Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để học trực tuyến
Năm học 2021-2022, Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory đã xây dựng, triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên; đồng thời đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục được thiết kế phù hợp với môi trường số hoá và thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh.
Những bài giảng được số hóa, kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ được trau dồi, thầy trò đồng kiến tạo trong từng hoạt động học tập, rèn luyện…với tinh thần thích nghi, làm chủ công nghệ và không ngừng tiến về phía trước.
Theo bà Nguyễn Thị An Quyên, Giám đốc điều hành Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory, để đảm bảo cơ sở hạ tầng cho năm học mới nhà trường đã tích cực đầu tư nguồn lực xây dựng trường học trực tuyến trên nền tảng MS Teams kết hợp Google Meet...
Đây là mô hình được đánh giá có khả năng đảm bảo tối ưu chất lượng công tác dạy và học trong tình hình hiện tại. Mọi công tác chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022 đã được nhà trường hoàn thành từ đầu tháng 8/2021 để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru hiệu quả.
Cùng với cả nước, đây cũng là năm học đầu tiên Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6. Nhà trường xác định ưu tiên mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên cho hai khối lớp học này.
“Để triển khai học trực tuyến cho học sinh lớp 1, trường đã tham vấn các cơ quan quản lý, trao đổi trong nội bộ và các trường bạn chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra phương án tối ưu cho việc học trực tuyến của học sinh lớp 1.
Các phương pháp sẽ được vận dụng như: triển khai 15 tiết/ tuần, dạy vào buổi tối, tách lớp ra thành nhóm nhỏ, phối hợp và hướng dẫn phụ huynh, học sinh những thao tác, phần mềm sử dụng trong quá trình dạy và học, kết hợp với thiết kế, sưu tầm các video trên Youtube, VTV7, kho bài giảng VTVgo và cổng thông tin của Bộ GD&ĐT…” - bà Nguyễn Thị An Quyên chia sẻ.
Lên các kịch bản dạy học
Tại Thừa Thiên Huế, phương án tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh đã được lên kế hoạch. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trường hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát an toàn, các cơ sở giáo dục dạy học bình thường theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện các quy định 5K trong tổ chức các hoạt động giáo dục tại nhà trường và theo qui định.
Trường hợp vùng, địa phương không an toàn, hoặc phải thực hiện giãn cách xã hội, hoặc bị phong toả: Áp dụng các hình thức dạy học đã được Sở GD&ĐT triển khai để tổ chức dạy học cho học sinh.
Cụ thể, dạy học trên truyền hình đối với khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Các trường thông báo lịch học, đồng thời chỉ đạo giáo viên phối hợp với phụ huynh theo dõi hướng dẫn học tập cũng như triển khai các hình thức kiểm tra đánh giá và hỗ trợ việc học truyền hình của học sinh. Tổ chức dạy học online qua các phần mềm ứng dụng cho tất cả các khối còn lại và áp dụng các biện pháp được nhà trường linh hoạt chủ động thực hiện khi không bảo đảm các điều kiện để tổ chức dạy học qua truyền hình, online.
“Các Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố sẽ chọn cử giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, động viên theo dõi giúp giáo viên hoàn thành tốt kế hoạch dạy học truyền hình. Các trường căn cứ chương trình và giờ phát sóng cụ thể được Sở thông báo để lên kế hoạch chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức dạy học cho học sinh.
Cùng với đó, thực hiện thống kê, nắm tình hình điều kiện thiết bị học tập online và học tập qua tuyền hình của học sinh, tổng hợp đề nghị lãnh đạo địa phương có hình thức quan tâm giải quyết, đồng thời chủ động hướng dẫn tổ chức học tập phù hợp cho tất cả đối tượng học sinh” – ông Nguyễn Tân cho hay.
Tại Phú Thọ, 3 tình huống tổ chức dạy học được Sở GD&ĐT lên phương án. Chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập, nếu dịch ở cấp độ 1 (không có ca bệnh trong cộng đồng liên tục trong 28 ngày), thực hiện dạy học trực tiếp và thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch; đồng thời kết hợp hiệu quả hình thức tổ chức dạy học trực tiếp với dạy học trực tuyến.
Tình huống dịch đang được kiểm soát nhưng ở mức độ nguy cơ (trong vòng 14 ngày, số F0 trong cộng đồng xác định được nguồn lây từ 1 - 50 ca): Các cơ sở giáo dục cần nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; cập nhật kịp thời sự chỉ đạo của ban phòng, chống dịch các cấp, các cơ quan tổ chức có liên quan chủ động có các phương án tổ chức dạy học bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh.
Riêng đối với các cơ sở giáo dục có học sinh sống trên địa bàn các khu, xã, phường, thị trấn nằm trong phạm vi khu vực phải cách ly, phong tỏa (theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền): Tổ chức dạy học trực tuyến; đồng thời chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy bù các nội dung bị chậm (nếu có). Khi học sinh đi học trở lại các trường tổ chức kiểm tra nội dung kiến thức đã dạy trực tuyến để có kế hoạch phụ đạo thêm (nếu cần), bảo đảm yêu cầu cần đạt của chương trình môn học…
Nếu dịch ở cấp độ 3 (dịch ở mức độ nguy cơ trung bình), mức độ 4 (dịch ở mức độ nguy cơ cao), mức độ 5 (dịch ở mức độ nguy cơ rất cao): Tạm dừng tất cả các hoạt động dạy học theo hình thức trực tiếp để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (theo chỉ đạo của cấp trên). Trong thời gian tạm dừng đến trường, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giao nhiệm vụ, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học trực tuyến, tự học ở nhà…
Đối với các trường mầm non, giáo viên thiết kế, sưu tầm các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ qua hệ thống trực tuyến để phối hợp, trao đổi với phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình (các hoạt động này chủ yếu tập trung vệ sinh cá nhân, các bài tập vận động cơ bản, các tình huống nhận biết, phòng tránh và tự bảo vệ bản thân, gia đình trẻ).