Bệnh nhân sốt xuất huyết nguy kịch vì tự mua thuốc điều trị

GD&TĐ -Gần đây một số cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện sốt xuất huyết (SXH) trong tình trạng nặng.

Bệnh nhân sốc SXH điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Bệnh nhân sốc SXH điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân do bệnh nhân mắc SXH tự mua thuốc uống ở nhà, đến khi trở nặng mới vào bệnh viện điều trị.

Hệ luỵ khôn lường

Các cơ sở y tế ở một số tỉnh thành phía Nam thời gian qua đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH tự ý điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào viện, đã ở trong tình trạng sốc, tổn thương đa cơ quan, tràn dịch màng phổi, ngưng thở... Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực, thậm chí có trường hợp đã phải can thiệp ECMO mới qua nguy kịch.

Theo TS. BS Nguyễn Văn Hảo - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, mỗi ngày trung bình bệnh viện tiếp nhận 1 đến 2 bệnh nhân SXH nặng. Đa số các ca bệnh nặng điều trị tại bệnh viện đều tự mua thuốc uống ở nhà. Đến khi trở nặng mới vào bệnh viện điều trị.

Nếu như những năm trước, sốc SXH thường xuất hiện ở trẻ em trong bệnh cảnh thoát huyết tương thì thời gian gần đây, độ tuổi mắc SXH ở người lớn ngày càng tăng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 25 - 30, người lớn chiếm 60%, còn lại là trẻ em.

“Gần đây, Khoa Hồi sức tích cực chống độc từng điều trị cho một nam bệnh nhân (34 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng sốc SXH nặng, tổn thương gan và thận. Trước khi nhập viện tại tuyến y tế tỉnh, bệnh nhân bị sốt 5 ngày nhưng chỉ mua thuốc tự uống.

Sau khi bệnh nhân phát hiện có dấu hiệu chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết bất thường mới nhập viện địa phương điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán SXH, các bác sĩ xử lý chống sốc nhưng tình trạng diễn tiến nặng tổn thương gan, xuất huyết nặng hơn nên bệnh viện địa phương đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cấp cứu”, bác sĩ Hảo cho hay.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Phó khoa Nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), nếu như các ca bệnh SXH nặng tập trung vào tháng 3 và 4 chiếm tỷ lệ 10 - 15% thì tính đến cuối tháng 8/2022, con số này đã tăng lên 20 - 25%.

Trước đây, bệnh SXH nhập viện phần lớn là các trẻ nhỏ, nhưng hiện bệnh viện đang ghi nhận điều trị cho nhiều trường hợp trẻ từ 8 - 15 tuổi. Đặc biệt, các trường hợp nhập viện nặng thường tập trung ở nhóm trẻ bị thừa cân, béo phì, cùng với việc từng nhiễm Covid-19, khả năng cao gây ra tình trạng rối loạn miễn dịch, làm bệnh trở nặng nghiêm trọng hơn.

Trước số ca SXH nặng tăng nhanh và tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước đó, các bác sĩ cho biết nguyên nhân có thể do đặc tính của chủng virus Dengue gây bệnh năm nay, cũng như người mắc SXH từng mắc Covid-19 nên có sự thay đổi về miễn dịch, ảnh hưởng đến diễn tiến của bệnh. Ngoài ra, một số bệnh viện tuyến cuối chuyên tiếp nhận các ca mắc SXH cũng đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc, thiếu nguồn nhân lực nên ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Không chủ quan

Theo số liệu từ Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 190.000 ca mắc SXH và 72 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 4 lần và tử vong do SXH tăng 53 trường hợp. Chỉ riêng tại TPHCM, từ đầu năm 2022 đến nay đã ghi nhận 54.026 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 536,7% với cùng kỳ năm 2021 là 8.485 ca. Số ca SXH nặng là 1.128 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc SXH là 2,09% (1.128/54.026), cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,58% (49/8.485).

Về dấu hiệu nhận biết SXH nặng, bác sĩ Nguyễn Văn Hảo chỉ rõ, thông thường người bệnh tự đến bệnh viện cấp cứu khi xuất hiện tình trạng chảy máu, xuất huyết bất thường, mệt mỏi, huyết áp giảm... Sau khi được xác định sốt xuất huyết, bệnh nhân chuyển đến các khoa điều trị, ca nặng sẽ được đưa đến hồi sức tích cực. Đa số các ca vào hồi sức thường sốc kéo dài, tái sốc nhiều lần, xuất huyết nặng, tổn thương gan, thận, suy hô hấp nặng.

Theo TS.DS Tạ Thanh Sơn, Viện Công nghệ Dược sinh học, Đại học Marburg của Đức, SXH thường tự hết mà không có biến chứng. Hầu hết, bệnh nhân hồi phục trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, tình trạng kiệt sức có thể kéo dài trong vài tuần.

Đối với bệnh nhân không uống đủ nước hoặc dưới 15 tuổi có nhiều nguy cơ bị biến chứng do SXH. Lần thứ hai nhiễm virus SXH cũng rất nguy hiểm. “Sau khi bị nhiễm SXH, người bệnh có khả năng miễn dịch suốt đời với loại virus sốt xuất huyết đó. Tuy nhiên, mọi người có thể bị nhiễm một trong ba loại virus khác và mắc bệnh trở lại. Vì vậy, nhiễm trùng thứ phát này thường nghiêm trọng hơn”, TS Sơn cho biết thêm.

Trường hợp bệnh nhân sốc do SXH rất nguy hiểm. Nếu không được điều trị thích hợp, 40 - 50% bệnh nhân tử vong vì biến chứng này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 1% hoặc ít hơn.

Để phòng tránh bệnh, cũng như hạn chế rơi vào tình trạng sốc SXH nặng, các bác sĩ khuyến cáo, người dân vẫn nên tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch như diệt lăng quăng, bọ gậy; xử lý các nơi ao tù, nước đọng…

Đặc biệt, trong giai đoạn bị sốt cao đột ngột, người bệnh không tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà. Bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh sớm; đồng thời tránh rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ