Hùng biện đỉnh cao (trình bày quan điểm trước vấn đề ban giám khảo đưa ra).
Ở phần thi đầu tiên, 4 cặp đôi lần lượt tranh tài ở các chủ đề hay và gần gũi và nóng bỏng của xã hội: Di chuyển các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội thành các thành phố lớn; Công khai danh tính người mua, bán dâm; Truyền thông đang nghĩ thay cho giới trẻ và Không xét xử lưu động các vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt, chủ đề “nhạy cảm”: Công khai danh tính người mua – bán dâm đã được cặp đôi Như Quỳnh và Bùi Văn Trường thể hiện những góc nhìn, quan điểm sắc sảo.
Như Quỳnh giành giải Quán quân cuộc thi hùng biện Socrates 2016.
Với Như Quỳnh, mại dâm đang là vấn nạn của xã hội Việt Nam vì đang ngày càng hoạt động tinh vi, mất kiểm soát và mang lại nhiều hệ lụy cho xã hội: bệnh tật (trong đó có HIV), tệ nạn xã hội (ma túy, buôn người…). Việc công khai danh tính người mua – bán dâm sẽ góp phần đẩy lùi được tình trạng này.
“Thực tế đã chứng minh rất nhiều cô gái bán dâm bị bắt vẫn tiếp tục hành nghề, nhiều người mua dâm bị bắt vài lần vẫn ngựa quen đường cũ, cho thấy những chế tài vẫn chưa đủ mạnh, vì chưa đánh vào nỗi sợ lớn nhất của họ: danh dự, xấu hổ với người xung quanh”.
Bên cạnh đó, theo Như Quỳnh, công khai danh tính là cách để bảo vệ cộng đồng, giúp cho người thân của đối tượng mua - bán dâm có thể tránh khỏi các bệnh tật lây nhiễm. “Liệu rằng chúng ta có nên vì bảo vệ bí mật riêng tư của một ai đó mà tước đi quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng người thân họ hay không?”
Ngoài việc coi trọng danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của mỗi cá nhân, Bùi Văn Trường còn đề cao cảm xúc của người thân đối tượng mua bán dâm (từ đau khổ, dẫn đến nhiều bi kịch trong gia đình). Trong khi những người mua – bán dâm lại coi thường danh dự bản thân nên không có hiệu quả răn đe nếu công khai danh tính.
Song Như Quỳnh đã chứng minh việc công khai đã mang lại hiệu quả bằng các số liệu cụ thể, xác đáng: Năm 1999, nước Thụy Điển từng đưa ra một chính sách mới – đánh vào người mua dâm.
Họ tăng hình phạt từ tiền sang tù, cảnh sát công khai danh tính người mua dâm ở nơi công cộng. Sau 10 năm, số gái mại dâm 3000 (1995) giảm xuống 600 (2005). Tỉ lệ nam giới đi mua dâm đã giảm từ 15% xuống 6% (2008).
Khẳng định giá trị phim Hậu duệ mặt trời và giành giải nhất cuộc thi
Sau 4 màn hùng biện đối kháng, 5 thí sinh xuất sắc đã được lựa chọn để tiếp tục tranh tài ở vòng Hùng biện đỉnh cao: Bùi Văn Trường, Việt Trinh, Hoàng Tuyết Mai, Nguyễn Phú Sơn, Như Quỳnh.
Mặc dù thể hiện tốt ở vòng đối kháng, nhưng 4 thí sinh: Việt Trinh, Văn Trường, Tuyết Mai và Phú Sơn lại không thành công ở phần này, trong khi các câu hỏi ban giám khảo đưa ra rất thú vị về sự bùng nổ, “chết đuối” trong thông tin nhưng đói khát về trí tuệ, Quyền được hát của Lệ Rơi (nói riêng) và mọi người nói chung; vấn đề khởi nghiệp (startup) trong giới trẻ; và mệnh đề về những người ngụy biện - Những người ngụy biện là những người có đôi chân rất tốt, nhưng họ chẳng bao giờ học cách bước lên phía trước.
Là thí sinh có ít ưu thế hơn nhưng Như Quỳnh (trường ĐH Kinh tế Quốc dân) lại giành chiến thắng với việc thể hiện tài tình quan điểm của mình trước vấn đề được giám khảo đưa ra: “Có hai từ khóa rất là “hot” ở trên báo chí mảng văn hóa – giải trí trong suốt 1 tháng qua là Hậu duệ mặt trời và Thượng ẩn. Nếu có một nhận định nói rằng, nhập chiếu ồ ạt những phim truyền hình ngoại quốc như Hậu duệ mặt trời và Thượng ẩn là một cách đầu độc văn hóa giới trẻ Việt Nam thì bạn có suy nghĩ thế nào?”.
Theo Quỳnh, ngày nay là thời buổi bùng nổ thông tin, sẽ thật khó để có thể kiểm duyệt hết được thông tin, phim ảnh, như Hậu huệ mặt trời, Thượng ẩn. Chưa kể, những bộ phim đó được chào đón không phải vì nó được chiếu trên sóng truyền hình quốc gia, mà bởi vì các bạn trẻ tự do xem trên mạng.
“Không phải nghiễm nhiên mà những bộ phim như thế được giới trẻ đón nhận nhiệt tình. Chắc chắn nó phải có điểm hay riêng. Ở Hậu duệ mặt trời là tính nhân văn, còn ở Thượng ẩn là sự ca ngợi tình yêu chân chính – dù đồng giới, cũng đáng để chúng ta trân trọng.
Vậy vấn đề không nằm ở việc chúng ta nên kiểm duyệt thông tin như thế nào vì cho dù có cấm, tự khắc người ta cũng tìm đến thông tin đó nếu nó thu hút”.
Điểm mấu chốt Quỳnh khẳng định là dạy cho giới trẻ biết cách thanh lọc thông tin, học được cái hay, tốt về thông tin, bộ phim đó, bài trừ đi những cái xấu. “Sự thực chúng ta không thể kiểm soát thông tin của từng người nhưng thông qua việc giáo dục, chúng ta có thể làm cho họ tự thanh lọc, tổng hợp những giá trị hay, đúng đắn”.
Quỳnh cũng phủ nhận nhận định nhiều người cho rằng qua phim Hậu duệ Mặt trời, giới trẻ trở nên cuồng Hàn Quốc và không nhớ về lịch sử dân tộc. “Nếu từ bé chúng ta đã dạy cho con cháu yêu lịch sử dân tộc từ quá khứ hào hùng, câu chuyện cha anh, về lòng yêu nước, yêu quê hương thì có sợ gì không, nếu giới trẻ chỉ xem một bộ phim? Không, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đã dạy gì từ việc tổng hợp đó”.
Theo Quỳnh, thông tin đến với mỗi người quá nhiều. “Ai trong chúng ta cũng có quyền lựa chọn những bộ phim cho riêng mình, vì vậy, thay từ việc đào thải những thứ mà bị cho rằng không nên chiếu, thì nên biết cách tìm ra được cái hay từ bộ phim đó.
Hãy dạy cho nhau biết cách bài trừ những cái xấu chứ không phải ngăn cản nó. Hãy cho người ta biết cách chọn lựa những điều tốt nhất giữa nhiều điều tốt, điều xấu chứ không phải cố gắng để tìm cách thanh lọc các việc xấu”.
Với sự bùng nổ đúng lúc trong bài hùng biện quyết định này, nữ sinh Phan Như Quỳnh đã xuất sắc giành giải cao nhất của cuộc thi Hùng biện Socrates tại ĐH Luật Hà Nội.