Nếu thêm chút thời gian em sẽ có thành tích cao hơn
Hoàng Trường Giang - Cậu học sinh lớp 8A17, Huy chương Bạc môn Toán IMSO là học sinh có điểm số cao nhất trong đội tuyển Toán 6 người của Việt Nam, chỉ thiếu rất ít điểm để với tới Huy chương Vàng.
Nhớ lại quãng thời gian hơn 1 tháng ôn luyện trước khi lên đường đến Indonesia đọ sức với bạn bè 14 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, Giang cho biết mình không hề bị lo lắng, căng thẳng.
Với hành trang giải nhì cấp quận môn Toán và Tiếng Anh năm lớp 7, vốn tiếng Anh ở cả 4 kỹ năng chắc chắn, Giang khá tự tin trước khi lên đường. Đặc biệt, em được cả bố đi theo “hộ tống.
Giang kể: Đúng 9 giờ sáng 5/9 chúng em lên đường; 12 giờ 30 bay, đến Bali (Indonesia) trời đã tối. Sau một đêm nghỉ ngơi tại hòn đảo xinh đẹp, cả đoàn tham dự lễ khai mạc vào buổi sáng, chuẩn bị bước vào bài thi đầu tiên trong sáng 7/9.
Bài thi đầu tiên của môn Toán là lĩnh vực lý thuyết với 1 bài trong thời gian 60 phút và 1 bài thi 90 phút. Nhưng, bài quan trọng hơn lại vào hôm sau, đó là Toán khám phá với 2 tiếng làm bài.
Ấn tượng đầu tiên của em là cách tổ chức thi của nước bạn rất chuyên nghiệp. Các thí sinh được xếp xen kẽ khéo léo để không thể trao đổi bài; đến bài thi Khám phá, mỗi học sinh ngồi một ô riêng biệt, có vách ngăn.
Trong khi thi, một cán bộ cầm máy quay trực tiếp trong phòng nên các phụ huynh ngồi ngoài có thể chứng kiến cảnh con mình làm bài trong suốt giờ thi.
Cũng rất tiện cho thí sinh vì trong phòng thi có đồng hồ đếm ngược, nên bất cứ lúc nào cũng có thể biết mình còn bao nhiêu thời gian cho bài làm.
Giang cho biết, dạng đề thi không xa lạ vì trước đó em và các bạn đã được các thầy cô của trường cho ôn luyện theo đề thi các năm trước. Tuy nhiên, do mất khá nhiều thời gian cho khâu dịch đề nên hết giờ em chỉ hoàn thành được 50 - 60% bài làm.
Từ mất tinh thần đến thành tích cao thi Toán khám phá
Chuyến đi đến Indonesia, có lẽ với Trần Quý Dương (lớp 8A17) có nhiều kỷ niệm nhất.
Bố và mẹ đều là dân chuyên ngữ, mẹ hiện là giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ nhưng Dương không chỉ có thế mạnh về tiếng Anh mà còn xuất sắc về Toán (giải nhất Toán cấp quận năm lớp 7).
Lên đường không có cha mẹ đi cùng động viên, nhưng Dương cho biết mình không hề cảm thấy tủi thân.
“Một tuần trước khi lên đường mẹ em phải đi công tác, nhưng trước đó, mẹ đã động viên em rất nhiều, có từ gì khó, cả hai mẹ con cùng tra cứu. Đoạt giải lần này, có công to lớn của mẹ. Bên cạnh đó, em cũng từng tham gia học kỳ quân đội ở trường Lục quân nên đã được làm quen với cuộc sống tự lập” - Dương kể.
Giống như Giang, Dương rất ấn tượng với cách tổ chức thi của nước bạn. Tuy nhiên, 2 bài thi lý thuyết, Dương đã làm không được tốt.
Cậu học sinh lớp 8A17 kể: Em thực sự mất tinh thần sau bài thi đầu tiên. Em nghĩ rằng chắc lần này mình sẽ không có giải. Tuy nhiên, được sự động viên của thầy cô trong đoàn, của các bạn, em đã lấy lại tự tin trước bài thi Khám phá.
Khám phá là dạng Toán logic, đề bài được gửi từ nhiều nước, sau đó chọn lọc ra 6 bài, mỗi bài 6 điểm. Trong thời gian 3 tiếng, em hoàn thành được 3 bài và một số câu lẻ của các bài còn lại.
Chính điểm bài thi Khám phá đã bù cho 2 bài lý thuyết hôm trước, giúp em giành được huy chương Bạc trong kỳ thi này.
Không ngại thí sinh các nước mạnh hơn
Thừa nhận thí sinh nhiều nước có ưu thế hơn về thí nghiệm, nhưng Nguyễn Minh Hiền - Học sinh lớp 8A16, giành huy chương Đồng môn Khoa học vẫn rất tự tin.
Hiền cho biết: Khoa học là môn thi tích hợp 3 môn: Sinh học, Địa lý và Vật lý. Tuy chưa được học môn tích hợp trong thời gian ôn luyện tại trường, các thầy cô đã cho đoàn làm quen với dạng đề nên không hề bỡ ngỡ.
Môn Khoa học cũng có 2 bài thi: Lý thuyết và thí nghiệm. Trong đó, các thí sinh có thời gian 3 tiếng để làm các thí nghiệm liên quan đến Sinh học và Vật lý.
Cũng với thế mạnh đọc thông viết thạo tiếng Anh, Hiền đã hoàn thành được khoảng 60 - 70% bài thi lý thuyết. Với bài thực hành tìm độ PH và vitamin C với các chất, do đặc thù môn thi nên không dự trù được kết quả. Tuy nhiên, tấm Huy chương Đồng cũng làm cô bé khá bất ngờ.
“Em rất nhớ chuyến đi đến Bali. Đây là một đảo khá sạch, đẹp, dân cư thưa thớt và người dân rất thân thiện. Có điều, thức ăn ở đây không được ngon, dù khá giống Việt Nam. Tuy nhiên, đoàn đã mang khá nhiều mì cốc đi dự trữ nên rất yên tâm” - Hiền kể vui.
Thầy phó đoàn làm nhiệm vụ chăm người ốm
Trong đoàn Việt Nam tham dự thi IMSO năm nay có 2 Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ là cô Hoàng Kim Uyên (trưởng đoàn) và thầy Vi Mạnh Tường (phó trưởng đoàn).
Nhớ lại 1 tuần ở Indonesia, thầy Tường cho biết, đó là chuyến đi đầy kỷ niệm:
Sáng 7/9, sau khi kết thúc phần thi đầu tiên, các học sinh rất phấn chấn vì đã hoàn thành bài khá tốt. Tuy nhiên, trong giờ ăn trưa, tôi để ý thấy học trò Trần Quý Dương tách khỏi đoàn, ngồi một mình một chỗ.
Từ xa quan sát, thấy cậu bé buồn so, mắt có vẻ rơm rớm, tôi đoán chắc học trò của mình không ưng ý với bài thi sáng nay. Lúc đó, tôi chưa nói gì, chỉ lẳng lặng mang đồ ăn ra ngồi gần em.
Buổi chiều, sau khi cả đoàn nghỉ ngơi, tôi nghĩ cách “xốc” lại tinh thần cho Dương bằng cách gọi em và các bạn ra bể bơi. Nước mát làm tan nhiều mệt mỏi.
Lúc đó, tôi có tâm sự với các học trò: Đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia cuộc thi này nên mục đích chính là làm quen, cọ xát. Do đó, các em hãy tiếp tục cuộc thi với tâm thế thoải mái, hết mình…
Sau đó, Dương đã nhanh chóng lấy lại được tinh thần và vượt lên với bài thi Khám phá, vinh dự mang về cho Tổ quốc tấm huy chương Bạc.
Còn một kỷ niệm khác cũng khó quên, về một phụ huynh học sinh đi cùng đoàn. Anh đã giúp đỡ đoàn rất nhiều, tuy nhiên, gần ngày cuối cùng bỗng nhiên ốm nặng, sốt li bì.
Do đó, chiều hôm sau, tôi phải ở lại cùng anh trong khi cả đoàn đi tham quan đảo Khỉ. May thay, cuối giờ chiều hôm đó, anh bắt đầu ngồi dậy và ăn được chút ít. Nếu không nhanh khỏi, chắc chắn cả đoàn sẽ có khó khăn trong chuyến trở về.
Có rất nhiều kỷ niệm, nhưng đọng lại sau tất cả là tình cảm gần gũi, yêu thương của các thành viên trong đoàn, giống như một gia đình.