“Thường trú” ở bệnh viện
Linh Thị Hồng, người Sán Dìu là học sinh lớp 4A2 Trường Tiểu học Ngọc Thanh C (xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Câu chuyện dùng chân viết chữ của em khiến không ít người thán phục. Hồng là tấm gương điển hình, vượt qua nghịch cảnh cuộc sống để vươn lên trong học tập với mong muốn trở thành người có ích cho xã hội.
Linh Thị Hồng sinh năm 2007 trong gia đình nông dân tại thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên. Lập Đinh - nơi sinh của Hồng, trước đây vốn rất nghèo. Cả thôn được bao bọc bởi núi đồi. Tiếng là xã trong thành phố nhưng nơi đây ruộng ít, đất thì sỏi đá khô cằn. Vài năm trở lại đây, khi xã Ngọc Thanh phát triển mô hình du lịch sinh thái, cùng với việc đầu tư của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, công việc của người dân trong vùng có thuận lợi hơn, đời sống cũng dần ổn định và bắt đầu khấm khá.
Nói vậy để thấy, việc lo cái ăn, cái mặc của người dân nơi đây nhiều năm về trước vẫn là một gánh nặng. Và, việc đến trường của các em học sinh người đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn.
Riêng với Hồng, con đường đến trường lại càng khó hơn. Hồng vốn là đứa trẻ sinh non. Lúc chào đời em chỉ nặng khoảng 1,5kg. Không những vậy, em còn khuyết tật cả đôi tay. Cơ thể yếu ớt lại trải qua 4 lần phẫu thuật đại tràng khiến thể lực em thêm phần suy kiệt.
Anh Linh Văn Ba – bố em cho biết, Hồng bị bệnh về tiêu hóa, có năm phải mổ 4 lần. Năm 2015, khi ấy Hồng 8 tuổi, “địa chỉ thường trú” của 2 bố con là Bệnh viện Nhi Trung ương. Nằm viện lâu, các bác sĩ động viên tôi đưa cháu xuống lớp trẻ của bệnh viện để chơi cho đỡ chán. Ở đó có nhiều đồ chơi, sách truyện, lúc này Hồng đã tỏ ra rất thích thú.
Đến khi em trai thứ hai của Hồng chuẩn bị vào lớp 1, thấy bố mẹ kèm em tập tô chữ, Hồng đòi bố mẹ cho học cùng. Năm học 2017 - 2018, Hồng 10 tuổi và em được vào học tại lớp 1 tại Trường Tiểu học Ngọc Thanh C.
Khó khăn nhất với Hồng và cả nhà trường lúc em mới nhập học là em viết chữ bằng chân, bàn ghế không phù hợp cho em ngồi học. Tính đi tính lai, cuối cùng phương án được đưa ra là Hồng được mang theo chiếu và ngồi ngay phía dưới bục giảng.
Được thỏa ước mong và cảm nhận rõ sự yêu thương của bố mẹ, thầy, cô giáo, Hồng càng nỗ lực học tập. Dù trên lớp hay ở nhà, em đều kiên trì rèn luyện cách viết chữ bằng chân. Khi nét viết sai hoặc chưa đẹp, Hồng tự sửa lại nhiều lần đến khi được mới thôi, bất chấp bàn chân mỏi nhức, đau đớn vì quặp bút lâu.
Vẽ tranh, may vá bằng… chân
Ở trường, Hồng nhanh chóng hòa nhập với các bạn. Em luôn hòa đồng, vui vẻ và nhiệt tình hướng dẫn các bạn làm những bài tập khó. Ngược lại, các bạn cũng luôn yêu mến, hỗ trợ, giúp đỡ Hồng trải chiếu trước khi vào lớp, cất chiếu sau mỗi buổi học, quàng khăn đỏ…
Hồng cũng tự giác làm đầy đủ các bài tập mà thầy, cô giáo giao. Không chỉ vậy, Hồng còn dùng chân để vẽ tranh rất đẹp và may vá, làm đồ thủ công khéo léo. Có thời gian rảnh, Hồng thường vẽ tranh và tự may quần áo cho búp bê để giải trí.
Hồng tâm sự: “Mặc dù bị khuyết tật đôi tay nhưng con luôn muốn làm được mọi thứ như người bình thường. Vì vậy, con sẽ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vất vả, vươn lên học tập, trở thành người có ích cho xã hội...”.
Còn anh Linh Văn Ba, 4 năm qua, dù nắng hay mưa anh vẫn ngày ngày đưa con đến lớp. Anh tâm sự: Năm nay sức khỏe của Hồng đã ổn định. Cháu khỏe và lớn hơn hẳn so với mọi năm. Trong quá trình học tập hay sinh hoạt hằng ngày, cháu luôn tự giác khiến gia đình rất yên tâm. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cháu Hồng phải học trực tuyến ở nhà. Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ của gia đình, cháu vẫn hoàn thành tốt chương trình học tập của nhà trường.
Nói về tương lai của Hồng, anh Ba cho biết thêm: Hiện, cháu còn nhỏ nên cũng chưa có định hướng cụ thể về nghề nghiệp sau này. Gia đình chỉ động viên cháu tiếp tục cố gắng trong học tập. Nếu cháu đi học tiếp thì lên cấp 2 cháu sẽ vào học tại Trường THCS Ngọc Thanh A, rồi tùy vào điều kiện thực tế sẽ có hướng cho cháu sau.
Thấu hiểu nỗi vất vả của Hồng và gia đình, Trường Tiểu học Ngọc Thanh C luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để giúp đỡ em trong học tập và cuộc sống.
Cô Đỗ Thị Thanh Vân – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Em Linh Thị Hồng là học sinh khuyết tật, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Ngoài hưởng chính sách hỗ trợ của người khuyết tật thì ở trường em không phải đóng bất kỳ khoản tiền nào. Hằng năm, sách giáo khoa và đồ dùng học tập của Hồng đều được nhà trường tài trợ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ để gia đình có điều kiện tốt hơn lo cho tương lai của Hồng.
Đến nay, gia đình ông Bùi Quang Ngọc đã nhận hỗ trợ em Hồng mỗi một năm là 5 triệu đồng. Cùng với đó, Quỹ Nồi cháo nhân ái tại Vĩnh Phúc cũng hỗ trợ em Hồng mỗi năm 5 triệu đồng được chia làm 2 kỳ/năm và hứa hỗ trợ em đến khi em không đi học nữa mới thôi.
Với nỗ lực của Hồng cùng sự giúp sức của gia đình, nhà trường và các nhà hảo tâm, Hồng là học sinh duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc được tham dự Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức.