Cảnh báo quảng cáo thực phẩm chức năng 'nhà tôi 3 đời…'

GD&TĐ - Thực phẩm chức năng không phải thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh nhưng được thổi phồng công hiệu với câu thương hiệu “nhà tôi 3 đời…”

Quảng cáo thực phẩm chức năng "nhà tôi 3 đời..." tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: ITN.
Quảng cáo thực phẩm chức năng "nhà tôi 3 đời..." tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: ITN.

Thực phẩm chức năng (TPCN) không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh nhưng lại được thổi phồng công hiệu, quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội, với những câu thương hiệu quen thuộc như “nhà tôi 3 đời…”

Nan giải công nghệ “xô chậu”

“Có ai dám khẳng định TPCN bán trên thị trường đều sản xuất đúng với quy trình hay vẫn có trường hợp sản phẩm chưa đạt vẫn len lỏi bán ra?” - Đây là vấn đề bà Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM nêu ra tại hội thảo "Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn năm 2024" do Sở An toàn thực phẩm tổ chức, ngày 25/4.

Theo bà Lan, hiện nay TPCN trong nước hoặc nhập khẩu đều phải đạt yêu cầu nhưng có một vấn đề hết sức nan giải khi có nhiều thực phẩm mang tiếng TPCN nhưng dùng công nghệ “xô chậu” để thực hiện 'quậy quậy, trộn trộn', sau đó bỏ vào vỏ chức năng.

Nhận định về vấn đề TPCN ở nước ta, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, tuy nước ta đi sau những nước khác trên thế giới nhưng lại đi quá nhanh nên đã gặp nhiều vấn đề trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, quảng cáo TPCN.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM.

Bà Lan cho rằng, kinh doanh cần phải có quảng cáo nhằm đưa thông tin đến người tiêu dùng để người tiêu dùng có thể quyết định TPCN cần thiết. Đa số các cơ quan báo chí chính thống đã quảng cáo đúng theo luật và nội dung cho phép.

“Bên cạnh đó, vẫn có những quảng cáo từ các trang mạng xã hội rất khó kiểm soát, cần các cơ quan chức năng vào cuộc như quảng cáo “nhà tôi 3 đời…” với những công hiệu được thổi phồng, chữa được bách bệnh. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp khi quảng cáo cần phải biết nguyên tắc quảng cáo. TPCN có tốt nhưng đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, bà Lan nhấn mạnh.

Phải có dây chuyền sản xuất mới

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm đánh giá, thời gian gần đây, dựa trên số đăng ký của TPCN cho thấy, vấn đề sử dụng TPCN đã trở nên bùng nổ. Việc tăng cường sản xuất, phân phối, nhập khẩu TPCN là tín hiệu đáng mừng, là minh chứng cho việc người dân đã có điều kiện hơn, đã quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe hơn; đã tiệm cận với thế giới và không để tụt hậu.

“Vì đi sau nhưng lại đi quá nhanh nên thường gặp nhiều vấn đề trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN đòi hỏi sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý”, bà Lan khẳng định.

Nói về vấn đề nhập khẩu – sản xuất TPCN, bà Lan cho biết, trên địa bàn TPHCM, có 43 nhà máy đạt chuẩn thực hành tốt nhưng không đồng nghĩa có thể sử dụng dây chuyền sản xuất thuốc để thực hiện sản xuất TPCN.

Muốn sản xuất TPCN phải xây dựng một dây chuyền sản xuất mới. Ngoài ra, việc phân phối, trưng bày TPCN cũng có quy định riêng như trưng bày riêng.

Hội thảo "Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn năm 2024".

Hội thảo "Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn năm 2024".

Chia sẻ thêm về việc kinh doanh TPCN trên thị trường, ở chợ, sàn giao dịch điện tử, bà Lan cho rằng hiện chưa có điều khoản nào về việc cấm bán tại những địa chỉ trên.

Hiện nay, Sở An toàn thực phẩm TPHCM được giao chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tập huấn, quản lý quảng cáo, thanh kiểm tra trên địa bàn TPHCM về sản phẩm TPCN.

“Cần phải có luật hoặc chương dành riêng cho TPCN để người dân không nhầm lẫn giữa TPCN và thuốc. Thời gian tới, ngoài việc kiểm tra theo kế hoạch, sở còn triển khai kiểm tra đột xuất các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn TPHCM”, bà Lan cho hay.

Bà Trần Thị Thu Liễu – Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông cho biết, việc vi phạm về quảng cáo, chất lượng sản phẩm TPCN vẫn còn xảy ra rất nhiều. Cụ thể, liên quan đến các hành vi vi phạm trong quảng cáo, chất lượng TPCN, năm 2022, xử phạt khoảng 2,7 tỷ đồng; Năm 2023, xử phạt gần 1,9 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.