Nhập viện vì thực phẩm chức năng chữa... bách bệnh
Trang web chính thức của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục nêu tên các nhãn hàng, doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng.
Nhiều trường hợp còn giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp, giảm cân đã mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo. Nhiều sản phẩm bị “thổi phồng” về công dụng.
Trên nhiều trang mạng xã hội, không ít loại thực phẩm chức năng đang được thần thánh hóa, coi như sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh. Đáng nói, rất nhiều trang web vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng lại nhan nhản những lời quảng cáo là “số 1”, “tốt nhất”, “cứu tinh”, “thần dược”, “cam kết không tái phát”, “chữa dứt điểm đau xương khớp”…
Thậm chí, có những loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng chữa bách bệnh. Cách đây không lâu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhân nữ (67 tuổi) trong tình trạng tức ngực, mất ngủ, tê miệng môi, tê tay chân, choáng váng sau khi uống thực phẩm chức năng được quảng cáo chữa bách bệnh.
Bệnh nhân chia sẻ, sau nhiều ngày tham dự một hội thảo được tổ chức gần nhà, công ty tổ chức “ưu đãi” bán rẻ 20 lọ thực phẩm chức năng với công dụng tăng cường sức khỏe, chữa bách bệnh. Sau khi sử dụng đến lọ thứ 5, bà xuất hiện rối loạn tiêu hóa, tức ngực, mất ngủ, tê miệng môi, tê tay chân, người choáng váng phải nhập viện điều trị gần 10 ngày.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng đã tiếp nhận bé gái 5 tuổi (ở phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, đau khớp gối 2 bên. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán viêm gan cấp, viêm khớp do lạm dụng thực phẩm chức năng. Người nhà cho biết, vì muốn con phát triển chiều cao nên đã tìm mua thực phẩm chức năng tăng trưởng chiều cao cho trẻ sử dụng.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng tiếp nhận một bệnh nhân bị tiểu đường nặng. Người này bị lừa mua thực phẩm chức năng trên trang Facebook giả danh BS Trần Văn Chiển, Phó Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Sau dùng thuốc, bệnh nhân bị biến chứng nặng, dẫn đến chỉ số đường huyết tăng cao, sụt 10kg.
Mạnh tay với thực phẩm chức năng “nổ”
Theo các bác sĩ, những năm gần đây, tần suất sử dụng thực phẩm chức năng của người dân ngày càng tăng. Khi đời sống kinh tế được nâng cao, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng của người dân cũng tăng theo. Cùng với đó, những vấn đề bất cập khi người dân sử dụng các sản phẩm này một cách tùy tiện, tràn lan và không được hướng dẫn cũng tăng theo.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn. Tại văn bản, Bộ Y tế cho biết, hiện một số trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đang quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Theo quy định, trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.
Bộ Y tế cho biết, một số trang mạng quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, lợi dụng người nổi tiếng để quảng cáo vi phạm.
Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên các địa bàn. Kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng. Giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.
Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan báo chí của địa phương quản lý nội dung trong các chương trình tương tác, quảng bá cho doanh nghiệp để không vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng; không phát hành quảng cáo khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng. Khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời. Không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm. Công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua, cơ sở ghi nhận nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng trộn những loại chất độc hại bị cấm sử dụng, hoặc trộn những chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng không đảm bảo. Người bệnh uống phải những chất này sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe vì không thể kiểm soát chất lượng và liều lượng. Người dân cần có sự tư vấn của bác sĩ khi sử dụng thực phẩm chức năng. Đặc biệt, việc sử dụng những loại thực phẩm chức năng không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rất nguy hiểm cho sức khỏe.