Báo Đức nói chuyến công du của ông Zelensky là thảm họa

GD&TĐ - Đức được cho là đã không hứa hẹn gì với nhà lãnh đạo Ukraine về việc cung cấp vũ khí tầm xa và đẩy nhanh tiến độ gia nhập NATO

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã tới châu Âu nhằm tìm kiếm một sự đảm bảo về quân sự cho cuộc xung đột ở quê nhà.

Trong chuyến thăm Berlin, ông Zelensky đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và liên tục bị né tránh vấn đề quan trọng.

Tờ Bild bình luận, ông Scholz đã né tránh câu hỏi của Vladimir Zelensky về việc liệu Kiev có được chấp nhận vào NATO hay không, hoặc có nhận được tên lửa tầm xa từ Berlin hay không.

Tờ báo Đức cũng mô tả chuyến đi của nhà lãnh đạo Ukraine trên khắp châu Âu để đảm bảo sự hỗ trợ quân sự là một thảm họa.

Ông Zelensky có hai mục tiêu chính trong đầu khi bắt đầu chuyến công du chớp nhoáng tới các nhà lãnh đạo phương Tây: xin phép sử dụng vũ khí do nước ngoài sản xuất - bao gồm cả tên lửa Taurus của Đức vẫn chưa được chuyển giao- để tấn công các mục tiêu chiến lược sâu trong lãnh thổ Nga và lời hứa về một quá trình gia nhập NATO nhanh chóng.

Tuy nhiên, tờ Bild mô tả kết quả là "khá tệ", nói rằng hai yêu cầu của Ukraine "đã bị Berlin bỏ ngoài tai". Bài báo cho biết mặc dù Thủ tướng Đức "không hẳn là đã nói 'không', nhưng cũng không có phản hồi tích cực" nào từ ông.

Tờ báo Đức cũng đề cập tới việc Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối gặp ông Zelensky với lý do ở lại cùng người dân Mỹ để theo dõi siêu bão Milton.

Tờ Bild dẫn lời một số nguồn tin giấu tên trong chính quyền ông Biden, cho rằng siêu bão chỉ là cái cớ và Tổng thống không muốn nêu chủ đề xung đột Ukraine vào thời điểm đỉnh cao của chu kỳ bầu cử Mỹ.

Trong khi đó, tờ báo cũng dẫn các nguồn tin quân sự ở Bộ Quốc phòng Đức cho rằng, Đức không còn thiết bị quân sự nào để cung cấp cho Ukraine ngoài những gì đã cam kết, ngay cả khi Kiev vẫn đang bị Nga gây sức ép mạnh mẽ ở tuyến đầu.

Theo nguồn tin này, Bộ Quốc phòng Đức không tin rằng Ukraine sẽ có khả năng tiến hành "một cuộc tấn công" trong tương lai gần.

Báo cáo cũng trích dẫn một tài liệu nội bộ rằng Berlin sẽ không còn gửi "vũ khí hạng nặng" cho Ukraine nữa và việc chuyển giao loại viện trợ này đã "hoàn tất". Thuật ngữ này áp dụng cho xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân, pháo tự hành và các loại vũ khí tương tự.

Ngoài ra, theo tờ Bild, gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,4 tỷ euro (1,53 tỷ đô la) mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết gần đây thực chất là những cam kết đã hứa và thanh toán vào năm ngoái.

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Đức cung cấp tên lửa Taurus tầm xa, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 500km.

Bất chấp cuộc tranh luận gay gắt và qua lại ở Berlin về vấn đề này, Thủ tướng Scholz cho đến nay vẫn từ chối thực hiện. ÔNg viện dẫn những lo ngại về leo thang xung đột với Nga và lập luận rằng việc giao vũ khí sẽ chỉ "có thể duy trì" nếu Berlin có thể tự xác định mục tiêu sẽ không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã nói rằng nếu phương Tây quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất để tấn công sâu vào Nga, điều đó có nghĩa là NATO đang "tiến hành chiến tranh" chống lại Moscow.

Ông cũng đã ra lệnh cập nhật chiến lược hạt nhân quốc gia để thể hiện rằng "hành động xâm lược chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân" sẽ được coi là "cuộc tấn công chung" và là hành động vượt qua ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ