Bắt nhịp dạy và học sau kỳ nghỉ dài

GD&TĐ - Sau thời gian dài nghỉ hè, việc giúp học sinh nhanh chóng bắt nhịp lại nền nếp cũ, khơi dậy hứng thú và động lực học tập vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh như năm nay.

Sức khỏe học sinh và an toàn trường học được đặt lên hàng đầu.
Sức khỏe học sinh và an toàn trường học được đặt lên hàng đầu.

Không quá nặng nề kiến thức

Theo cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, Tổ trưởng Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Trà Vinh), năm học 2020 - 2021, khung thời gian thay đổi, bậc THPT chỉ còn 35 tuần thực học, nên ngoài những việc theo thông lệ, giáo viên còn nghiên cứu lại hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để điều chỉnh bài dạy cho phù hợp với khung thời gian mới. Cô trò luôn duy trì liên lạc trong hè, học sinh của cô Dung được khuyến khích đọc các tác phẩm văn học sẽ học trong chương trình; ghi vào sổ tay văn học các câu thơ, văn mình yêu thích; viết nhật ký hè để rèn luyện kỹ năng viết văn; sưu tập những bài thơ hoặc tấm gương trong đời sống để làm tư liệu viết văn… Cách làm này giúp học sinh không áp lực, nhưng lại duy trì khá tốt thói quen học tập; từ đó không gặp nhiều khó khăn khi chính thức bước vào năm học mới.

“Đừng quá nặng nề kiến thức trong những buổi học đầu. Tôi thường dành ít phút của tiết học đầu tiên để dặn dò học sinh mua sách giáo khoa môn học. Nếu học sinh khó khăn không thể mua sách, các em sẽ được hướng dẫn làm thủ tục mượn sách ở thư viện, bảo đảm cả lớp đều có sách giáo khoa. Sau đó, nhắc nhở lại nền nếp học tập từ những việc nhỏ nhất. Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật khơi gợi để học sinh học vì yêu thích, chứ không phải vì bắt buộc” - cô Nguyễn Thị Mỹ Dung cho hay.

Đón năm học mới với tâm trạng vui, lo lẫn lộn vì dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, cô Nguyễn Thị Lan Hương, Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Trăn trở lớn nhất vẫn là tâm thế dạy và học thế nào trước yêu cầu, hoàn cảnh đặt ra. “Giáo viên cần có nhiều phương pháp để đưa học trò trở lại với việc học một cách nhiệt tình, như qua các hình thức khởi động chơi mà học theo chủ đề: Chuyển thể kịch bản văn học, sáng tác thơ về lịch sử, các môn tự nhiên, vẽ tranh về địa lí…

Trong giờ dạy, cần giảm bớt lí thuyết tăng thực hành. Có thể thực hiện dạy học tích hợp liên môn cho các nhóm học sinh trong một lớp, hoặc hai lớp khác nhau, tranh luận bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan nhiều môn học… Buổi đầu, giáo viên nên dành thời gian trò chuyện hỏi han, động viên học trò; sau đó định hướng cách dạy học trong năm, có tham khảo ý kiến của học sinh; làm sao để tiết học đầu trôi đi nhẹ nhàng nhất” - cô Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Là giáo viên dạy tiểu học, cô Đặng Thị Hạnh, Trường Tiểu học Mặt Trời Mới, Hà Nội cho rằng: Với đặc thù lứa tuổi, việc rèn nền nếp, quy tắc lớp học cho trẻ trước khi dạy kiến thức vô cùng quan trọng. Đây là yếu tố then chốt để thiết lập một lớp học có kỷ luật tốt. Nhưng thay vì chỉ ra một loạt các quy định trong ngày đầu tiên, giáo viên và học sinh nên cùng đưa ra những nội quy của lớp học. Khi học sinh cùng xây dựng kỷ luật, các em có xu hướng thực hiện nghiêm túc và tự giác hơn.

Ở góc độ quản lý, cô Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT An Vũ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) nêu quan điểm: Để học sinh sớm ổn định nền nếp học tập, trước hết yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu của trường: “Coi trường là nhà, coi học sinh là con”; gần gũi, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm tư học sinh; luôn động viên, khích lệ học sinh học tập; quan tâm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn….

“Chúng tôi sẽ tổ chức tọa đàm về kinh nghiệm giáo dục đạo đức học sinh. Đồng thời, tổ chức sân chơi vận động, trí tuệ để tạo hứng thú cho học sinh. Các lớp tổ chức hoạt động tập thể vui chơi, bổ ích, học mà chơi, chơi mà học; cũng như các hoạt động gắn với thực tế địa phương...” – cô Nguyện chia sẻ. 

Bảo đảm an toàn trường học được các cấp chính quyền tại Yên Bái quan tâm.
 Bảo đảm an toàn trường học được các cấp chính quyền tại Yên Bái quan tâm.

Tạo đà trước khi tăng tốc

Là chuyên gia tâm lý học, PGS.TS Nguyễn Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Trong những ngày đầu tiên khi trở lại trường, giáo viên nên nới lỏng, để cho học sinh thích ứng lại với môi trường học tập; đừng chỉ quan tâm chạy theo chương trình. Những ngày đầu tiên có thể chỉ dạy 1/2 khối lượng kiến thức theo lịch trình, còn lại dành thời gian cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp.

“Giáo viên, lãnh đạo nhà trường cần bảo đảm tuần đầu tiên quay trở lại trường phải cực kỳ an toàn. Mọi xích mích nhỏ phải được để tâm tới. Tuần đầu nên tạo điều kiện để có nhiều không gian bạn bè, cô trò chia sẻ, thông cảm và hiểu nhau về những áp lực trong thời gian cách ly. Giáo viên tạo mọi điều kiện để học sinh đặt câu hỏi; làm rõ với trẻ các thông tin về kỳ học sẽ diễn ra và kết thúc thế nào, việc công nhận lên lớp hoặc thi cử ra sao; giải đáp mọi thắc mắc và bình thường hóa mọi lo lắng…” – PGS Trần Thành Nam gợi ý.

Bên cạnh những nội dung trên, tuần đầu tiên nên dành thời gian cho việc công bố nội quy và kỳ vọng của giáo viên; trong đó lưu ý các quy tắc, luật lệ rõ ràng, hướng đến dạy những kỹ năng cơ bản cho học sinh. Xây dựng hệ thống thưởng phạt phân minh và tạo cơ hội để học sinh trải nghiệm các thành công (bằng cách điều chỉnh nhiệm vụ cho phù hợp khả năng để nhận phần thưởng). Điều này rất quan trọng để tạo dựng lại nền nếp. “Sau khi xây dựng, củng cố lại nội quy, giáo viên cần thực hiện nhất quán theo các biện pháp quản lý hành vi lớp học tích cực” - PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Lưu ý sức khỏe tâm thần của học sinh thời gian này quan trọng hơn là kiến thức, PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh việc tổ chức hỗ trợ về tâm lý cho học sinh thích nghi lại với trường học; trao đổi về những vấn đề khi bắt đầu năm học, đặc biệt trong hoàn cảnh vừa học vừa chống dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.