Bạo lực học đường không thể tự sinh, tự diệt

GD&TĐ - Giải pháp phòng, chống bạo lực học đường (BLHĐ), tiếp tục được tìm kiếm và thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi vấn đề này với chuyên gia GD Liat Rockah Zimroni, cố vấn GD nổi tiếng tại Israel (quốc gia xếp thứ 10 trên thế giới trong lĩnh vực GD). 

Hỏi - đáp về bạo lực học đường giữa bà Liat (đứng bên trái) và giáo viên ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (ảnh: Nga Trần).
Hỏi - đáp về bạo lực học đường giữa bà Liat (đứng bên trái) và giáo viên ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (ảnh: Nga Trần).

Giao tiếp lành mạnh giúp phòng, chống BLHĐ

- Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, việc tìm ra giải pháp phòng, chống BLHĐ đang được quan tâm, bà có thể chia sẻ gì về vấn đề này?

Bạo lực học đường trước hết phải được giải quyết từ chính các bậc cha mẹ của HS ở nhà và GV ở trường. Theo kinh nghiệm của Israel và nhiều nước trên thế giới, có 3 nội dung có thể sử dụng giải quyết tình trạng bạo lực ở trẻ.

Trước hết, chúng ta cần phải loại bỏ và ngăn chặn những hành động bạo lực nhen nhóm xuất hiện, một cách tức thì, ngay khi trẻ có biểu hiện bạo lực.

Tiếp đến, cần phải tìm cách để phòng ngừa và chỉ ra được những nguyên nhân, động lực nào đã thúc đẩy bạo lực ở trẻ. Quan trọng hơn là cha mẹ, GV phải tạo nên phương thức giao tiếp tích cực đối với trẻ: Giao tiếp tích cực giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ và GV, giữa trẻ cùng cha mẹ.

Đó chính là cách tạo ra môi trường tích cực để phòng, chống BLHĐ. Vì bạo lực không tự nhiên sinh ra, chúng xuất phát từ một vài hiện tượng quen thuộc.

- Theo bà, khía cạnh đáng lo ngại nhất mà BLHĐ gây ra đối với HS là gì?

Bà Liat Rockah Zimroni: “Để giải quyết BLHĐ phải nhận thức đầy đủ và nhất quán trong quan điểm GD trẻ em”. Ảnh: T.G
 Bà Liat Rockah Zimroni: “Để giải quyết BLHĐ phải nhận thức đầy đủ và nhất quán trong quan điểm GD  trẻ em”. Ảnh: T.G

Bạo lực giờ đây có thể xảy ra ở khắp mọi nơi, mọi trường học, mọi nền văn hóa. Có những HS trở nên bạo lực bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do bức bối, khó chịu, hay tự cảm nhận ai đó không tốt với mình. Như vậy, trẻ sẽ chọn cách bộc lộ suy nghĩ bằng bạo lực. Để giải quyết tình trạng BLHĐ cần phải nhìn thẳng vào bản chất vấn đề.

Nếu có quá nhiều bạo lực diễn ra xung quanh, mỗi đứa trẻ cũng có thể dần trở thành một người trưởng thành đầy bạo lực. Như vậy, rõ ràng chúng ta sẽ không thể GD thế hệ kế tiếp theo mong muốn tốt đẹp và tích cực.

- Việc thay đổi nhận thức trong HS về BLHĐ nên bắt đầu như thế nào?

Thứ nhất, nếu một đứa trẻ cư xử bạo lực ở trường học trong nhiều tuần lễ, lặp đi lặp lại, GV, cán bộ trong nhà trường có thể giao cho chúng một vài nhiệm vụ, vài nguyên tắc, để chúng phải tự nhận thấy cần trở nên tốt hơn, khiến chúng phải suy nghĩ về việc tìm cách khiến bản thân trở nên tốt đẹp hơn.

Việc này đòi hỏi GV, cán bộ GD phải được đào tạo để có khả năng phát hiện trẻ nào có xu hướng bạo lực và cách thức tiếp cận thu phục trẻ.

Thứ hai, nhà trường và GV có thể cho HS cư xử bạo lực được làm người hướng dẫn (mentor) các bạn khác về giao tiếp lành mạnh. Trong quá trình được làm nhiệm vụ này, đứa trẻ sẽ suy nghĩ và tự hỏi mình: “Làm sao để giao tiếp ứng xử với các bạn khác một cách lành mạnh?”.

Cùng với việc hỗ trợ của GV, những HS này phải hiểu được về bản chất những hành động bạo lực là sai trái, từ đó chúng mới nhận thức và tự điều chỉnh mình.

Mặt khác, nếu một số trẻ em gặp phải trở ngại trong việc kết nối và hòa đồng với các bạn ở trường, cần tạo ra những cơ hội để chúng có thể hoạt động theo nhóm với những đứa trẻ khác có thể thích chúng.

Vì thực tế, khi một HS cư xử bạo lực, những HS khác thường xa lánh, sợ hãi và không muốn chơi cùng, điều này có thể khiến trẻ thêm tức giận và thêm bạo lực. Phải giải quyết gốc rễ của vấn đề xuất phát từ tâm lý HS.

Nói “cảm ơn” mỗi ngày để giảm bớt BLHĐ

- Israel đã có những giải pháp nào trực tiếp để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, thưa bà?

Ở Israel, để ngăn chặn BLHĐ, chúng tôi đã tạo nên một môi trường lành mạnh cho HS. Trong đó có 3 bước đáng chú ý:

Đầu tiên là ngăn cản sự bạo lực. Khi một HS, một GV phản ứng một cách bạo lực, ngay lập tức phải được đưa ra khỏi tình huống đó. Nghĩa là bạo lực diễn ra trước mắt phải được tất cả những người chứng kiến ngăn cản.

Bước hai, những người có trách nhiệm (GV, cha mẹ HS và lãnh đạo nhà trường) sẽ tìm hiểu nguyên nhân khiến hành động bạo lực đó xảy ra. Sự thật là có rất nhiều lý do khiến một sự việc trở nên bạo lực.

Bước ba, nhà trường, GV hoặc cha mẹ HS tham gia nói chuyện tích cực về vấn đề BLHĐ. Việc này cũng phải trở thành một hoạt động thường xuyên, có thể là một tuần một lần.

Trong trường học có thể chọn ra một vài HS, GV và các nhân vật liên quan khác để tổ chức những cuộc tọa đàm về BLHĐ một cách bình đẳng. HS và GV đều thể nói về những điều tích cực với người khác.

Hãy dạy HS và GV mỗi ngày đều nói lời “cảm ơn” ít nhất một lần với ai đó. Bằng cách này những đối tượng của BLHĐ sẽ quen dần với việc nói những câu chữ mang xu hướng tích cực, và từ đó cải thiện được cư xử theo cách tích cực.

Tôi đang tham gia Dự án “Kỷ cương trong yêu thương”, vì tôi tin rằng bên cạnh việc đặt ra những quy định, những giới hạn cho trẻ em, chúng ta - cha mẹ và những nhà GD - cần thực hiện giải pháp phòng, chống BLHĐ bằng tình yêu.

Đây chính là phương pháp đã được Bộ Giáo dục Israel áp dụng tại các trường học trong cả nước và đã mang lại hiệu quả.

- Bà vừa chia sẻ nhiều về sự góp mặt của cha mẹ HS trong phòng, chống BLHĐ, vậy theo bà, vai trò của gia đình và xã hội trong vấn đề này như thế nào?

Đây chính là phần khó nhất để cải thiện nhận thức trong giải quyết vấn đề BLHĐ. Trẻ được nuôi dưỡng ở trong nhà. Rồi cứ mỗi khi trẻ phạm một vài lỗi lầm nhỏ, chúng bị đánh, nhiều cha mẹ xử lý các rắc rối nhỏ với trẻ bằng vũ lực.

Sự lạnh nhạt hay bạo lực của GV và cha mẹ đều khiến những đứa trẻ cảm thấy chúng bị ghẻ lạnh. Điều này khiến trẻ có thể trở nên bạo lực.

Nhiều cha mẹ nghĩ việc đánh con là điều bình thường. Nhưng tại thế kỷ 21 này, các cha mẹ phải nhận thức rằng: Dù là người sinh ra trẻ thì việc đánh trẻ chẳng bình thường chút nào. Chúng ta không được phép dùng bạo lực với con của mình.

Như vậy, vấn đề quan trọng nằm ở chính người lớn. Để giải quyết được BLHĐ hay bạo lực trong gia đình, trong xã hội đối với trẻ em, chúng ta phải kết hợp lại với nhau, phải nhận thức đầy đủ và nhất quán trong quan điểm GD trẻ em, phải chấp nhận sự khác biệt giữa những đứa trẻ, để cùng tìm giải pháp GD phù hợp, để nuôi và dạy trẻ trưởng thành không bạo lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.