Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2019 - 2020, tôi khá ấn tượng với dự án “Thiết kế thiết bị hỗ trợ cho học sinh mù, khiếm thị lớp 1 học chữ nổi”. Tác giả của dự án này là hai học sinh Đỗ Hà Vy, Trần Kim Ngọc Ngân – Trường THPT Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ở tuổi “áo trắng đến trường”, nhưng các em đã có lòng trắc ẩn khi chứng kiến các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, phải học chữ nổi rất khó khăn. Điều này khiến các em trăn trở và quyết tâm thiết kế thiết bị hỗ trợ cho học khiếm thị lớp 1 học chữ nổi, với mong muốn các em sẽ thuận lợi hơn trong học tập, để hòa nhập xã hội. Tôi không bất ngờ khi dự án của các em xuất sắc giành giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2020; bởi đây là dự án có tính xã hội và nhân văn. Đề tài của các em xuất phát và giải quyết vấn đề của thực tiễn – một trong những yếu tố quan trọng của nghiên cứu khoa học.
Dự án, sáng chế của học sinh cho thấy các em không chỉ có tiềm năng trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, mà còn minh chứng giáo dục phổ thông đã và đang đi đúng với định hướng của Đảng, Nhà nước, mà điểm nhấn là Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, từ việc xác định đề tài, đến quá trình triển khai nghiên cứu cho thấy, nhiều học sinh thực sự có phẩm chất và năng lực của nhà khoa học. Các ý tưởng sáng tạo của các em đã được hiện thực hóa và giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Những thành công bước đầu này mở ra một hướng phát triển mới cho giáo dục phổ thông.
Hẳn ai cũng biết, khả năng nghiên cứu khoa học của học sinh Việt Nam đã được khẳng định qua thành công trong những kỳ thi Olympic quốc tế. Nhất là tại cuộc thi Intel ISEF ở Mỹ, nhiều năm liền, học sinh Việt Nam đoạt giải cao. Điều này càng khẳng định khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh Việt Nam đạt tầm quốc tế. Các em đã sánh vai với các cường quốc năm châu trên đấu trường trí tuệ.
Thành công không chỉ là những “trái ngọt” tại các cuộc thi, mà có những giá trị không thể “cân đong, đo đếm”. Đơn cử như: Khi tham gia nghiên cứu khoa học, các em sẽ trưởng thành hơn trên nhiều phương diện, nhất là tính chủ động trong học tập và công việc sau này. Đặc biệt, các em sẽ phát triển tốt các kỹ năng mềm như: Giao tiếp, cách làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình – thuyết phục, kỹ năng giải quyết xung đột giữa các thành viên trong nhóm.... Ở góc nhìn khác, từ kết quả học tập, nghiên cứu khoa học của học sinh, đã tác động tích cực đến phương pháp dạy học của thầy cô giáo. Nói cách khác, yêu cầu về dạy – học phải đổi mới và nhà trường cũng phải thay đổi cách đánh giá để thích ứng với thực tiễn khách quan.