Đạo đức nhà giáo: Mô phạm và chuẩn mực

GD&TĐ - Thực tế đã khẳng định, GD là chìa khóa dẫn đến thành công và GV là người ảnh hưởng sâu đậm nhất trong cuộc đời của mỗi HS. 

Kỷ luật tích cực để trao yêu thương, nhận yêu thương từ học trò. Ảnh: Sỹ Điền
Kỷ luật tích cực để trao yêu thương, nhận yêu thương từ học trò. Ảnh: Sỹ Điền

Có nhiều người từng ví GV cũng giống như người làm vườn, họ sẽ không thể hái được những bông hoa nếu không chạm vào gai. Cũng như không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng và không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình. Do đó, ứng xử của GV phải hướng tới sự chuẩn mực.

Có nhất thiết phải “động chân, động tay”?

Theo TS Nguyễn Thanh Huyền, Chuyên gia pháp luật (Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội), nếu GV gọi một HS là ngu dốt và cấm các bạn trong lớp không chơi với em đó thì sự việc ấy là một hiện tượng của bạo lực học đường.

Ở đây GV dù không làm tổn thương thân thể HS nhưng đã tước đoạt phẩm giá, sự an lành trong tâm trí, vị trí xã hội trong lớp học và trấn áp các quan hệ xã hội của HS. Đó là một hành động vi phạm quyền lợi của trẻ em và là một hành động vi phạm nhân quyền. Nó còn làm tổn hại quan hệ gia đình và nhà trường, giữa GV và HS.

Nhìn ở góc độ tâm lý, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ: Thực tế có những GV từng duy trì kỉ luật bằng hình thức hà khắc: Dùng thước để vụt vào tay những em viết ẩu hay có hành vi thái quá trong lớp học; ném phấn vào HS, bắt phạt đứng bảng…

Với HS đang ở tuổi tiểu học, THCS, nhiều GV trẻ có thể dùng những cách tiếp cận đơn giản với học trò bướng bỉnh là nghiêm khắc, khắt khe, cứng rắn. Song ở lứa tuổi tập làm người lớn thì các em sẽ không nghe, không làm theo yêu cầu của thầy, cô nếu cảm thấy không thỏa đáng, thậm chí không thích và tìm cách đáp trả lại sự nghiêm khắc của thầy cô. Những lúc như thế thường dẫn đến tâm lý ức chế, chán nản, bế tắc cho GV.

Do bức xúc vì không dạy bảo được học trò, GV sẽ có hành vi ứng xử thiếu tỉnh táo, có thể trách phạt không đúng, dùng lời lẽ miệt thị, xúc phạm, đánh HS… Hậu quả, không riêng HS là nạn nhân, mà GV cũng trở thành nạn nhân khi phụ huynh kéo tới buông lời lẽ xúc phạm, thậm chí dùng hình phạt với GV như đã làm với con của họ.

PGS Nguyễn Đức Sơn dẫn giải, có trường hợp chính HS phản ứng bất ngờ làm cho GV phát hoảng. Đó là câu chuyện của một cô giáo ở Hà Nội ứng xử với một HS không thích học, không thích thi và không chịu làm bài tập. Thái độ ngang bướng, vô lễ của HS như “đổ dầu vào lửa” khiến cô không kiềm chế được, cầm cuộn giấy đập xuống bàn. Cú đập này không may trúng vào tay HS đó. Ngay lập tức cậu học trò thét lên: “Tại sao cô đánh con, cô không có quyền đánh con, cô không đủ tư cách là GV”. Và ngay sau đó cảm thấy cả bầu trời như sụp xuống dưới chân, cô giáo kể lại rằng: “Tôi phải hít sâu để cố kiềm chế cảm xúc”.

Câu chuyện GV cho HS tát bạn ở Quảng Bình, ở Hà Nội gần đây gây xôn xao dư luận. Đã có một số GV cho biết, nhiều người sử dụng giải pháp này là một cách “rèn HS” nhưng cô không phải “động chân tay”. Dường như đây là cách mà GV “truyền kinh nghiệm” cho nhau và xem đấy là “giải pháp duy nhất”.

Kỷ luật tích cực

Ứng xử mô phạm GV sẽ được học trò tin yêu. Ảnh: Sỹ Điền
 Ứng xử mô phạm GV sẽ được học trò tin yêu. Ảnh: Sỹ Điền
“Những kỷ luật hà khắc không thể đạt được mục đích là giáo dục HS, mà nó chỉ làm cho trẻ tăng sự hiếu chiến, thậm chí có thể gây một số chứng rối loạn tâm thần của trẻ, kể cả thui chột nhiều chức năng trí tuệ. Kết quả của hành vi xử phạt trên có thể làm cho đứa trẻ biết lễ phép và vâng lời, nhưng hậu quả tiêu cực mà chúng ta có thể thấy ngay là sự tức giận, bất mãn và uất ức của trẻ khi chúng bị áp lực hay bị đàn áp để tuân phục”. 
TS Nguyễn Thanh Huyền

Từ câu chuyện nêu trên, PGS Nguyễn Đức Sơn cho rằng, nếu chúng ta coi các em như con của mình sẽ có nhiều tình thương, trách nhiệm và có ứng xử tốt hơn. Tất nhiên phải trên quan điểm của một nhà GD, chứ không phải những bậc cha mẹ chiều chuộng con cái không đúng cách. Do đó GV cần có phương pháp kỷ luật tích cực. Trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV chúng tôi đã và đang triển khai đều đưa ra phương pháp này. Các thầy cô cần cập nhật, nghiên cứu và vận dụng. Quan trọng nhất là thường xuyên rèn luyện, bổ sung các kỹ năng cho chính mình. Mỗi ngày đối tượng học trò của chúng ta có nhiều thay đổi, chịu tác động của khoa học công nghệ, Internet, của đời sống và các hành vi văn hóa trong giai đoạn hội nhập” - PGS Nguyễn Đức Sơn trao đổi.

Dưới góc độ truyền thông, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Lao động cho rằng, cần tăng cường các tin, bài viết về việc tốt lẫn việc chưa tốt liên quan đến mối quan hệ, ứng xử của thầy và trò. Trở lại vụ việc GV ứng xử thiếu chuẩn mực, phản ứng của dư luận trước các sự việc xảy ra là rất nặng nề. Tất nhiên cũng có những tin bài đăng tải khi chưa kiểm duyệt kỹ và giật tít, sau đó khi các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thì thực tế không đúng như vậy. Và đôi khi cũng do yếu tố chủ quan từ phía các thầy cô và lãnh đạo các nhà trường, khi tình huống xảy ra không ứng phó được, thông tin rất chủ quan, có trường hợp thông tin với phóng viên cũng không đúng với bản chất sự việc.

Vậy nên khi gặp tình huống này cũng cần có kỹ năng ứng xử với truyền thông, bảo đảm chính xác, tránh đổ lỗi, hoặc trốn tránh gây nghi ngờ, không tạo được sự ủng hộ của xã hội… Thậm chí, ngay sau đó những người trong cuộc hoặc đại diện ngành GD ở địa phương đó phải có thông tin đầy đủ, kịp thời về vụ việc, để công luận hiểu rõ hơn, tránh việc thông tin không chính xác từ phương tiện truyền thông và tâm lý sợ dư luận của một số nhà quản lý rồi có những xử lý thiếu cẩn trọng, chủ quan, gây oan sai.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thực tế có rất nhiều tấm gương sáng nhà giáo, luôn hết lòng vì HS, đã được báo chí đăng tải, truyền thông đưa tin. Song nếu như đâu đó vẫn còn có hiện tượng GV vi phạm pháp luật, ứng xử thiếu chuẩn mực thì báo chí cũng không thể thờ ơ và khi ấy các thầy cô cần có ứng xử với báo chí một cách phù hợp”, nhà báo Doãn Hoàng khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.