Bắt nhịp kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Tấm vé vào đời

GD&TĐ - Việc công nhận tốt nghiệp THPT thông qua kỳ thi với chuẩn mực chung mang tính quốc gia sẽ nâng tầm giá trị tấm bằng. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong hội nhập quốc tế về giáo dục, nhất là với học sinh đi du học nước ngoài.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đánh giá năng lực toàn diện của học sinh. Ảnh: Chiến Thắng
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đánh giá năng lực toàn diện của học sinh. Ảnh: Chiến Thắng

Nhiều nước duy trì Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Dù là thi THPT quốc gia hay tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT An Giang vẫn tăng cường công tác bảo đảm chất lượng dạy và học tại các trường THPT, đây là khâu quan trọng. Chúng tôi quán triệt đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và nhất là các em, kiến thức và kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông là nền tảng để tiếp tục học ở bậc học cao hơn, tham gia học nghề hoặc ngay cả       khi tham gia vào thị trường lao động, sau đó học tiếp khi có             điều kiện. Ông Trần Tuấn Khanh -  Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới” - sản phẩm thuộc quyền sở hữu của nhóm nghiên cứu thuộc đề tài của Chương trình khoa học cấp quốc gia - đã mô tả, phân tích việc đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT của nhiều quốc gia trên thế giới. 

Theo đó, hầu hết các quốc gia ở châu Âu đều có quy định về việc đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT. HS sau khi hoàn thành chương trình học lớp 12 phải trải qua một kỳ thi để được công nhận tốt nghiệp (hoặc được nhận Chứng chỉ tốt nghiệp THPT). Tiêu biểu cho các hình thức thi tốt nghiệp THPT là các nước: Vương quốc Anh, Hà Lan, Phần Lan và Liên bang Nga.

Tại Hà Lan, tất cả HS lớp 12 phải tham dự kỳ thi của trường mình và một kỳ thi trên giấy của quốc gia vào cuối chương trình THPT. Hằng năm, Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Hà Lan công bố những môn học bắt buộc để thi. Các trường THPT tự làm đề thi và bố trí lịch thi phù hợp.

Thông thường với mỗi môn học, học sinh của trường phải trải qua ít nhất hai bài thi. Kỳ thi quốc gia của Hà Lan thường vào cuối năm học và được tổ chức ít nhất 2 lần/năm, các trường sử dụng chung một đề thi (bao gồm môn học bắt buộc và môn học tự chọn). Các đề thi này đều lấy từ Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Hà Lan.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia Phần Lan được tổ chức 2 lần/năm dưới sự điều hành của Bộ Giáo dục. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia bao gồm 4 môn bắt buộc (tiếng mẹ đẻ: Tiếng Phần Lan, Thụy Điển hoặc tiếng Sami; ngoại ngữ chính thứ hai ở Phần Lan; một ngoại ngữ khác, môn Toán và một môn lựa chọn (trong các môn: Sinh học, Hóa học, Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Khoa học xã hội, Tâm lý học, Giáo dục sức khỏe, Tôn giáo và Đạo đức). Kỳ thi được thực hiện ngay tại trường học và do các giáo viên của trường chấm vòng 1; giáo viên trường khác sẽ được Bộ Giáo dục lựa chọn chấm vòng 2.

Trong khi đó, từ năm học 2000 - 2001, Bộ Giáo dục Liên bang Nga tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học thí điểm trên 5 vùng của liên bang. Sau 7 năm thí điểm, Tổng thống Nga ký sắc lệnh về Kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện trên toàn Liên bang Nga từ năm học 2008 - 2009.

Kỳ thi này yêu cầu thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc gồm Ngữ văn Nga, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn khoa học (1 môn do vùng lãnh thổ quy định và một môn do thí sinh tự chọn theo yêu cầu ngành nghề của trường đại học thí sinh sẽ dự tuyển).

Viện Khảo thí Quốc gia Thái Lan (NIETS) là cơ quan chịu nhiệm tổ chức thi và ra đề thi cho học sinh các lớp 6, lớp 9 và lớp 12 toàn quốc. Tất cả HS lớp 12 cần phải tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với các đề thi quốc gia được gọi là O-NET (Ordinary National Educational Test) hoặc A-NET (Advanced National Educational Test).

Đây là hai loại hình thi mà các trường đại học ở Thái Lan đều chấp nhận kết quả khi xét tuyển thí sinh vào đại học. Đề thi O-NET bao gồm 5 môn thi chính: Toán, Tiếng Thái, Khoa học, Khoa học xã hội, tôn giáo và văn hóa, Ngoại ngữ.

Tiêu biểu cho đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT của châu Mỹ phải bàn đến Hoa Kỳ. HS trải qua đề thi được chuẩn hóa bởi tổ chức khảo thí chuyên nghiệp. Chương trình giáo dục phổ thông của các bang ở Hoa Kỳ khác nhau, vì thế HS có những bài thi khác nhau.

Điển hình, ở Florida HS thi Advanced International Certificate of Education; bang Virginia thi đề thi IGCSE; bang khác học sinh có thể thi Cambridge International Examination hoặc kỳ thi quốc tế được gọi là International Baccalaureate (IB). ETS (trước đây), ACT và College Board là các tổ chức khảo thí chịu trách nhiệm tổ chức thi và cấp Giấy chứng nhận cho học sinh.

Tại Australia, Kỳ thi tốt nghiệp THPT do trường tổ chức và được gọi là School based Assessment. Một số trường học tư thục và trường công lập tại bang Nam Australia sử dụng đề thi International Baccalaureate. Tuy nhiên, nếu học sinh muốn học lên cao, phải tham dự kỳ thi với nhiều môn thi bắt buộc và lựa chọn do tổ chức khảo thí của từng bang tổ chức. 

Khẳng định vai trò quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS Nguyễn Văn Cường - ĐH Potsdam (Đức) thông tin: Dù là tâm điểm của dịch bệnh, nhiều nước phải đóng cửa trường học nhưng chỉ có một số ít nước châu Âu quyết định không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia năm 2020 như Anh, Pháp. Các nước khác vẫn cố gắng để có thể mở cửa trường học trở lại sớm nhất và thực hiện kỳ thi quốc gia.

Thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại hội đồng thi THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Thiên Thanh
Thí sinh trong  Kỳ  thi THPT quốc gia 2019 tại hội đồng thi THPT Việt  Đức (Hà Nội). Ảnh: Thiên Thanh

Nâng tầm giá trị 

Bộ GD&ĐT phân cấp cho các địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Về bài thi: Tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH). Mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để hỗ trợ khai thác sử dụng kết quả thi để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bài thi Ngữ văn có thời gian làm bài 120 phút; Toán: 90 phút; Ngoại ngữ: 60 phút; bài thi KHTN, KHXH: 50 phút đối với mỗi bài thi thành phần. Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi: 1 buổi thi Ngữ văn, 1 buổi Toán, 1 buổi Ngoại ngữ và 1 buổi thi bài tổ hợp.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định), việc tổ chức một kỳ thi cuối cùng ở bậc phổ thông là thực hiện đúng theo yêu cầu Luật Giáo dục 2019. Kỳ thi này vô cùng cần thiết để vừa đánh giá chất lượng dạy học trong các nhà trường vừa tạo động lực học tập tích cực cho học sinh.

“Thực tế dạy học, tôi thấy rõ mặt trái nếu không thi, một bộ phận học sinh sẽ không học hoặc học không tích cực” - ông Trung cho hay. Bên cạnh đó, tấm bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện không thể thiếu nếu HS muốn tiếp tục học lên đại học, hoặc muốn đi du học ở nước ngoài.

Có quan điểm tương tự, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết thêm: Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức phù hợp với Luật Giáo dục, vừa bảo đảm mặt bằng chung trong kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông toàn quốc vừa góp phần duy trì nền nếp dạy, học trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Kỳ thi cũng là cơ sở để giảm bớt sự cục bộ giữa địa phương, làm căn cứ đánh giá chất lượng, hiệu quả dạy, học ở từng trường phổ thông, giữa các trường trong từng địa phương và giữa địa phương trong cả nước.

Cùng với đó, việc đánh giá kết quả dạy và học qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là căn cứ đáng tin cậy để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới với điều chỉnh thích hợp cả về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy, học.

Cũng như quá trình sản xuất; cần có kiểm định chất lượng sản phẩm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là kỳ thi cạnh tranh mà để đánh giá mức độ đạt được của thí sinh so với chuẩn đầu ra đã công bố. Tuy nhiên, có thể tỷ lệ đỗ cao (phần lớn thí sinh đạt chuẩn) nhưng mức độ đạt chuẩn là khác nhau, phản ánh trình độ của HS, chất lượng giáo dục của nhà trường.

Với tính chất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc đánh giá chuẩn đầu ra theo nguyên tắc “học gì, thi nấy”. “Việc công nhận tốt nghiệp THPT thông qua kỳ thi với chuẩn mực chung có tính quốc gia sẽ nâng tầm giá trị của bằng tốt nghiệp THPT, điều này có ý nghĩa rất lớn trong hội nhập quốc tế về giáo dục, nhất là với HS có ý định du học nước ngoài” – ông Mai Văn Trinh cho biết thêm.

Theo ông Mai Văn Trinh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 không đặt vấn đề giảm số môn thi mà là bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông để ra đề thi đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp THPT; Phù hợp với tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19; Không đánh đố HS; Mức độ phân hóa phù hợp. Tổ chức thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tổng hợp tự chọn cũng là cách để giúp thí sinh tập trung thi những môn học đã được dành thời gian ôn tập kỹ hơn, phù hợp với định hướng lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Mặc dù số môn thi không giảm nhưng nội dung đề thi năm nay hoàn toàn nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD&ĐT công bố; Phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có độ phân hóa hợp lý để vừa đánh giá được mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông, vừa phân loại được mức độ đáp ứng chuẩn của các thí sinh khác nhau, nghĩa là phân loại được các nhóm học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình và yếu, kém.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ