Bệnh nhân sốt xuất huyết, nguy cơ cao khi bù dịch sai liều

GD&TĐ -Người mắc sốt xuất huyết (SXH) có thể bù dịch bằng dung dịch oresol theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Tính từ đầu năm đến ngày 9/9, Hà Nội ghi nhận 2.263 ca mắc SXH.
Tính từ đầu năm đến ngày 9/9, Hà Nội ghi nhận 2.263 ca mắc SXH.

Tuy nhiên, việc dùng sai liều lượng có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải do hàm lượng muối vào máu tăng cao. Từ đó, dẫn đến hôn mê, co giật, tổn thương não nếu không được xử trí kịp thời.

Hà Nội có 3 ca tử vong do SXH

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 9/9, toàn thành phố ghi nhận 2.263 ca mắc SXH (tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021) với 240 ổ dịch tại 27 quận, huyện. Trong đó, có 3 trường hợp tử vong tại 3 quận, huyện: Long Biên, Đan Phượng và Thanh Trì.

Số ca mắc đang tăng nhanh theo từng tuần. Tính từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, số ca mắc SXH tăng khoảng 20%/tuần đến hơn 46%/tuần. Một số quận, huyện có tỷ lệ mắc SXH cao gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai…

Kết quả giám sát nhiều nơi cho thấy, chỉ số truyền bệnh SXH cao vượt ngưỡng, ở mức nguy cơ bùng phát dịch. Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, virus gây bệnh SXH có 4 chủng khác nhau, là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Hà Nội đã phát hiện ra 3 chủng virus gây bệnh trên địa bàn thành phố trong năm 2022 là Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng đó.

Theo CDC Hà Nội, 3 ca mắc SXH tử vong từ đầu năm đến nay đều được phát hiện bệnh muộn. Ngoài ra, cả 3 trường hợp trên có các bệnh lý nền tương đối nặng như: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Lưu ý khi điều trị tại nhà

Để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bùng phát trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC thành phố bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh SXH tại các quận, huyện, thị xã. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, đội xung kích kỹ năng giám sát dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật... Đối với các bệnh viện, cần tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị. Tránh tình trạng bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.

Bác sĩ Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC - cho biết, bệnh SXH được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Tuy ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định theo dõi tại nhà, nhưng vẫn cần lưu ý tái khám.

Nhờ đó, được chỉ định làm các xét nghiệm theo dõi tiến triển bệnh. SXH có những dấu hiệu trở nặng như hiện tượng xuất huyết, chảy máu răng, mũi, nôn ói, đau bụng nhiều… Khi đó, bệnh nhân cần nhập viện ngay lập tức.

Trong trường hợp được chỉ định điều trị tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ một số nguyên tắc. Trong đó, bao gồm nằm nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh.

Ăn thực phẩm dễ tiêu hóa như súp, cháo, sữa. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, chất kích thích, nước uống có ga. Đồng thời, tránh các thức ăn, nước uống có màu đỏ sẫm như củ dền, dưa hấu, huyết (bò, gà, heo…) để hạn chế nhầm lẫn với hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa.

Nếu sốt cao từ 39 độ C trở lên, bệnh nhân có thể dùng Paracetamol để hạ sốt. Tuyệt đối không dùng Aspirin hoặc Ibuprofen vì có nguy cơ gây chảy máu. Bệnh nhân cần lưu ý bù dịch đúng cách. SXH gây thoát huyết tương. Huyết tương thoát ra quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng sốc.

Do đó, cần phải bù dịch ngay tại nhà bằng đường uống để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra. Bệnh nhân có thể cung cấp thêm nước như nước sôi để nguội, nước trái cây như: Dừa, cam, chanh… Ngoài ra, có thể bù dịch bằng dung dịch oresol theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Việc dùng sai liều lượng có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải do hàm lượng muối vào máu tăng cao. Từ đó, dẫn đến hôn mê, co giật, tổn thương não nếu không được xử trí kịp thời.

“Khi điều trị tại nhà, người bệnh tuyệt đối không tự ý truyền dịch nếu không có chỉ định của bác sĩ, bởi có nguy cơ dẫn đến phù nề, suy hô hấp, sốc dị ứng”, bác sĩ Tùng khuyến cáo. Bên cạnh đó, cần lưu ý mắc màn để tránh bị muỗi đốt làm lây lan dịch bệnh. Người bệnh cũng cần theo dõi liên tục, đi xét nghiệm lại theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu có dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế kịp thời.

Nhiều người khi mắc SXH lầm tưởng rằng hết sốt là khỏi bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Tùng cảnh báo, sau khi sốt cao mới chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Đây là thời điểm người mắc cần kiểm soát bệnh chặt chẽ. Bệnh có thể tiến triển nặng, dẫn đến tình trạng xuất huyết ở các cơ quan. Nếu có bất kỳ bất thường nào, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ