Bắt nhịp dạy và học ngay sau khai giảng

GD&TĐ - Thời điểm này, các cơ sở giáo dục đã hoàn thành công tác chuẩn bị để sẵn sàng bước vào năm học mới.

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) trong tuần làm quen trước năm học mới. Ảnh: NTCC
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) trong tuần làm quen trước năm học mới. Ảnh: NTCC

Với tâm thế ổn định nền nếp dạy và học ngay sau khai giảng, các biện pháp “chuyển tiếp” được nhà trường, giáo viên chú trọng, giúp học sinh hào hứng, học hiệu quả từ tiết học đầu tiên.

Nhanh chóng ổn định nền nếp

Sau khai giảng ngắn gọn với cả phần “lễ” và “hội”, học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) sẽ bước vào tiết học đầu tiên của năm học 2023 - 2024. Theo cô Hiệu trưởng Lương Thị Hồng, do có thời gian làm quen 1 tuần, học sinh sẽ học luôn kiến thức mới theo chương trình, thời khóa biểu. Đầu tiết học, thầy cô khởi động bằng các trò chơi, dẫn dắt học sinh vào tiết học một cách hào hứng, sôi nổi.

Tương tự, thông tin từ thầy Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội), học sinh học tiết đầu tiên ngay sau khai giảng về giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh. Học sinh khối 6 được tham quan, tìm hiểu về nhà trường. Từ tiết 4, 5, nhà trường tiến hành dạy học bình thường theo thời khóa biểu.

Thực hiện theo kế hoạch thời gian năm học của UBND tỉnh, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) bắt đầu tiết học đầu tiên của học kỳ I từ ngày 6/9. Chia sẻ của thầy Nguyễn Trọng Năm - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, nhà trường đã sẵn sàng điều kiện để ổn định ngay nền nếp.

Với khối 11, 12, giáo viên chủ nhiệm luôn giữ liên lạc, nắm bắt tình hình học sinh; cập nhật thông tin về lịch tập trung, khai giảng…; nhắc nhở trò thực hiện nền nếp… qua nhóm Zalo của lớp. Riêng khối 10, nhà trường tập trung học sinh từ 18/8 để giáo viên chủ nhiệm lớp triển khai nội quy trường lớp, cờ đỏ, tuyên truyền về tham gia giao thông, nói không với bạo lực học đường; yêu cầu học sinh thực hiện tốt quy định về trang phục, văn hóa học đường, giữ gìn vệ sinh chung…

Tương tự, Trường THPT Trần Quang Khải (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cũng bắt đầu học kỳ I từ ngày 6/9. Cô Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên nhà trường cho biết: Việc ổn định nền nếp học tập, ban giám hiệu chỉ đạo từ tháng 8. Theo đó, nhà trường đã tu sửa một số hạng mục, dọn dẹp sạch sẽ khuôn viên trường, lớp.

Các tổ chuyên môn họp từ đầu tháng 8 để xây dựng kế hoạch giáo dục môn học; thường xuyên sinh hoạt tổ/nhóm để tìm hiểu, điều chỉnh nội dung, kỹ thuât dạy học. Đối với học sinh, giáo viên nhắc nhở chuẩn bị đầy đủ sách, vở, đồ dùng học tập; yêu cầu học sinh khối 11, 12 tự ôn tập tại nhà kiến thức trọng tâm của năm học trước...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Dạy học hiệu quả nhưng không căng thẳng

Bắt nhịp ngay với nền nếp, học kiến thức mới, nhưng thầy cô đều có biện pháp “chuyển tiếp” để việc học hào hứng, không quá căng thẳng. Theo cô Nguyễn Thị Hà, cách làm của giáo viên nhà trường là chuẩn bị chu đáo nội dung dạy học; khởi động bằng trò chơi để học sinh biết một số thông tin cơ bản về thầy cô giáo, môn học, cũng như phương pháp học tập môn học đó.

Giáo viên tổ chức hoạt động nhóm (dùng kỹ thuật khăn trải bàn, hoặc góc) để học sinh giao lưu, thể hiện ý kiến của mình về môn học. Thông qua hoạt động trên, tiết học sẽ thú vị, hấp dẫn, học sinh không phải ngồi nghe, ghi chép một cách nhàm chán.

Cô Đỗ Thị Hồi, Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, nhà trường giao quyền chủ động cho giáo viên tổ chức tiết học đầu tiên của lớp. “Kinh nghiệm của tôi là tổ chức cho học sinh hệ thống kiến thức cũ bằng cuộc thi nhỏ ‘Ai là người chiến thắng’. Mỗi em được trang bị bảng con. Giáo viên đưa câu hỏi, học sinh sẽ trả lời trên bảng, mỗi câu đúng được 10 điểm.

Kết thúc bộ câu hỏi sẽ xếp hạng Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích. Ai giành chiến thắng được nhận một món quà nhỏ. Kết thúc tiết học đầu tiên, các em sẽ được dự một bữa tiệc buffet nhỏ do phụ huynh và nhà hảo tâm hỗ trợ. Với cách này, học sinh học hiệu quả và rất vui vẻ”, cô Đỗ Thị Hồi chia sẻ kinh nghiệm.

Nắm bắt được niềm đam mê thể thao của học sinh, sau khai giảng, Trường THPT Quan Sơn tổ chức giao lưu đá bóng giữa học sinh nam khối 12 và khối 11; giao lưu bóng chuyền, cầu lông giữa các câu lạc bộ… Hoạt động này, theo thầy Nguyễn Trọng Năm, nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh, giúp các em có thêm năng lượng, hứng khởi trước khi bước vào năm học mới.

Với những tiết đầu năm học, thầy Nguyễn Trọng Năm cho hay, mỗi giáo viên có sự linh hoạt riêng. Ví dụ, lớp 10, thầy trò lần đầu gặp, giáo viên sẽ giới thiệu làm quen, trao đổi về nội quy trường lớp. Các lớp khác, giáo viên và học sinh có thể chia sẻ về việc làm trong hè… Thầy cô cũng có thể giao một số bài tập, học sinh làm đúng được cho điểm cao để khích lệ tinh thần…

Sở GD&ĐT Hòa Bình đã chỉ đạo các trường về việc ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau khai giảng. Nhà trường tổ chức cho học sinh học tập về truyền thống, nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; tổ chức tốt “tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học” theo các văn bản đã hướng dẫn. Tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện nhà trường, gắn với thực tế của địa phương. - Bà Bùi Thị Kim Tuyến (Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.