Bạo lực học đường vì sao không dứt?

GD&TĐ - Là giáo viên, khi chứng kiến các vụ việc bạo hành học sinh của đồng nghiệp, tôi cảm thấy đau đớn.

Cơ quan Công an tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực học đường trong các trường học.
Cơ quan Công an tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực học đường trong các trường học.

Năm 2018, một giáo viên Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) phạt học sinh nói chuyện trong lớp bằng hình thức uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng. Vụ việc gây bức xúc trong dư luận.

Sau đó không lâu, cô giáo phải trả giá rất đắt cho hành động đó là chấm dứt hợp đồng lao động. Cứ ngỡ, đây là bài học đắt giá mang tính cảnh báo cho vấn nạn bạo lực học đường, nhất là với các thầy cô thì mấy ngày nay lại tiếp tục xảy ra nhiều vụ bạo lực với học sinh.

Đi tìm nguyên nhân

Là giáo viên, khi chứng kiến các vụ việc bạo hành học sinh của đồng nghiệp, tôi cảm thấy đau đớn. Dù có biện minh bằng cách nào đi nữa thì đó cũng là điều không thể chấp nhận…

Đi tìm câu trả lời cho thực trạng bạo lực học đường, nhất là giữa giáo viên với học sinh vì sao không dứt, tôi - với tư cách, góc nhìn của một nhà giáo đang đứng lớp, nghĩ rằng có các nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, do một số giáo viên còn yếu nghiệp vụ sư phạm (nắm tâm lý và xử lý các tình huống tâm lý ở học sinh kém; xử lý các tình huống sư phạm chưa tinh tế…). Một số giáo viên chưa thấy hết vai trò đạo đức của người thầy với học trò, nghề nghiệp.

Thứ hai, ở nhiều trường phổ thông còn nặng về giảng dạy kiến thức văn hóa mà quên đi nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống (sự phản biện và bảo vệ bản thân, bạn bè...); những kiến thức và nhận thức bài học về lòng nhân ái, vị tha, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với người xung quanh.

Học sinh bây giờ học theo kiểu “ứng thi”, học để thi chứ không phải học để làm người, nên người. Trong các môn học phổ thông nhiều năm nay, Khoa học xã hội là những môn học liên quan đến giáo dục hình thành thái độ, nhân cách, văn hóa ứng xử nhưng học sinh ít quan tâm, thậm chí là xem thường.

Thứ ba, do sự chuyển biến về tâm sinh lý của lứa tuổi dậy thì khi cơ thể đã phát triển nhưng chưa có kiến thức cơ bản và nhận thức đầy đủ trước những tác động xấu từ bên ngoài. Đây là lứa tuổi của sự “nổi loạn”, thích thể hiện mình và thích làm những gì mình muốn.

Ở lứa tuổi này, phản ứng về cảm xúc thì nhiều nhưng khả năng ra quyết định hợp lý lại chưa ở mức tối đa. Vậy nên, trong trường hợp cảm hứng, cảm xúc lên cao độ mà lý trí không đạt tới, các em có thể lựa chọn cách cực đoan.

Thứ tư, thiếu quan tâm từ ông bà, cha mẹ. Một sai lầm về mặt nhận thức của nhiều bậc phụ huynh hiện nay là mải mê kiếm tiền và phó thác, phó mặc con cái cho nhà trường trong bối cảnh xã hội đầy cám dỗ, một môi trường đầy rẫy thứ để ham, mê và để nghiện. Và khi con cái rơi vào tình trạng bị bạo lực học đường thì nhiều bậc phụ huynh lại có thói quen trút giận, đổ lỗi lên thầy cô, nhà trường.

Thứ năm, bùng nổ mạnh mẽ của thông tin trong thời đại 4.0 với Internet, mạng xã hội, nhiều sách báo, phim ảnh, game ái tình và bạo lực... Chính mạng xã hội với đủ loại thông tin không thể kiểm soát vô tình đã xâm nhập, định hướng ngôn ngữ, sở thích và hành vi của các em theo hướng trào lưu bởi hiệu ứng đám đông.

Giải pháp nào để chấm dứt

Từ năm nguyên nhân cơ bản trên, tôi nghĩ để nạn bạo lực học đường chấm dứt, chúng ta cần có những giải pháp sau:

Về phía nhà trường, song song với dạy văn hoá cần lồng ghép chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhất là ở cấp học thấp (mầm non, tiểu học).

Trở lại vụ việc đang gây bức xúc dư luận tại Sóc Sơn, Hà Nội, phải công bằng nhìn nhận rằng, học sinh lớp 12, tức 18 tuổi, nhưng trước toàn bộ chuỗi sự việc sai trái và vô lý của một giáo viên (sai đi mua bánh Trung thu, về không đúng ý thì chửi bới và đe dọa hạ hạnh kiểm, đuổi ra khỏi lớp... như báo chí phản ánh), thế mà học sinh ấy không những không biết phản biện mà còn chấp nhận bị đối xử bất công, rồi “ôm chân cô khóc xin lỗi” và quỳ khóc suốt 2 tiếng đồng hồ cho đến lúc co giật...

12 năm ăn học đằng đẵng, trước một tình huống bất công ngang trái đến thế, nhưng học sinh đã hoàn toàn tê liệt. Đó là một sự thất bại. Chưa kể, trong lớp lúc đó còn có mấy chục bạn khác cả nữ lẫn nam, tại sao không ai đủ dũng cảm để dõng dạc đứng ra bênh vực bạn và bênh vực lẽ phải sao?

Từ vụ việc trên cho thấy, các nhà trường cần xây dựng mô hình “trường học hạnh phúc” thực chất, tránh hình thức để giáo viên, học sinh mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Nhìn lại từ năm 2019, ngành Giáo dục đã triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc” trên 3 tiêu chí ban đầu hướng đến “Yêu thương, an toàn, tôn trọng”. Đó là động thái thật sự cần thiết và quan trọng cho bối cảnh của đổi mới giáo dục hiện nay. Nếu tiếp tục triển khai và nhân rộng được mô hình này, tôi tin rằng, vấn nạn bạo lực học đường sẽ được đẩy lùi.

Các trường cũng cần tăng cường công tác quản lý và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Sắp xếp hợp lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp…

Về phía học sinh, cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao thái độ và trách nhiệm về hành động cũng như hậu quả của những hành vi bạo lực đó.

Trong lớp, cần tổ chức những nhóm bạn cùng tiến để nâng cao nhận thức và tăng cường trao đổi, tự khắc phục điểm yếu trong học tập. Chấp hành tốt nội quy trường lớp, tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực và không được kích động bạo lực.

Tích cực tham gia các câu lạc bộ rèn luyện kỹ năng sống và hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính hướng thiện trong các em. Đối với một số học sinh cá biệt, cần có sự kết hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh phân biệt đối xử.

Về phía gia đình, bố mẹ cần quan tâm và tạo ra môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời cập nhật, nắm bắt tình hình học tập và rèn luyện của con tại trường học thông qua các trang Zalo (nhóm kín) của hội cha mẹ học sinh.

Khi ở trường, nếu con cái bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ cần phải là chỗ dựa tinh thần, chủ động mở lòng và chia sẻ để con mạnh dạn gửi gắm suy nghĩ, lo lắng, bực bội và chính cha mẹ là người hướng dẫn, động viên con tự chủ, tìm phương án tự bảo vệ mình.

Ở nhà, cha mẹ hãy dạy con năng lực tự vệ và biết cách bảo vệ mình trước nguy cơ của bạo lực. Trong các người thầy thì cha mẹ chính là người thầy đầu tiên và bài học đầu tiên mà các con được học chính là từ gia đình.

Napoleon từng nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là sự im lặng của những người tốt”. Để bạo lực học đường xảy ra, trách nhiệm không chỉ của riêng ai, chúng ta dù nhiều hay ít đều có một phần trách nhiệm. Hãy lên tiếng để có một môi trường giáo dục hạnh phúc, nhân văn cho con trẻ và cả thầy cô, dù bạn là ai.

Với sinh viên ngành y, bài học đầu tiên là lời thề Hyppocrates - như một cam kết về thiên chức của mình, với nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Vi phạm lời thề này thì không còn là thầy thuốc nữa. Vậy lời thề của nhà giáo là gì? Tôi nghĩ, không nhất thiết có một lời thề, điều quan trọng là thầy cô phải yêu nghề, mang một cái tâm trong sáng, trái tim nhân hậu đối với học trò. Mỗi thầy cô giáo có được điều đó trong mình, tôi tin rằng sẽ không còn mâu thuẫn nào giữa học trò và giáo viên mà không thể không giải quyết. Học trò sẽ tin yêu và kính trọng cô thầy nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.